Ngỡ ngàng thành phố hoa hồng

Nguyễn Thế Thịnh
Nguyễn Thế Thịnh
24/02/2019 08:27 GMT+7

Cái tên thành phố Hoa Hồng xuất hiện trong thi ca và âm nhạc viết về Đồng Hới nhưng theo năm tháng nó như rơi dần vào... cổ tích. Nhưng hôm nay, hoa hồng đã thực sự hồi sinh.

Triệu triệu bông hồng

Chủ tịch UBND TP.Đồng Hới Hoàng Minh Thắng cho biết, TP sẽ trồng hoa hồng trên các tuyến đường, dải phân cách, trong công viên và vận động các cơ quan trồng trong khuôn viên, các gia đình trồng ở vườn nhà…
Tết Kỷ Hợi, trên đường từ Đà Nẵng ra Đồng Hới, tôi chợt ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của triệu triệu bông hồng khoe sắc suốt dọc dài con đường Nguyễn Hữu Cảnh. Không cưỡng được sự tò mò, lái xe một vòng quanh TP, và thấy, những con đường hoa hồng mê đắm. Như người bỗng thấy ước mơ của mình biến thành hiện thực, bất chợt tôi thốt lên: Ôi, thành phố Hoa Hồng!
Cách đây dễ chừng mười năm, tôi có viết trên báo Xuân Quảng Bình một bài có tựa Bỗng nhiên lại nhớ hoa hồng. Bài viết có ý luyến tiếc về một cái tên rất đẹp đã hầu như càng lâu càng rơi vào quên lãng. Bài viết ước muốn làm sao Quảng Bình khôi phục lại cái tên này cho Đồng Hới. Và cách duy nhất là trồng hoa hồng trên mọi nẻo đường, trong sân nhà, nơi công viên... Vì như thế, “thương hiệu” thành phố Hoa Hồng hồi sinh sẽ rất có lợi cho du lịch.
Sau mười năm, điều đó đã thành hiện thực.
Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình Lê Thế Lực kể lại, anh đã từng điện thoại, viết email cho Giám đốc Trung tâm công viên cây xanh Đồng Hới tâm sự về chuyện trồng hoa hồng: “Anh cứ cho trồng đi, chưa tham vọng gì lớn nhưng làm sao trong mỗi hàng dậu của nhà đều có hoa hồng, trồng thật nhiều hoa hồng bao quanh bờ thành Đồng Hới, từ đó nhân ra, để du lịch có thể tổ chức city tour gắn với hoa hồng. Nhất định thương hiệu thành phố Hoa Hồng sẽ trở lại với Đồng Hới. Và anh ấy đã làm và làm được bước đầu như thế đó”.
Giống hồng trồng trên đường phố là giống hồng bản địa, nó không quá rực rỡ nhưng có sức sống mãnh liệt, ra hoa quanh năm và rất dễ chăm, “vứt đâu cũng sống”. Nhiều người gọi đó là hồng dại, chị Thùy ở trung tâm cây xanh lại gọi đó là hồng phai, giống hồng được sưu tầm từ trong vườn nhà dân và nhân ra.

