Nguy cơ hỏa hoạn vẫn còn cao

Trung Hiếu
Trung Hiếu
31/03/2018 06:26 GMT+7

Chiều 30.3, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chủ trì hội nghị quán triệt triển khai chỉ thị về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với nhà chung cư, nhà cao tầng ở TP.HCM với sự tham dự của các sở ngành, quận huyện và đông đảo nhà đầu tư có chung cư ở TP.

474 chung cư cũ hết hạn sử dụng
Đáng chú ý, tại hội nghị này ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP, cho biết hiện TP có 474 chung cư xây dựng trước năm 1975 đã hết niên hạn sử dụng, trong đó có 15 chung cư bị hư hỏng nặng, nguy hiểm cho người sử dụng. Ngoài ra, hầu hết chung cư xây dựng trước năm 1975 không có hệ thống PCCC. Nhiều căn hộ chung cư bị cơi nới, rào chắn, không có lối thoát hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Ngoài ra, theo ông Châu, nhiều nhà cao tầng được cấp phép trong hẻm tiềm ẩn nguy cơ về an toàn thoát hiểm cho cư dân khi xảy ra cháy. Có trường hợp cơ quan chức năng duyệt quy hoạch tổng mặt bằng chung cư nhưng thiếu đường dẫn vào cho xe chữa cháy. Có trường hợp chủ đầu tư dự án chừa đường cho xe chữa cháy vào nhưng tải trọng mặt đường không đáp ứng quy định PCCC, xe chữa cháy hạng nặng không thể vào được.
Ông Lê Hoàng Châu thông tin thêm, nhiều chung cư tái định cư, chung cư nhà ở xã hội và một số chung cư nhà ở thương mại đang bị người tiêu dùng quan ngại về chất lượng xây dựng, trong đó công trình PCCC chất lượng thấp, hoạt động không ổn định, thiếu tin cậy. Có chung cư có hệ thống báo cháy kém chất lượng, liên tục báo cháy giả nên cư dân có thói quen “bình thản” khi báo cháy. Có nơi tắt luôn hệ thống báo cháy để khỏi làm phiền; cửa ngăn khói ở các tầng bị chèn… Nguy hiểm hơn, một số chủ đầu tư chưa hoặc không thi công hệ thống PCCC nhưng đã đưa người dân vào ở. Thậm chí có chung cư đưa người dân vào ở khi đang thi công, thi công sai giấy phép xây dựng, không có hệ thống PCCC.
Liên quan đến chung cư xây dựng trước năm 1975, thượng tá Nguyễn Văn Hưởng, Phó giám đốc phụ trách Cảnh sát PCCC TP, cho biết số 474 chung cư trước năm 1975 và nhà chung cư xây dựng trước khi có luật PCCC, không thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC theo quy định. Qua khảo sát có nhiều công trình không đảm bảo các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ xe chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống PCCC không được duy tu, nhiều nơi xảy ra tình trạng tự ý xây dựng, cơi nới, lấn chiếm hành lang…
Nguy cơ cháy nổ ở các quán bar, karaoke
Thượng tá Nguyễn Văn Hưởng cho hay nhiều chung cư còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về PCCC vì sợ tốn kém kinh phí hoặc do thiếu kinh phí, nhất là ở những chung cư đã giao cho cư dân quản lý. Việc tổ chức, huấn luyện, trang bị phương tiện, lập và thực tập phương án chữa cháy còn thiếu sót. Tại môt số chung cư, ban quản trị và lực lượng PCCC chưa được tập huấn về nghiệp vụ PCCC.
Đáng chú ý, tại hội nghị, đại tá Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TP.HCM, khẳng định không chỉ chung cư mới tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà cháy nổ còn thường trực ở bất kỳ khu dân cư nào. Ông Tài cũng nêu sự lo ngại cháy nổ ở những vũ trường, karaoke, beer club, nơi hát cho nhau nghe, đặc biệt là ở các quán bar nhưng hoạt động như vũ trường. Đáng chú ý, ở các quán bar này khi cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý lại liên tục đổi chủ.
