Người Sài Gòn đổ ra đường đón giao thừa

07/02/2016 22:05 GMT+7

Tối 7.2 (29 Tết) hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã về trung tâm TP.HCM để cùng nhau đón giao thừa.

Tối 7.2 (29 Tết) hàng ngàn người dân từ khắp nơi đã về trung tâm TP.HCM để cùng nhau đón giao thừa.

Theo ghi nhận của chúng tôi, bắt đầu từ 20 giờ, nhiều người ở khắp nơi tập trung về các con đường trung tâm thành phố như Lê Duẩn, Đồng Khởi, Lê Thánh Tôn (Q.1)… để du xuân, đón giao thừa.
Tại khu vực trung tâm Q.7, nhiều gia đình tập trung đến khu vực cầu Ánh Sao, đường hoa để ngắm cảnh, thưởng lãm không khí Tết.
Nhiều gia đình cùng nhau tận hưởng không khí đêm giao thừa tại Q.7 - Ảnh: Phạm Hữu

Nhiều bạn trẻ mặc áo dài truyền thống, tay cầm hoa đào thi nhau chụp ảnh lưu niệm. Bên cạnh đó những em bé thích thú chụp ảnh cùng linh vật khỉ, và những tiểu cảnh được trang trí tại đây.
Nhiều người chọn khu vực hồ bán nguyệt (khu Phú Mỹ Hứng, Q.7) để đi dạo - Ảnh: Phạm Hữu

Lúc 20 giờ 30, tại Công viên 23.9 đã diễn ra lễ khai mạc chương trình nghệ thuật mừng Tết Bính Thân 2016 trong không khí náo nhiệt. Tại đây, nhiều người dân và du khách nước ngoài chăm chú theo dõi các tiết mục chào xuân đầy sôi động.
Tại khu vực Công trường Quách Thị Trang (Q.1), xe cộ tấp nập nhưng không bị kẹt xe hay ùn ứ.
Tương tự, trên đường Trần Hưng Đạo, Lê Lai, Pastuer lượng xe lưu thông cũng khá đông nhưng cũng không xảy ra tình trạng kẹt xe.
Đến 21 giờ, lượng người đổ về khu trung tâm thành phố ngày càng đông. Khu vực đường hoa Nguyễn Huệ năm nay được làm tại phố đi bộ nên tạo được nét mới cho người dân. Bên trong đường hoa đông hàng ngàn người di chuyển chen chúc nhau...
Đa phần người dân đến đây ngắm đường hoa, vui chơi và tìm cho mình chỗ đẹp để ngắm pháo hoa trong đêm giao thừa.
23 giờ, phố đi bộ kẹt cứng người. Khu giao nhau giữa đường Nguyễn Huệ và Tôn Đức Thắng không còn một chỗ trống. Ai nấy đều cố gắng tìm cho mình chỗ xem pháo hoa đẹp nhất.
Đến 0 giờ, pháo hoa được bắn từ khu vực Q.2 nhiều người ồ lên tán thưởng cho những màn pháo đẹp. Một số khách dùng điện thoại, máy chụp hình ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của năm mới.
Đến 0 giờ 15, kết thúc màn phóa hoa, hàng ngàn người gặp khó khăn khi trở về nhà vì nhiều tuyến đường kẹt cứng.
Đường hoa luôn là điểm đến thú vị của người dân TP.HCM - - Ảnh: Phạm Hữu
Chương trình nghệ thuật mừng xuân Bính Thân tại Công viên 23.9 thu hút đông đảo người dân
Tuy vậy, Trung tâm thương mại Diamond (đường Lê Duẩn,  Q.1) lưa thưa người  - Ảnh: Phạm Hữu
Một gia đình chụp ảnh lưu niệm tại phố đi bộ Nguyễn Huệ - Ảnh: Phạm Hữu
Cả gia đình diện áo đẹp đón giao thừa - Ảnh: Phạm Hữu

Rất đông người di chuyển trên đường Đồng Khởi - Ảnh: Phạm Hữu
Khu vực chợ Bến Thành tập trung đông người - Ảnh: Phạm Hữu 
Mong Tết sum vầy 
Càng gần thời điểm giao thừa, nhìn những dòng người tấp nập về nhà, lòng lại thấy nao nao.