Từ bụi hồng trổ hoa giữa đống đổ nát

Cho đến nay, cũng ít ai biết vì sao Đồng Hới lại được gọi là thành phố Hoa Hồng. Đến cánh phóng viên viết bài cũng cắt nghĩa rất cảm tính.
Các bài báo trên mạng cho rằng người Đồng Hới trồng nhiều hoa hồng nên mới gọi như thế. Người khác lại cho cái tên này có từ thời Pháp.
Theo tư liệu cũ còn lại, người Pháp gọi Đồng Hới là Petit Paris (Paris nhỏ), có sách lại chép, Đồng Hới là con bồ câu trắng bên bờ Biển Đông... Chưa thấy tên Hoa Hồng xuất hiện.
Những “con đường hoa hồng” Ảnh: Nguyễn Thế Thịnh
Những năm 1960, Đồng Hới bị bom đánh hoang tàn, người dân phải sơ tán lên Đồng Sơn, phía tây (nay là một phường thuộc Đồng Hới). Năm 1989, tỉnh Quảng Bình được tái lập, tách ra từ Bình Trị Thiên, Đồng Hới chỉ còn cái tháp nước và một ngôi nhà hai tầng lỗ chỗ vết bom đạn, nơi đặt đài truyền thanh TP. Cái tháp nước không bị đánh sập, theo hồi ức của các phi công Mỹ, thì họ để lại để làm cột mốc tọa độ chứ không phải là đánh không sập.
Và như thế, không thể nói là Đồng Hới trồng hoa hồng khắp nơi.
Năm 1967, đang độ chiến tranh tàn khốc, Blaga Dimitrova, một nhà thơ trứ danh, từng được xem là thần đồng thơ của Bulgaria, đồng thời là một nhà báo nổi tiếng trên trường quốc tế đến VN.
Khi đến “Quảng Bình đất lửa”, Dimitrova ở nhà khách giao tế trên đồi Đức Ninh.
Mỗi sáng thức dậy, cô đều thấy trên bàn có một lọ thủy tinh nhỏ cắm mấy bông hồng nhỏ rất xinh. Trong chiến tranh, hình ảnh đó gây nhiều cảm xúc lắm.
Một hôm, cô hỏi người phục vụ phòng và được biết, những bông hoa này được cắt từ một khóm hồng sót lại bên bức tường đổ nát. Dimitrova nhờ cô phục vụ dẫn ra, và thật ngạc nhiên, một bụi hồng rực rỡ trổ hoa giữa đống đổ nát hoang tàn. Cô bật lên: Ôi, thành phố Hoa Hồng của tôi!
Ông Trần Sự, sau này làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, lúc đó là trung tá, tỉnh đội trưởng, có lần kể: Trong chiến tranh, nhiều việc giao cho quân đội đảm nhận, trong đó có việc đón tiếp và bảo vệ Dimitrova.
Lúc đó, chính ông chỉ đạo cho lãnh đạo nhà khách giao tế, bằng mọi giá, mỗi sáng, trên bàn phải có hoa và bữa ăn phải có bánh mì phết bơ. Và ông tự mình đi kiểm tra điều đó.
Trung tá Trần Sự là người nổi tiếng trong chiến tranh, không chỉ khả năng điều binh khiển tướng mà còn vì ông cực phong độ, cao to, đẹp trai có tiếng ở vùng đất lửa. Câu chuyện ông kể làm tôi tin, vì lúc đó nữ sĩ Dimitrova 45 tuổi nhưng chưa chồng và cực xinh gái. Ông không ga lăng mới lạ!
Ông Sự cũng nhớ câu chuyện cây hoa hồng nở hoa trên đống đổ nát và câu Dimitrova thốt lên. Sau này, chính ông Trần Sự là người thường gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng dù lúc đó nó vẫn còn là thị xã.
Trong ca khúc Phố biển tình anh, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương đã viết:
Là mảnh đất hương nồng
Một Đồng Hới hy vọng
Là thành phố hoa hồng
thanh khiết
Cho tình em thơm suốt cuộc
đời anh.
Xuân này, các đường phố Đồng Hới nhuộm một màu hồng đẹp đến ngỡ ngàng, như thể ta lạc vào một vườn cổ tích. Câu chuyện cổ tích sẽ được viết tiếp về một festival hoa hồng ở ngay TP mang tên nó.

Nữ thi sĩ bông hồng thép

Blaga Dimitrova sang VN với tư cách một nhà báo viết về chiến tranh.
Những tài liệu thu thập trong chuyến công tác năm 1967 ở VN, ngoài các bài báo, còn được Dimitrova sử dụng để viết 3 cuốn sách Ngày phán xử cuối cùng, Bầu trời dưới mặt đất và tập thơ Vây giữa tình yêu. Các tác phẩm này cũng như nhiều bài thơ khác của bà đã được dịch ra tiếng Việt và khiến cho nhiều bạn đọc VN thời ấy mê say.
Nhà thơ Xuân Diệu từng kể rằng, đọc Blaga, thậm chí ông “cảm thấy sợ”. “Chị ấy bay bằng tên lửa, còn mình thì đi bằng hai chân què của con vịt bầu”.
Trong các tác phẩm nói trên, Dimitrova gọi Đồng Hới là thành phố Hoa Hồng (dù trong chiến tranh Đồng Hới chỉ là thị xã).
Trong bài thơ Cô con gái và cái chết, khi chứng kiến một cô gái Quảng Bình tháo bom nổ chậm, Dimitrova viết:
Với những ngón tay thanh, những ngón tay thành thục
Một cô con gái
tháo nắp nóng bỏng của một trái bom
như cô nhổ răng trong mồm con cọp
Bộ máy nổ chậm rung động phập phồng
Và nhất định cuộc nổ toang
sẽ đến
Trái tim đập mạnh liên hồi
như sắp đến cuộc hẹn hò, yêu đương cuồng dại...
Viết về chiến tranh, về cái chết, chắc chẳng ai dám so sánh, ví von như bà.
Trong chuyến đi này, bà nhận một cháu bé ở Hải Phòng làm con nuôi và đưa về Bulgaria. Bà kết hôn với tổng biên tập một tờ báo nhỏ hơn mình 9 tuổi.
Năm 1992, bà trở thành phó tổng thống và từ chức sau hơn một năm vì bất đồng với tổng thống. Nhiều tư liệu chép lại, sau một cuộc tranh luận, bà bước ra khỏi phòng tổng thống và không bao giờ trở lại đó.
Trong đêm sinh sôi, đầy những mùi hương dược thảo
Câu hát mẹ ru tuôn
Như nhựa ngọt ngào…
Blaga đã viết về lời ru của người mẹ VN như thế trong bài thơ Điệu hát ru cho con. Và cảm hứng của bà khi gọi Đồng Hới, một TP đổ nát trong chiến tranh là thành phố Hoa Hồng cũng chính là lời ru rất ngọt ngào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.