“Tôi đề nghị chủ tịch UBND quận, huyện kiểm tra lại kết cấu xây dựng các quán bar này... Những quán bar này có không gian rất nhỏ nhưng lượng người tập trung rất lớn, vào đó uống rượu, hút thuốc trong điều kiện rất dễ cháy”, ông Tài nêu và chỉ ra những vụ cháy lớn liên quan đến quán bar, karaoke khiến nhiều người thiệt mạng ở TP.HCM và Hà Nội.
Hiện Công an TP đang phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu, đề xuất sẽ không cấp giấy phép kinh doanh đối với doanh nghiệp vi phạm ở địa điểm có vi phạm. Vì trên thực tế, có 4 - 5 doanh nghiệp cùng “núp bóng” ở một địa chỉ. Khi một quán bar vi phạm bị xử phạt thì hôm sau lại “lòi” ra doanh nghiệp khác “tiếp quản” quán bar này!
Bãi để xe chung cư Lý Tự Trọng (Q.1, TP.HCM)
Không được đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm
Sau vụ cháy chung cư Carina Plaza (Q.8), với vai trò cơ quan quản lý các chung cư, Giám đốc Sở Xây dựng TP Trần Trọng Tuấn cho rằng cần phải xem trọng việc bảo trì chung cư. Quy định pháp luật, chủ đầu tư có trách nhiệm thu 2% giá trị căn hộ, đây là kinh phí bảo trì và phải bàn giao kinh phí này cho ban quản trị chung cư để thực hiện công tác bảo trì. Tuy nhiên, trên thực tế một số chủ đầu tư chậm trễ tổ chức hội nghị thành lập ban quản trị chung cư với lý do không muốn giao kinh phí bảo trì cho chung cư. Thậm chí có chủ đầu tư chiếm dụng bất hợp pháp kinh phí bảo trì và không giao cho ban quản trị chung cư.
“Khi chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí đó thì toàn bộ việc bảo trì không minh bạch, công khai, chất lượng bảo trì không đảm bảo dẫn tới nguy cơ sự cố xảy ra. Chung cư Carina nằm trong tình trạng này khi chủ đầu tư chưa bàn giao kinh phí 2% cho ban quản trị”, ông Tuấn nói.
Từ thực tế rất khó quản lý chung cư, ông Tuấn nêu để kiểm tra trách nhiệm của chủ đầu tư lẫn trách nhiệm của đơn vị vận hành, đó là khi ký hợp đồng quản lý vận hành phải ký theo mẫu Thông tư 28. Trong hợp đồng quản lý vận hành Carina giữa chủ đầu tư và đơn vị vận hành còn sót rất nhiều nội dung quan trọng nên dễ để xảy ra sai sót. Ông Tuấn cũng đề nghị các chủ đầu tư thực hiện ngay các khiếm khuyết ở chung cư mà các tổ kiểm tra liên ngành chỉ ra. Nếu hết thời gian mà chưa khắc phục, Sở Xây dựng sẽ công bố chung cư mất an toàn.
Thượng tá Nguyễn Văn Hưởng cho biết phải thường xuyên tổ chức đánh giá, kiểm tra định kỳ việc chấp hành quy định pháp luật về PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng ở TP với định kỳ 4 lần/năm để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục. Trong kiểm tra an toàn PCCC, cần tập trung kiểm tra các điều kiện an toàn của lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy và thử nghiệm hoạt động của hệ thống PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm trường hợp vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu sau hội nghị này các lãnh đạo sở ngành, quận huyện và đơn vị liên quan chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện chỉ thị. Thủ trưởng các cơ quan phải chủ động thực hiện, hỗ trợ lẫn nhau, không được đùn đẩy, lẩn tránh trách nhiệm khi thực hiện chỉ thị.
