Nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực xin bán nhà để khắc phục hậu quả

Thái Sơn
Thái Sơn
08/05/2018 17:25 GMT+7

Trước tòa, bị cáo Phùng Đình Thực kêu oan về tội Cố ý làm trái nhưng cho biết nếu tòa vẫn kết tội thì bị cáo chấp hành và sẽ bán nhà đang ở để khắc phục thiệt hại.

Trước tòa, bị cáo Phùng Đình Thực kêu oan về tội Cố ý làm trái nhưng cho biết nếu tòa vẫn kết tội thì bị cáo sẽ bán nhà đang ở để khắc phục thiệt hại.
Chiều 8.5, phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo trong nhóm tội Cố ý làm trái.
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Phùng Đình Thực cho biết, trong kháng cáo gửi tòa phúc thẩm đã nêu 6 lý do kêu oan tội danh Cố ý làm trái và mức án 9 năm tù, trong đó, bị cáo không chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng số 33 liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; không có vai trò trong việc chỉ đạo cấp dưới cho PVC tạm ứng; nhiều chứng cứ gỡ tội cho bị cáo không được tòa sơ thẩm xem xét...
“Tòa sơ thẩm đánh giá bị cáo là Tổng giám đốc PVN cũng giống như tổng giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, như vậy là không đúng thực chất. PVN là tập đoàn đa ngành đa lĩnh vực, tại thời điểm thực hiện dự án đang có hàng chục dự án trọng điểm. Tổng giám đốc không chỉ đạo trực tiếp dự án cụ thể nào mà giao cho các Phó tổng giám đốc, họ tự quyết định, tự chịu trách nhiệm”, ông Thực giãi bày, đồng thời cho biết thêm, đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã phân công cho 2 phó tổng giám đốc PVN phụ trách, trong đó Nguyễn Quốc Khánh phụ trách chung và Nguyễn Xuân Sơn phụ trách về tài chính.
“Tổng giám đốc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những quyết định của mình, có phải chịu trách nhiệm chung hay cứ phân công rồi thì không phải chịu trách nhiệm gì cả?”, Chủ tọa phiên tòa hỏi.
“Bị cáo có nhận thấy trách nhiệm của mình khi để nhiều cấp dưới vướng vào vòng lao lý. Trách nhiệm như thế nào thì HĐXX đánh giá chứ bị cáo không phạm tội Cố ý làm trái”, bị cáo Thực nói.
Trả lời HĐXX về các quy buộc của tòa sơ thẩm, bị cáo Phùng Đình Thực cho biết, trong 4 văn bản liên quan đến Tổng giám đốc mà bị cáo bị quy buộc về tội Cố ý làm trái, thì bị cáo đã không nhận được văn bản nào. Bởi theo quy chế của PVN thì các văn bản này được giao về cho các phó tổng giám đốc giải quyết, tùy theo lĩnh vực. Điều này được thể hiện trong hồ sơ lưu của PVN.
Mặt khác, trong nhiều cuộc họp giải quyết công việc cũng như vướng mắc của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, đều do ông Nguyễn Quốc Khánh hoặc ông Nguyễn Xuân Sơn chủ trì, tùy theo lĩnh vực.
Sau khi nghe lời khai của ông Thực, HĐXX đã cho mời bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban Quản lý Dự án Điện lực Dầu khí Thái Bình 2, đối chất. Bị cáo Chương cho biết tất cả vướng mắc của dự án đều có các văn bản đều gửi cho Ban giám đốc PVN, trong đó có ông Phùng Đình Thực. "Bị cáo gửi nhiều văn bản lắm nhưng không ai trả lời cho bị cáo biết. Đến khi tình hình dự án phức tạp lắm rồi thì bị cáo mới làm văn bản số 378 gửi cho Tổng giám đốc”, bị cáo Chương khai.
Trong khi đó, ông Vũ Huy Quang, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower), nhân chứng trong vụ án, nói đã báo cáo tình hình với Tổng giám đốc, nhưng ông Phùng Đình Thực phủ nhận.
Khi được hỏi nhận thức như thế nào về vụ án, bị cáo Phùng Đình Thực cho rằng bản thân có một phần trách nhiệm nhưng không phải là Cố ý làm trái, nếu có thì do HĐXX quyết định. Trong việc khắc phục hậu quả vụ án, bị cáo này cũng cho hay, do đang kêu oan nhưng nếu tòa kết tội thì bị cáo bán nhà để khắc phục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.