Người Đan Lai 8 năm chưa ra khỏi rừng

27/04/2014 03:00 GMT+7

Đề án đưa tộc người Đan Lai (H.Con Cuông, Nghệ An) ra khỏi rừng sâu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2006 nhưng đến nay vẫn dở dang.

 
Những căn nhà tái định cư cho người Đan Lai đang dang dở - Ảnh: Khánh Hoan

Đề án này có tổng nguồn vốn trên 93 tỉ đồng, trong đó có hợp phần đưa 146 hộ dân tộc Đan Lai đang sống trên thượng nguồn Khe Khặng (xã Môn Sơn) đến 3 khu tái định cư ở xã Thạch Ngàn (H.Con Cuông). Tuy nhiên đến nay, sau 8 năm thực hiện, mới chỉ có 42 hộ dân được ra khỏi rừng sâu để đến sống tại khu tái định cư.

Đang xây nhà thì… hết tiền

Theo Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (Ban chỉ đạo đề án - PV), trong số 3 khu tái định cư để di dời dân, đến nay mới chỉ hoàn thành khu ở bản Thạch Sơn, bố trí chỗ ở cho 42 hộ. Khu tái định cư ở bản Kẻ Tắt (xã Thạch Ngàn), dự kiến tạo chỗ ở cho 35 hộ, đến nay vẫn đang dang dở. Khu còn lại để tái định cư cho 69 hộ không thực hiện được vì không tìm được địa điểm thích hợp.

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng ban quản lý các dự án xây dựng H.Con Cuông, cho biết trong số 35 căn nhà cho người dân đến tái định cư ở bản Kẻ Tắt, đến giữa năm 2013, các nhà thầu đã xây dựng xong 26 căn, còn 9 căn đang xây dở thì hết tiền. Mỗi căn nhà sàn bê tông ở đây được đầu tư 310 triệu đồng (loại 3 gian) và 270 triệu đồng (loại 2 gian). Tổng mức đầu tư xây nhà ở và các công trình trường học, nước sạch lên tới trên 35 tỉ đồng.

 

Đã một năm rồi, nhà không ở thì mau hỏng lắm nên chúng tôi rất nóng ruột. Tỉnh đã họp lên họp xuống nhiều lần rồi nhưng vì kẹt tiền nên vẫn chưa biết xử lý ra sao

Ông Trần Anh Tuấn, Trưởng BQL các dự án xây dựng H.Con Cuông

Tuy nhiên, đến nay dự án mới giải ngân được 21 tỉ đồng, còn lại hơn 14 tỉ đồng chưa biết nhìn vào đâu. “26 căn đã xây xong nhà thầu bắt huyện phải nghiệm thu, nhận bàn giao. Mỗi tháng huyện phải bỏ ra 3 triệu đồng thuê người trông coi 26 căn nhà này. Đã một năm rồi, nhà không ở thì mau hỏng lắm nên chúng tôi rất nóng ruột. Tỉnh đã họp lên họp xuống nhiều lần rồi nhưng vì kẹt tiền nên vẫn chưa biết xử lý ra sao”, ông Tuấn nói.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An, do hợp phần đưa 104 hộ dân ra khỏi rừng thực hiện quá chậm vì kẹt vốn nên đến nay, số hộ này đã tăng thêm 66 hộ do mới tách riêng khiến mục tiêu dự án không đạt.

“Cái chi cũng phải mua mà tiền lại không có”

42 hộ dân rời rừng sâu về tái định cư ở bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn) từ 2007, nay đã quen với cuộc sống mới. Trưởng bản Thạch Sơn La Quang Vinh nói, về đây nhà cửa được nhà nước xây cho tốt hơn, văn minh hơn vì đường sá đi lại dễ dàng và có điện. Tuy nhiên, ông Vinh than thở rằng cuộc sống của người dân lại gặp khó khăn hơn vì đất sản xuất quá ít. Nhà ông có 5 người nhưng chỉ được chia 1,5 sào ruộng nước, 1,7 ha đất rừng. Chừng đó ruộng thì chỉ đủ gạo ăn 3 tháng, còn lại là thiếu đói. “Ở quê cũ rẫy nhiều, có rừng, có suối, tha hồ lấy măng, lấy mật ong, bẫy thú, đánh cá nên không đói. Đến đây cái chi cũng phải mua mà tiền lại không có. Bây giờ, đám thanh niên, đàn ông trong bản đều phải bỏ bản đi khắp nơi làm thuê kiếm sống, ở nhà chỉ có người già và phụ nữ thôi. 3 đứa con trai của ta, 1 đứa vô Nam, 2 đứa sang Lào làm thuê rồi”, ông Vinh nói. 

Trước đó, vào năm 2002, 36 hộ dân Đan Lai cũng tiên phong di dời ra xã Môn Sơn (H.Con Cuông) theo chủ trương của Chính phủ. Mỗi hộ được xây dựng sẵn 1 căn nhà cấp 4, đất vườn, chuồng chăn nuôi, 600 m2 đất sản xuất nhưng đất đai quá ít, việc cấy cày không thể đủ cái ăn. Dự án cải tạo 9,2 ha đất đồng ruộng cho các hộ dân này có điều kiện sinh sống đã được phê duyệt từ năm 2006 nhưng đến nay vì thiếu tiền và không đủ nguồn nước tưới nên không thể thực hiện được.

Tộc người Đan Lai sinh sống biệt lập trong vùng lõi rừng sâu thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (H.Con Cuông) có 176 hộ dân (năm 2006). Tộc người này có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu mang họ La. Tương truyền, khi tổ tiên họ La đang sống ở H.Thanh Chương (Nghệ An) thì bị bạo chúa cai quản vùng bắt họ La phải tìm ra 100 cây nứa bằng vàng và một thuyền chèo liền mái, nếu không sẽ bị thảm sát cả họ. Vì không tìm được nên con cháu họ La kéo nhau ngược sông Giăng chạy trốn vào rừng sâu rồi sinh sống ở đó và thành tộc người Đan Lai. Người Đan Lai có tục ngủ ngồi vì sợ thú dữ và sự truy đuổi của bạo chúa.

Khánh Hoan

>> Chụp ảnh miễn phí cho người dân tộc thiểu số
>> Đào tạo nghề cho thanh niên người dân tộc thiểu số
>> Hậu Giang phê duyệt danh sách người dân tộc thiểu số có uy tín
>> Gặp mặt đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.