Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười và những thời điểm bước ngoặt

Tôi làm việc nhiều với cố Tổng bí thư Đỗ Mười từ năm 1989, khi ông đang là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (Thủ tướng bây giờ), và đang tập hợp các chuyên gia trong nước hiến kế chống lạm phát.


Nếu nói về ông, tôi nói rằng ông đã có công rất lớn trong quá trình đổi mới đất nước, vì thời điểm ông nắm quyền đều là những thời điểm bước ngoặt.
[VIDEO] Cận cảnh nơi an nghỉ cuối cùng của cố tổng Bí thư Đỗ Mười
Bước vào cuộc Đổi mới
Năm 1986, đất nước bước vào cuộc Đổi mới, nhưng không phải qua một đêm là tất cả thay đổi ngay, mà tình hình khó khăn kéo dài suốt nhiều năm. Năm 1986, lạm phát lên đến đỉnh điểm gần 700% và đến đầu năm 1989 vẫn còn khoảng 9%/tháng. Nếu tiếp tục đà đó, lạm phát cả năm 1989 sẽ là khoảng 110%. Lúc bấy giờ, tôi đang là Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội. Nhiều năm lạm phát kéo dài, nền kinh tế kiệt quệ, cả nước tập trung chống lạm phát. Theo tôi được biết thì có tới 40 phương án chống lạm phát gửi đến ông Đỗ Mười, lúc đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, của cả IMF, WB, chuyên gia Vũ Quang Việt... nhưng ông chưa tán thành.
Ông gọi tôi lên, tôi kiến nghị với ông 3 giải pháp: thứ nhất là mạnh dạn để lãi suất dương, lên 12%/tháng; hai là tự do hóa kinh tế để dân tự do làm ăn, buôn bán; và thứ ba là mở cửa ra bên ngoài. Lạm phát 9% mà lãi suất chỉ 2 - 3% thì dân không ai gửi tiết kiệm, họ tích trữ hàng hóa. Nhà ai cũng có một nhà kho riêng tích săm, lốp xe đạp, bất cứ hàng hóa gì được mua, dù không cần dùng đến, vì sợ lúc cần không mua được. Việc lạm phát kéo dài nhiều năm càng khiến người dân mất lòng tin vào đồng tiền. Đó là nguồn gốc của lạm phát.
Ông nghe và yêu cầu ông Hồ Tế, lúc đó là Bộ trưởng Tài chính, tổ chức một cuộc họp với sự có mặt của khoảng 100 chuyên gia để bàn cách. Tôi trình bày ý kiến của mình, nhưng hầu như tất cả đều phản đối. Tôi về báo cáo lại, ông nói: “Tôi sẽ xuống Hải Phòng thí điểm trước” và lập tức yêu cầu Hải Phòng tăng lãi suất lên 12%/tháng. Một tháng sau ông xuống kiểm tra, quả thực thấy dân bán hết hàng hóa để lấy tiền gửi tiết kiệm, hàng lại tràn ngập thị trường. Sau đó, ông về và ban hành chỉ thị cả nước tăng lãi suất.
Thời đó, ông cũng băn khoăn về việc mỗi năm phải in ra 300 tỉ đồng bù chênh lệch mua nông sản với giá đắt của nông dân, rồi bán như cho không dân thành phố. Tôi có góp ý với ông: Nhà nước không nên làm việc đó, nên để nhân dân tự do mua bán, thì họ sẽ đưa lương thực, thực phẩm vào Hà Nội. Ông không tin, bảo: “Anh nói lạ. Dạ dày của dân mà nhà nước không lo nổi thì mấy bà tiểu thương lo sao được?”. Tôi đề nghị ông thí điểm tự do mua bán ở Hà Nội, và lập tức Hà Nội dư thừa lương thực, các kho của nhà nước không ai mua. Sau cái tết năm 1989, ông bãi bỏ việc ngăn sông cấm chợ trên cả nước. Các cửa hàng mậu dịch nhà nước dần dần tự biến mất, dù nhà nước không bỏ, vì không ai vào mua nữa.
