Nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh quốc gia

18/11/2016 15:36 GMT+7

Đây là một trong những quy định của luật Tín ngưỡng , tôn giáo vừa được Quốc hội thông qua chiều nay (18.11) với tỷ lệ 84,58% đại biểu tán thành.

Trước đó trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án luật Tín ngưỡng, tôn giáo Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo (điều 21) là thời gian hoạt động từ đủ 5 năm trở lên.
Theo ông Phan Thanh Bình có đại biểu đề nghị thay đổi điều kiện về thời gian hoạt động từ khi được cấp chứng nhận hoạt động tôn giáo đến khi công nhận tổ chức tôn giáo từ 5 năm thành 10 năm. Có đại biểu đề nghị không quy định thời gian hoạt động là một điều kiện công nhận tổ chức tôn giáo.
Theo quan điểm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc quy định tổ chức có đăng ký hoạt động tôn giáo sau một thời gian hoạt động mới được xem xét công nhận tổ chức tôn giáo là cần thiết, nhằm kiểm chứng thực tiễn hoạt động của tổ chức trước khi công nhận, bảo đảm tổ chức tôn giáo hoạt động ổn định, tồn tại lâu dài. Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới cũng quy định về điều kiện này khi xem xét công nhận tổ chức tôn giáo.
Ông Phan Thanh Bình cho biết, kết quả xin ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này cho thấy, có 255 đại biểu (tương đương 56,8% số đại biểu trả lời bằng 51,6% tổng số đại biểu), tán thành quy định khoảng thời gian này là 5 năm.
Về các hành vi bị nghiêm cấm và xử lý vi phạm trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo, ông Phan Thanh Bình cho biết, một số đại biểu đề nghị bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm và rà soát các từ ngữ thống nhất với Hiến pháp, pháp luật liên quan.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, dự thảo luật đã được điều chỉnh. Cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm có việc phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo và việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi.
Dự luật cũng nghiêm cấm hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Hành vi hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo, chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, cũng bị nghiêm cấm theo quy định của luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.