Bãi để xe chung cư Ngô Tất Tố (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Xử phạt nặng chung cư đưa vào sử dụng mà chưa nghiệm thu PCCC
Chỉ thị của UBND TP yêu cầu Cảnh sát PCCC TP tăng cường chức năng quản lý nhà nước về PCCC, thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn để kịp thời phát hiện và yêu cầu cơ sở khắc phục ngay các sai phạm, sơ hở, thiếu sót. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Trong kiểm tra an toàn PCCC cần tập trung kiểm tra các điều kiện an toàn của lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy và hoạt động của các hệ thống PCCC. Việc kiểm tra khắc phục các vi phạm về PCCC (15 ngày/lần); lập biên bản nêu rõ việc thực hiện những cam kết của chủ đầu tư; ra thông báo tạm đình chỉ, đình chỉ khi cần thiết. Sau khi xử phạt xong, nếu chủ đầu tư không khắc phục, đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế theo quy định. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức thực tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ, giả định các tình huống để lực lượng cơ sở thực tập thuần thục các thao tác sử dụng phương tiện chữa cháy để có thể dễ dàng xử lý các tình huống khi có sự cố cháy nổ, chủ động trong việc phòng và chữa cháy...
Chỉ thị giao Sở Tư pháp tập trung kiến nghị tăng cường chế tài, nâng cao mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với trường hợp chủ đầu tư cho sử dụng công trình khi chưa nghiệm thu, hoàn công về PCCC và xây dựng… Nếu cần thiết báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp chế tài ở mức cao hơn theo cơ chế đặc thù của TP. Chỉ thị cũng giao UBND quận, huyện phối hợp xử lý 474 chung cư xây dựng trước năm 1975. Đối với các công trình thuộc diện cải tạo, xây dựng mới phải hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện những quy định về điều kiện an toàn PCCC. Nghiên cứu tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ Xây dựng đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa những chung cư đã được xây dựng trước năm 1975.
Cuối hội nghị, trước chất vấn của PV Thanh Niên về việc chậm công bố 7 chung cư chưa nghiệm thu điều kiện PCCC mà đưa người dân vào ở, ông Phong đã yêu cầu thượng tá Nguyễn Văn Hưởng phải sớm báo cáo, quan trọng phải có giải pháp bảo đảm an toàn tính mạng người dân, không được để xảy ra hậu quả như chung cư Carina Plaza vừa qua.
Hà Nội sẽ chi ngân sách cải tạo hệ thống PCCC hơn 100 nhà tái định cư cũ
Ngày 30.3, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng và Cảnh sát PCCC tiếp tục thành lập các đoàn kiểm tra công tác PCCC tại chung cư; công bố công khai các tòa nhà, chủ đầu tư vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư có biện pháp khắc phục. Sở KH-ĐT được yêu cầu cập nhật danh sách các chủ đầu tư vi phạm PCCC, nợ đọng thuế và nghĩa vụ tài chính khác, không cấp chủ trương đầu tư dự án mới khi chưa khắc phục các lỗi cũ. Ông Chung cũng yêu cầu Sở Xây dựng và Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình văn hóa xã hội triển khai sớm việc sử dụng ngân sách TP để cải tạo, nâng cấp, bổ sung thiết bị đảm bảo tiêu chuẩn PCCC đối với các tòa nhà tái định cư được xây dựng lâu năm. Theo Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội, để cải tạo hệ thống PCCC cho hơn 100 tòa nhà tái định cư được xây dựng trước năm 2009 sẽ cần khoảng 92,4 tỉ đồng.
Trước đó, UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Công an giảm bớt một số yêu cầu quy chuẩn về PCCC và chấp nhận giải pháp thay thế đối với 17 chung cư cao tầng không có khả năng khắc phục theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành.
Vũ Hân
Tặng Cảnh sát PCCC TP 1 triệu USD mua sắm trang thiết bị
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh, công bố tặng Cảnh sát PCCC TP số tiền 1 triệu USD (hơn 22 tỉ đồng) để mua sắm trang thiết bị PCCC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.