Cũng chính ông là người ra lệnh cho ông Nguyễn Công Tài, Giám đốc Hải quan không ngăn chặn, kiểm soát, bắt bớ sinh viên, cán bộ mang hàng từ Liên Xô, Đông Âu về nữa. Những năm đó, hàng hóa tràn vào trong nước rất nhiều, nhiều người cũng giàu lên từ thời đó.
Thành tựu kỳ diệu
Chống lạm phát thành công, các tổ chức quốc tế đánh giá thành tựu của VN là kỳ diệu. Đầu năm 1989, chính ông Đỗ Mười chỉ thị nhập 200.000 tấn lương thực chống đói, mà cuối năm đó, lần đầu tiên ta dư thừa lương thực và xuất khẩu 1 triệu tấn. Nhờ xuất khẩu, cuối năm 1989, dự trữ ngoại tệ của VN lần đầu lên 200 triệu USD từ con số 20 triệu hồi đầu năm. Nhiều người ca ngợi ông Kim Ngọc với khoán 10 đã “cởi trói” cho nông dân, nhưng chính tự do thương mại mới thúc đẩy người dân sản xuất, mới tạo ra lương thực dôi dư. Dù có giao khoán ruộng đất cho họ, nhưng làm ra mà không bán được, thì không ai làm.
Nhiều người nói ông học không cao, thực hiện đổi mới mà không có kiến thức, hay học theo Trung Quốc. Nhưng không phải. Ta làm Đổi mới năm 1986, lúc đó ta cho rằng Trung Quốc đi theo tư bản. Đến năm 1992, ông lên làm Tổng bí thư thì ta vẫn không quan tâm đến đổi mới của Trung Quốc. Ông học từ Nhật Bản và từ kiến thức của những cuốn sách của các học giả phương Tây mà nhiều chuyên gia mang về. Tôi đã dịch cho ông đọc cuốn Kinh tế chính trị học Nhật Bản, tổng kết quá trình phát triển của Nhật. Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch cũng mang những cuốn sách như kinh tế chính trị học hiện đại của Samuelson về, chúng tôi tổ chức dịch, và ông đọc hết. Ông đọc rất cẩn thận. Trên bàn của ông lúc nào cũng đầy sách, dấu gạch đỏ chi chít. Ông có đặc điểm là 4 giờ sáng đã dậy rồi, dậy đọc sách, nên dù trình độ văn hóa ông không cao, nhưng sức đọc và tinh thần học tập của ông là ghê gớm. Đó là đặc điểm của Tổng bí thư Đỗ Mười.
Nếu nói về cải tạo tư sản, đúng là ông làm rất triệt để, vì ông là người đặc biệt làm theo nghị quyết. Thời đó ông bị phê phán vì bảo thủ, vì làm triệt để các nghị quyết của Đảng, áp dụng mô hình Xô Viết lên toàn quốc. Nhưng việc ấy cũng toát lên một đặc điểm của ông: Cái gì Đảng đã quyết giao ông làm thì ông tuyệt đối tuân theo. Còn khi ông có vai trò quyết định, thì ông rất lắng nghe ý kiến tham mưu, và cũng rất quyết đoán.
Người ta thường nói chỉ những người bảo thủ và cứng rắn nhất mới tiến hành đổi mới được, thì câu đó là đúng với ông Đỗ Mười. Ở thời ông, rất nhiều quyết định lớn được đưa ra, và nhiều dấu mốc đối với đất nước xuất hiện. Ông có công rất lớn trong thực hiện chương trình đổi mới ở VN, hội nhập kinh tế, gia nhập các tổ chức quốc tế như ASEAN, nối lại quan hệ với WB, IMF. Câu nói nổi tiếng là “VN mong muốn làm bạn với tất cả các nước” cũng xuất hiện dưới thời ông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.