Ngư dân 'mắc cạn' vì nơi neo đậu

09/07/2017 07:43 GMT+7

Ngư dân không muốn đi ngược lại chủ trương của TP.Đà Nẵng nhưng âu thuyền Thọ Quang, Q.Sơn Trà, không đủ chỗ, doanh nghiệp thiệt hại vì chậm tiến độ dự án.

Ngày 10.7 là hạn cuối cho gần 130 tàu cá neo đậu trên sông Hàn (đường Lê Văn Duyệt, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) di dời vào âu thuyền Thọ Quang, nhường mặt nước cho Công ty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng thi công dự án Bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex), nhưng đoàn tàu cá vẫn neo tại chỗ. Có 43 tàu trên 90 CV, 7 tàu từ 30 CV đến dưới 90 CV, còn lại khoảng 62% tàu nhỏ dưới 20 CV, trong đó khoảng 35 tàu không đăng ký.
Giữa 2 làn nước
Theo chủ đầu tư Marina Complex, dự án rộng 11,7 ha (trong đó 1 ha mặt nước và bến du thuyền), gồm quần thể nhà phố, biệt thự, trung tâm thương mại, condotel... Hiện đơn vị đang làm hạng mục bờ kè sông Hàn 700 m, san lấp mặt bằng cho khu biệt thự, công viên, bãi đậu xe, khởi công từ tháng 3, dự kiến hoàn thành tháng 8 nhưng vướng tàu cá, hiện chỉ đạt 10% tiến độ kéo theo nhiều thiệt hại. Công ty đã đề nghị phường, biên phòng họp bàn phân loại tàu, mức hỗ trợ và qua nhiều lần điều chỉnh tăng mức hỗ trợ, công ty đều thống nhất.
Trong khi đó, khu vực dự án vốn là nơi neo đậu tàu thuyền lâu đời của ngư dân địa phương. Ông Cao Văn Minh, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá P.Nại Hiên Đông, khẳng định ngư dân không đi ngược lại chủ trương đưa tàu vào âu thuyền Thọ Quang nhưng âu thuyền không đủ chỗ. “Vùng nước âu thuyền ô nhiễm nghiêm trọng, nhiều vi sinh vật nên hàu sinh sôi rất nhanh bám vào tàu khiến mê lườn mau xuống cấp, phải thường xuyên bảo dưỡng. Nước sông Hàn sạch hơn nên tàu chỉ lên triền đà 2 lần/năm, nhưng đậu ở âu thuyền phải mất 3 - 4 lần/năm trong khi tàu 800 CV lên đà mất khoảng 30 triệu đồng/lần”, ông Minh phân tích.
Ngư dân muốn đối thoại
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, thừa nhận âu thuyền Thọ Quang vừa là cảng cá, vừa là chợ đầu mối, vừa là nơi tàu cá miền Trung trú bão, sức chứa ngày thường chỉ khoảng 550 tàu, mùa mưa bão khoảng 500 tàu và đã quá tải. Ngư dân đề nghị khơi thông sông Hàn đoạn cuối bờ kè dự án về cầu Thuận Phước để tàu dưới 20 CV đậu tạm, nhưng Sở NN-PTNT không đồng ý do không an toàn, ảnh hưởng hạ tầng. Theo ông Tám, thiết kế âu thuyền không đảm bảo nhưng thực tế không còn đường nào khác, thời tiết bình thường có thể sắp xếp thêm tàu từ dự án, nhưng khi có bão, những tàu về sau chắc chắn không có chỗ đậu.
Ông Cao Văn Minh thì cho rằng âu thuyền quá tải lại sắp xếp tàu thiếu khoa học, tàu đậu xô bồ, tranh giành vị trí giữa âu thuyền, mất nhiều diện tích, lưu thông khó khăn và mâu thuẫn giữa các ngư dân, ban quản lý không kiểm soát được. Ông Minh kiến nghị cần bố trí tàu theo khu vực tỉnh thành, quận huyện, các tàu đã quen với nhau, ngư dân lập tổ tự quản, khi đó sẽ không có tranh chấp và trộm cắp ngư lưới cụ như tàu lạ đậu với tàu quen hiện nay. “Nếu vậy sẽ giải quyết trước mắt cho thêm nhiều tàu mùa bão này, nhưng về lâu dài phải mở rộng âu thuyền hoặc chọn khu vực khác, hiện ngư dân rất hoang mang vì nếu không có chỗ neo đậu thì ngư dân không dám đầu tư tàu cá để phát triển nghề biển”, ông Minh cho biết.
Thế nhưng, Sở NN-PTNT cho rằng không thể bố trí tàu theo khu vực riêng vì đặc thù tàu vào ra liên tục để bán cá, dễ phát sinh xung đột giữa tàu các địa phương. Âu thuyền Thọ Quang quá tải đã được cảnh báo và diễn ra nhiều năm. Tháng 4 vừa qua, TP.Đà Nẵng công bố quy hoạch cảng cá động lực - Trung tâm nghề cá, mở rộng âu thuyền Thọ Quang nhưng đó là câu chuyện tương lai. Ngư dân sẽ trú tránh ở đâu khi nơi neo đậu ngày càng thu hẹp để phát triển đô thị và mùa mưa bão đang đến gần? Sau nhiều cuộc họp giữa các bên bất thành, ngư dân kiến nghị đối thoại với lãnh đạo Q.Sơn Trà và TP.Đà Nẵng để tìm được tiếng nói chung, giải quyết có tình có lý chủ trương thành phố.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.