Ngoại tình chưa đến mức 'gây nguy hiểm cho xã hội'

04/03/2016 10:31 GMT+7

Giảng viên Nguyễn Việt Khoa (khoa Luật, ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng hành vi ngoại tình chưa đến mức 'gây nguy hiểm cho xã hội', thay vì xử lý hình sự có thể dùng các biện pháp xử lý khác.

Giảng viên Nguyễn Việt Khoa (khoa Luật, ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng hành vi ngoại tình chưa đến mức 'gây nguy hiểm cho xã hội', thay vì xử lý hình sự có thể dùng các biện pháp xử lý khác.

Tháng 11.2015, Quốc hội đã thông qua dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7, trong đó có bổ sung một số nội dung về điều 182, tội “vi phạm chế độ một vợ, một chồng”.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia pháp luật cho rằng quy định pháp luật trên chưa đi vào thực tế cuộc sống và không khả thi.
Thế nào là "sống chung như vợ chồng"?
Theo Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (thuộc Đoàn LS TP.HCM), quy định của điều 182 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 có những quy định chi tiết và cụ thể hơn đối với các hành vi vi phạm (tội ngoại tình) so với điều 147 BLHS năm 1999.
Cụ thể có những quy định chi tiết như : Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Các thay đổi này nhằm cụ thể hóa quy định chưa được rõ ràng của khoản 1 điều 147 BLHS 1999 trước đây là: “Gây hậu quả nghiêm trọng”.
Khó xử phạt tội ngoại tình? - Minh họa: DAD
Ngoài ra, tình tiết tăng nặng của khoản 2 điều 182 BLHS 2015 cũng được chi tiết hơn là “làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong 2 bên tự sát”.
LS Thảo phân tích, mặc dù đã bổ sung một số chi tiết, quy định này vẫn chưa thể đi vào thực tế cuộc sống, vẫn chưa thể có những biện pháp chế tài đối với các hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. Bởi cụm từ “chung sống như vợ chồng”vẫn chưa có khái niệm cụ thể nhằm giải thích thế nào là "sống chung như vợ chồng"? Đây là một khái niệm thuộc về khoa học pháp lý nhưng lại không dễ áp dụng trong thực tế cuộc sống hằng ngày. 

Muốn điều luật trên được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống, cần thiết phải có những hướng dẫn chi tiết thế nào là” chung sống như vợ chồng

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo


Cơ sở pháp lý quan trọng nhất để xem xét hành vi ngoại tình phụ thuộc vào yếu tố "chung sống như vợ chồng", nhưng nếu không có viện dẫn cụ thể cho cụm từ này thì quy định trên không thể đi vào đời sống, theo LS Thảo.
Trên thực tế, LS Thảo đánh giá các vụ ly hôn do "người thứ ba" suy cho cùng chỉ là những cảm nhận riêng tư về một tình cảm nào đó, còn để có căn cứ pháp lý nhằm chứng minh hành vi đó là "ngoại tình" theo quy định của pháp luật hiện hành (tức "sống chung như vợ chồng" - PV) là không thể và không thuyết phục.
Thời gian qua, việc đưa ra xử lý hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng theo quy định của BLHS là tương đối ít, theo LS Thảo.
LS Thảo nói: "Theo tôi thì muốn điều luật trên được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống, cần thiết phải có những hướng dẫn chi tiết thế nào là” chung sống như vợ chồng”.
Nên xử lý hành chính, không nên phạt tù
Ông Nguyễn Việt Khoa, giảng viên khoa Luật Trường đại học Kinh tế TP.HCM, lại cho rằng hành vi ngoại tình chưa đến mức gây nguy hiểm cho xã hội, nên thay vì xử lý hình sự, có thể dùng các biện pháp xử lý khác.
 Hành vi ngoại tình chưa đến mức nguy hiểm đáng kể cho xã hội? - Ảnh minh họa từ Shutterstock 
Ông Khoa nêu: Việc xử lý hành vi ngoại tình có thể gồm "không được ưu tiên quyền nuôi con; buộc phải nhận phần tài sản ít hơn nếu ngoại tình dẫn đến ly hôn...".
Ông Khoa cũng cho rằng việc tìm chứng cứ để "kết tội ngoại tình" vô cùng khó khăn, nhất là với việc xác định hành vi "sống chung như vợ chồng"
Từ những phân tích trên, ông Khoa đánh giá hành vi ngoại tình cần được xem xét ở việc "vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội", vi phạm nghĩa vụ “chung thủy” của vợ chồng theo điều 19 về tình nghĩa vợ chồng mà Luật Hôn nhân gia đình 2014 đã quy định.
Theo ông Khoa, xét về bản chất con người, hành vi ngoại tình có thể xuất phát từ những lý do khách quan; như người vợ người, chồng không đáp ứng được nhu cầu về tình dục; hoặc một trong hai người gặp vấn đề về tình dục nhưng giữa họ vẫn muốn giữ cuộc hôn nhân...
Ông Khoa cũng đề cập đến quy định pháp luật hiện hành đã cho phép phụ nữ được quyền có con mà không nhất thiết phải có chồng.
Theo điều 182 BLHS 2015, người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm: làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Ngoài ra, nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; Đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.