Nguyên Tổng giám đốc Trần Phương Bình nhận tội

Phan Thương
Phan Thương
29/11/2018 05:00 GMT+7

Ngay câu đầu tiên trả lời HĐXX, bị cáo Trần Phương Bình xác nhận “toàn bộ số liệu, hành vi vi phạm của bị cáo cũng như nội dung truy tố bị cáo về hai tội danh như cáo trạng là phù hợp”.

Ngày 28.11, TAND TP.HCM bắt đầu thẩm vấn bị cáo Trần Phương Bình (59 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Đông Á - DAB) trong vụ án cùng các đồng phạm gây thiệt hại của DAB hơn 3.608 tỉ đồng. Do thẩm vấn bị cáo Trần Phương Bình trước nên HĐXX yêu cầu lực lượng dẫn giải cách ly bị cáo Phan Văn Anh Vũ (42 tuổi, tức Vũ "nhôm", Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng Bắc Nam 79) ở phòng giam giữ, không đến tòa.
Bước lên bục khai báo để chủ tọa thẩm vấn, ngay câu hỏi đầu tiên của HĐXX rằng nội dung cáo trạng có đúng không, bị cáo Bình trình bày: “Bị cáo xác nhận toàn bộ số liệu, hành vi vi phạm của bị cáo cũng như nội dung truy tố bị cáo về hai tội danh như cáo trạng là phù hợp”. Chủ tọa: “Cáo trạng xác định bị cáo có 21 hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; 6 hành vi cố ý làm trái. Ngoài ra Cơ quan điều tra (CQĐT) còn tách 6 hành vi khác của bị cáo ra để xem xét, xử lý sau. Điều này có đúng không?”. Bị cáo Bình trả lời: “Đúng”.
Chịu trách nhiệm hơn 3.568 tỉ đồng thiệt hại
Theo cáo trạng, bị cáo Trần Phương Bình phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”, với các hành vi: chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc hơn 1.160 tỉ đồng để bị cáo và người thân mua 74.279.056 cổ phần DAB, hơn 497 tỉ đồng để mua 13,9 triệu USD và để Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DAB; gần 359 tỉ đồng để sử dụng cá nhân, tổng chiếm đoạt của DAB hơn 2.000 tỉ đồng. Để bù tiền thu khống, bị cáo chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán...
Ngoài ra, bị cáo Bình còn phạm tội “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với hành vi: chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc gần 468 tỉ đồng để chi lãi ngoài; hơn 53 tỉ đồng để tất toán khoản vay của bị cáo Nguyễn Hồng Ánh (cựu trung tá, đội trưởng một đội nghiệp vụ Công an TP.HCM); tất toán khống hơn 2,4 tỉ đồng khoản vay của Nghiêm Thị Hồng; thu khống 31,2 tỉ đồng thanh toán tiền hợp đồng mua trước quyền nhận tiền bán chứng khoán; xuất khẩu vàng trái phép gây thiệt hại hơn 600 tỉ đồng, kinh doanh ngoại hối trái phép gây thiệt hại gần 385 tỉ đồng, tổng gây thiệt hại của DAB hơn 1.550 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, trong tổng thiệt hại của vụ án này hơn 3.608 tỉ đồng bị cáo Trần Phương Bình phải chịu trách nhiệm hơn 3.568 tỉ đồng.
39 lần tăng vốn điều lệ để người nhà nắm cổ phần ngân hàng
Theo hồ sơ vụ án, từ khi thành lập đến nay, DAB đã tăng vốn điều lệ 39 lần, đồng thời theo sau đó thì ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu chi khống để lấy tiền của DAB mua cổ phần vào tay bị cáo và người thân bị cáo.
Tại tòa, bị cáo Bình khai việc tăng vốn điều lệ do Đại hội đồng cổ đông quyết định và trên cơ sở đó giao HĐQT và tổng giám đốc thực hiện. “Quyết định đại hội đồng cổ đông quy định mức tăng vốn điều lệ bao nhiêu, cổ đông hiện hữu mua cổ phần như thế nào. Trong trường hợp cổ đông hiện hữu không mua đủ số vốn điều lệ tăng lên thì giao cho HĐQT quyền quyết định bán số cổ phần còn lại cho cổ đông khác, ngoài ngân hàng”, bị cáo Bình khai.
Về nguồn tiền để mua cổ phần của ngân hàng, bị cáo trình bày luật không cho phép cổ đông dùng nguồn tiền vay của chính ngân hàng đó để mua cổ phần. Người muốn tham gia mua cổ phần phải mua bằng tài sản thật của mình chứ không phải bằng tài sản thế chấp là chính cổ phần mình mua. Qua đó, bị cáo Bình thừa nhận có hành vi sai phạm so với quy định của ngân hàng nhà nước khi chỉ đạo cấp dưới thu chi khống để lấy tiền DAB mua cổ phần của DAB vào tay mình và người thân trong gia đình.
Những người đứng tên mua cổ phần DAB là người thân của bị cáo Bình trong đó có bà Cao Thị Ngọc Dung (vợ bị cáo Bình) khai ông Bình tự ý lấy tên Cao Thị Ngọc Dung để đứng tên mua cổ phần, bà không biết ông Bình lấy nguồn tiền nào để mua cổ phần và cũng không ký chứng từ nộp tiền. Bà Dung được HĐXX triệu tập tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng. Với 2 người con của ông Bình đứng tên mua cổ phần DAB, cơ quan điều tra không lấy được lời khai do những người này đang định cư tại nước ngoài. Những người thân còn lại đứng tên mua cổ phần DAB cũng cho rằng tất cả do ông Bình tự ý làm, họ không biết...
Hôm nay (29.11), phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.