Nguyên Bí thư Hội An Nguyễn Sự: 'Người tiến cử hiền tài cần cái tâm thật sáng'

16/02/2017 15:22 GMT+7

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An khi nói về đề án tiến cử cán bộ trẻ làm lãnh đạo chủ chốt của Đà Nẵng.

PV Thanh Niên đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Sự, người từng có nhiều năm làm lãnh đạo và có kinh nghiệm trong công tác cán bộ của TP.Hội An (Quảng Nam) xung quanh đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý và cán bộ chủ chốt TP.Đà Nẵng đến năm 2025 và những năm tiếp theo do Đà Nẵng mới ban hành.

* Thưa ông, đề án có nêu “Người tiến cử cán bộ phải có trách nhiệm theo dõi, giúp đỡ cán bộ phát triển; sẽ được biểu dương, khen thưởng khi cán bộ lập được thành tích và phát triển tốt, đồng thời chịu trách nhiệm cá nhân khi cán bộ sai phạm...”, ông đánh giá thế nào về nội dung này?

- Ông Nguyễn SựTôi đồng ý quan điểm khi tiến cử bản thân người tiến cử phải nắm được triển vọng của người được tiến cử. Nếu trường hợp tiến cử vào mà họ tốt thì người tiến cử hiền tài nên được khen thưởng, biểu dương với dân. Nhưng ngược lại nếu anh lợi dụng để tiến cử những người không phải hiền, không phải tài thì anh phải chịu trách nhiệm trước xã hội, trước pháp luật…

Phải chú ý một điều là người tiến cử phải giúp đỡ chứ không phải bắt bản thân lớp trẻ theo ý kiến của mình. Quan trọng là người tiến cử phải khơi dậy tư duy mới, sự sáng tạo, độc lập, bản lĩnh của cán bộ trẻ chứ không phải là những người nghe theo lời mình, mình mới tiến cử.

Thậm chí những cán bộ trẻ trái với ý mình nhưng có tư duy mới, sáng tạo và tố chất làm thay đổi cục diện của một địa phương, một ngành nào đó thì nên tiến cử.

Tiến cử phải hết sức khách quan, công tâm. Người tiến cử và người được tiến cử đều phải có trách nhiệm với xã hội, với nhân dân… chứ không phải vì tình cảm, quen biết, vì thân thiết mà tiến cử. Điều đó là không được. Do đó phải chống lại sự lợi dụng tiến cử để tiến cử người thân, quen đi vào bộ máy chính quyền.

Đòi hỏi người tiến cử nhất định phải có cái tâm thật sáng để chọn những người có bản lĩnh, dũng khí, trình độ, có năng lực, tâm huyết và đồng thời phải dám chịu trách nhiệm, dám đấu tranh để bảo vệ cái đúng dù rằng bản thân phải trả giá cho chuyện đó.

 
Đà Nẵng ban hành đề án xây dựng và tạo nguồn cán bộ trẻ đảm nhiệm các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý gây chú ý dư luận ẢNH: HOÀNG SƠN

* Đề án có nêu giải pháp “giải quyết rào cản” có nội dung “động viên cán bộ lớn tuổi nghỉ hưu trước tuổi nhường vị trí lại cho cán bộ trẻ”, với vị trí nguyên là Bí thư Thành ủy Hội An và từng là một cán bộ lãnh đạo về hưu trước tuổi, ông suy nghĩ gì về nội dung này? 

 - Về hưu sớm để nhường đường cho lớp trẻ là đúng, theo tôi không phải là nhường vị trí. Vị trí đâu phải của anh mà anh nhường, mà ở đây là anh nhường đường cho lớp trẻ…

Theo tôi, những cán bộ chưa đến tuổi về hưu còn trí tuệ, năng lực và làm việc hiệu quả thì nên chọn lựa làm nòng cốt. Khi lớp trẻ đảm nhận được thì anh sẵn sàng và rời ghế đi. Tôi ủng hộ chuyện này… Việc này phải sàng lọc, chọn lọc.

Đối với những người lớn tuổi mà khả năng phát triển không còn, độ nhạy không còn thì cũng nên động viên người ta nghỉ sớm, nghỉ trước để nhường cho lớp trẻ là điều đúng.

Giờ tôi nghỉ hưu rồi nhưng vẫn cố gắng sát cánh cùng anh em để góp ý, động viên anh em. Có những vấn đề tôi có kinh nghiệm thì nói. Kinh nghiệm rất quan trọng, cần thiết nhưng đừng biến nó thành chủ nghĩa kinh nghiệm.

* Cán bộ được tiến cử là những cán bộ trẻ dưới 35 tuổi và thử thách là đưa về những địa phương có những vấn đề nổi cộm. Với tuổi đời dưới 35 tuổi khi tham gia đề án và nhận nhiệm vụ nơi khó khăn, theo ông những người được tiến cử liệu có thể đảm đương nhiệm vụ?

Cán bộ trẻ dưới 35 tuổi ở Đà Nẵng với những tiêu chuẩn nhất định theo theo đề án sẽ được tiến cử làm lãnh đạo chủ chốt ẢNH: HOÀNG SƠN

- 35 tuổi không phải là trẻ nữa. Có những người 35 tuổi đã làm chủ tịch quận. Do vậy phải lấy thước đo hiệu quả công việc để đề bạt cán bộ cộng với trình độ được đào tạo. Trong 12 năm công tác (tính từ thời điểm tốt nghiệp đại học ra trường – PV) với những người có tố chất thì thời gian đó là tương đối dài. Nhưng với những người không có tố chất thì thời gian này vẫn quá ngắn.

Tôi đồng ý một điều, khi đưa cán bộ được tiến cử về đào tạo thì phải đưa đến những nơi khó khăn nhất, những nơi sóng gió để chống chèo, nếu được sẽ đề bạt anh vị trí cao hơn.

Tất nhiên, khi đưa các em, các cháu về đó, chúng ta phải giữ một cái phao. Để cho uống nước nhưng đừng để chết đuối. Vấn đề là phải có người kèm cặp, có người giúp đỡ, phải tạo điều kiện, môi trường cho các em, các cháu làm chứ không phải đưa vào nơi sóng gió rồi thả mặc đó… Có như vậy cán bộ đó mới trưởng thành được.

* Xin cảm ơn ông!

Nên tiến cử hiền tài vào bộ máy chính quyền

“Khi xưa trong chế độ phong kiến đã có tiến cử hiền tài. Chính những vị quan, những người có trách nhiệm tiến cử cho triều đình những người có đức, tài, có khả năng đảm nhận được những vị trí để quản lý đất nước, quản lý xã hội. Hiền tài không phải ngồi trong bộ máy nhà nước, hiền tài không phải nhan nhản mà mình có thể thấy được mà hiền tài ở hang cùng ngõ hẻm, ở một nơi nào đó, lĩnh vực nào đó mà chính những lãnh đạo địa phương không phát hiện thì cần những người trong bộ máy phát hiện ra và tiến cử cho lãnh đạo để đào tạo”, ông Nguyễn Sự nói.

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.