Người "buôn tiền" thành bộ trưởng - Kỳ 1: Trở lại câu chuyện 16 tấn vàng ngày 30/4/1975

04/10/2006 01:38 GMT+7

Năm 1986, ông làm Bộ trưởng Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước (nay là Thống đốc). Trước đó, ngày 30/4/1975, với tư cách là Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định, ông là người tổ chức tiếp quản toàn bộ tiền, vàng của chế độ Sài Gòn cũ.

Trước đó nữa, ông là một trong những người chỉ huy "đường dây buôn tiền" có một không hai trong lịch sử nhân loại: Chuyển hàng trăm triệu USD tiền viện trợ thành tiền Sài Gòn ngay giữa thành phố Sài Gòn để phục vụ cho các chiến trường đánh Mỹ. Những câu chuyện về ông ly kỳ đến mức ngay cả những nhà làm phim trinh thám tài ba nhất cũng không tưởng tượng nổi. Ông là Lữ Minh Châu, thường gọi là ông Ba Châu.

Tôi đã phải năn nỉ suốt 2 năm trời ông Ba Châu mới đồng ý cho tôi viết về ông. Những con người chính trực một lòng vì dân vì nước bao giờ cũng thật thà khiêm tốn. Hệt một tính cách như Phạm Xuân Ẩn, ông Ba Châu nói công của ông "bé tí tẹo" thôi, không có gì để viết cả. Cái "đường dây buôn tiền", tức là Ban Tài chính đặc biệt của Trung ương Cục là do ông Phạm Hùng lập ra, ông Mười Phi là trưởng, còn ông chỉ là phó. Mãi đến chiều hôm qua, ông còn dặn: "Cậu phải viết cho cẩn thận, đề cao tôi là không có sức thuyết phục đâu!". Quả là "mệt" với sự khiêm nhường của ông già này.

Nguyễn Văn Thiệu không và không thể lấy được 16 tấn vàng

Và câu chuyện về ông xin được bắt đầu ở... khúc giữa. Nhân vừa rồi báo chí lật lại vụ Nguyễn Văn Thiệu "cuỗm" 16 tấn vàng khi bỏ chạy ra nước ngoài, hỏi ông là "đúng địa chỉ" rồi, vì ngày 30/4/1975 ông làm Trưởng ban Quân quản các ngân hàng Sài Gòn - Gia Định.

Chuyện Tổng thống chính quyền Sài Gòn cũ Nguyễn Văn Thiệu mang theo 16 tấn vàng hồi đó được báo chí loan tin, sau này người nói có người nói không. Gần đây BBC lại đề cập đến thông tin này. Mới đây nhất Báo Tuổi Trẻ có một loạt bài dẫn lời các nhân chứng nói rằng không có chuyện đó. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ phía Nhà nước về vấn đề này.

Tôi hỏi ông Ba Châu chuyện đó có hay không, ông nói ngay: "Hoàn toàn không có. 16 tấn vàng vẫn còn nguyên vẹn trong kho của ngân hàng". "Nguyễn Văn Thiệu không lấy vàng đi, tại sao lâu nay Nhà nước mình không nói lại cho rõ?". "Mình biết rất rõ là số vàng đó vẫn còn, đã được kiểm kê cẩn thận và đưa vào tài sản quốc gia, nhưng không đính chính vì đó là tin đồn đăng trên báo chí, có ai đặt câu hỏi chính thức với Nhà nước đâu". "Sự thật là Nguyễn Văn Thiệu có ý định lấy đi 16 tấn vàng đó không?". "Sau này chúng ta mới biết Nguyễn Văn Thiệu có kế hoạch đưa số vàng đó đi, nhưng không đưa đi được. Lấy số vàng đó đi là không dễ chút nào hết". "Còn tiền thì sao? Theo hồi ức của ông Huỳnh Bửu Sơn đăng trên Tuổi Trẻ thì tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó được kiểm kê hơn 1.000 tỉ đồng, gấp đôi lượng tiền lưu hành tại miền Nam...". "Toàn bộ tiền và vàng dự trữ trong ngân hàng chúng ta tiếp quản nguyên vẹn cùng với đầy đủ hồ sơ sổ sách. Theo thống kê thì khối lượng tiền trong lưu thông thời điểm đó là 615 tỉ, gồm tiền mặt trong lưu thông 440 tỉ, còn lại nằm trong tài khoản tiền gửi. Tôi không thể nhớ chính xác số giấy bạc dự trữ, những số liệu kiểm kê đó vẫn còn trong hồ sơ lưu trữ. Trong kho dự trữ còn có 125 tỉ tiền in theo kiểu mới chưa phát hành, riêng số giấy bạc này được lệnh phải thiêu hủy, vì đó là số giấy bạc mà chính quyền Sài Gòn chuẩn bị để đổi tiền". "Còn châu báu, nữ trang?". "Châu báu, nữ trang là đồ người ta gửi tại ngân hàng. Những thứ đó phải trả lại cho người gửi".