Sáu năm nay, từ khi xa nhà để tìm cái chữ, Tết đến mình vẫn về nhà đều đều nhưng thật ra chẳng bao giờ được ở nhà trọn vẹn được một ngày.

Hoặc ban ngày ở nhà với mẹ, ban đêm ra chỗ làm phụ cho ba, hoặc ban đêm ở nhà với mẹ thì ban ngày phải đi với ba.

Công việc của ba không được về trong đêm giao thừa, mình thì không nỡ để ba một mình, hai ba con năm nào cũng mang ghế ra khoảng trống trước chỗ làm nhìn xe cộ mà đón giao thừa.

Nhà mình cũng vậy, lâu lắm rồi, phải hơn 10 năm chưa được đón giao thừa cùng nhau.

Chị Hai lấy chồng xa, có năm cũng chẳng về ăn Tết cùng gia đình.

Nhà ở quê nhưng trước giờ nhà mình chưa từng gói bánh tét rồi ngồi tụm đầu vào nhau chụm lò trong đống lửa như những nhà khác. Vì có đông đủ đâu để mà gói bánh, để mà chụm lò.

Năm nay có lẽ vẫn thế! Hai cha con vẫn đón giao thừa bằng hai cái ghế nhựa và chút lạnh của mùa đông. Nếu may mắn hơn thì chị Hai sẽ về, được vậy thì mẹ sẽ không phải nhìn bầy con xa xăm nữa.

Trong thời khắc giao thừa, được đón năm mới cùng với gia đình đầy đủ mọi thành viên, đó là niềm hạnh phúc và thiêng liêng nhất đối với mỗi người.

Những ai đang còn gia đình và phải bon chen giữa cuộc đời vì miếng cơm manh áo, nếu được hãy thật nhanh về với gia đình. Đó có thể không phải là 12 giờ đêm ngày 30, có thể là ngày mùng 1, mùng 2 Tết. Nhưng hãy cố gắng để mọi người được quây quần bên nhau.

Mong một cái Tết sum vầy.

Tâm Đức

Pháo hoa từng bừng đón giao thừa
* An Giang: Khoảng 21 giờ đêm giao thừa 29 Tết, tại các con đường chính trong nội ô P.Mỹ Long (TP.Long Xuyên) như đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ... chật cứng người dân chen lấn xem bắn pháo hoa ở khách sạn Đông Xuyên và Ngân hàng Ngoại thương VN.
Năm nay, UBTP. Long Xuyên tổ chức bắn pháo hoa vào lúc 22 giờ với thời lượng bắn khoảng 30 phút, số lượng pháo hoa bắn khoảng 200 thùng pháo hoa với tổng kinh phí 850 triệu đồng từ vận động xã hội hóa.
Cùng lúc này tại TX.Tân Châu đã tổ chức bán pháo hoa bên bờ sông Tiền, TP.Châu Đốc tổ chức bắn pháo hoa bên dòng sông Hậu.
* Đồng Tháp: Lúc 22 giờ, rất đông người dân đã tụ tập ở Quảng trường Văn Miếu (P.1, TP.Cao Lãnh) xem bắn pháo hoa nghệ thuật.
Cùng thời điểm này, tại trung tâm TP.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự cũng đã tổ chức bắn pháo hoa.
* Cà Mau: Giao thừa Tết Nguyên đán 2016, tỉnh Cà Mau sẽ có 10 điểm bắn pháo hoa. Lần đầu tiên tỉnh Cà Mau tổ chức bắn pháo hoa tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển điểm cực nam của đất nước.
* Bà Rịa - Vũng Tàu: Đêm giao thừa Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 (7.2) toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 địa điểm bắn pháo hoa.
Theo Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tại mỗi địa điểm bắn được bố 
trí 120 giàn, bảo đảm pháo hoa được bắn liên tục trong khoảng thời gian 15 phút.
Thanh Dũng - Gia Bách - Nguyễn Long
Phố đi bộ Nguyễn Huệ đông nghẹt người - Ảnh: Phạm Hữu
Ghi lại khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới Bính Thân 2016 - Ảnh: Phạm Hữu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.