"Khi tiếp quản, liệu tiền, vàng có bị thất thoát không?". "Theo tôi thì không thể. Ngân hàng của chính quyền cũ quản lý rất chặt, ta cũng chặt". "Số vàng đó sau này đi về đâu?". "Nó trở thành tài sản quốc gia, được quản lý theo luật pháp của chính quyền cách mạng, sau đó là của Nhà nước Việt Nam thống nhất". "Còn tiền?". "Tiền cũng vậy, được đưa vào lưu thông, đến năm 1976 thì đổi tiền mới".

Ông Lữ Minh Châu với thú vui cây cảnh, điền viên

Trả hết lại tiền cho dân

Việc tiếp quản các ngân hàng với tiền, vàng còn nguyên vẹn là một chuyện ngoạn mục. Việc xử lý sau đó còn ngoạn mục hơn. Ông Ba Châu nói: "Đêm 30/4, Ban Quân quản các ngân hàng ra lời kêu gọi tất cả các quan chức, nhân viên các ngân hàng, kể cả thống đốc đúng 8h ngày 1/5 có mặt tại 17 Bến Chương Dương để nghe công bố lệnh tiếp quản các ngân hàng và lệnh cho các ngân hàng ngưng hoạt động, đồng thời công bố chính sách của cách mạng: chỉ quốc hữu hóa tài sản của địch, còn tài sản của nhân dân, của các tổ chức quốc tế sẽ được bảo đảm không bị xâm phạm. Lúc đó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Lê Quang Uyển và một số phó thống đốc cũng có mặt. Những người có liên quan trực tiếp đến việc quản lý, bảo vệ tài sản được giữ lại làm việc, những anh chị em khác về nhà chờ triệu tập".

Sau khi tiếp quản, tài sản thuộc Ngân hàng Trung ương được bàn giao toàn bộ cho Ngân hàng Trung ương của Chính phủ Cách mạng lâm thời, ngân hàng này mang tên Ngân hàng quốc gia miền Nam, do ông Trần Dương làm Thống đốc. Một ngân hàng nữa được thành lập, đó là Ngân hàng quốc gia Sài Gòn Gia Định, ông Ba Châu làm Giám đốc. Hồi đó có người thắc mắc tại sao lại có cái tên "Ngân hàng quốc gia", ông Ba Châu nói, cái này rất có lợi. Điều lợi thứ nhất, là chính cái tên đó đã giữ được "chân đứng" cho chúng ta, vì "Ngân hàng quốc gia Việt Nam" của chính quyền Sài Gòn cũ là thành viên sáng lập Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và là thành viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng như của Ngân hàng thế giới (WB). Điều lợi thứ hai là kế thừa được quan hệ tín dụng quốc tế của ngân hàng cũ. "Thực ra, tiền gửi của ngân hàng cũ ở nước ngoài vẫn còn, khoảng hơn 100 triệu USD", ông Ba Châu tiết lộ.

"Chúng ta có trả hết lại tiền cho dân không?". "Có chứ. Dân hỏi, các tổ chức quốc tế hỏi. Vì vậy phải dựng ngay cái Ngân hàng quốc gia Sài Gòn Gia Định. Chỉ trong vòng một tháng rưỡi đã bắt đầu trả tiền tiết kiệm, đầu tiên trả khoảng 10% và trả hết ngay trong năm đó, năm 1975. Riêng các tổ chức quốc tế được trả nhanh hơn, trả ngay một lần". (Còn tiếp)

Kỳ sau: Đường đi của đồng đô la đến chiến trường

Hoàng Hải Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.