Nhà nước làm sai sao phải chờ yêu cầu mới xin lỗi công khai?

04/04/2017 19:41 GMT+7

Bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vấn đề trên tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4.4 thảo luận về dự án luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).

Theo dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật này của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gửi tới các đại biểu tại hội nghị, có ý kiến đề nghị đối với thiệt hại về tinh thần thì nhà nước bồi thường, đồng thời tiến hành xin lỗi, cải chính công khai cho người bị oan mà không cần có yêu cầu của người bị thiệt hại.
Trong nội dung báo cáo, Uỷ ban TVQH cho rằng, trong trường hợp đã xác định người bị oan nhưng người đó không có yêu cầu thì cơ quan nhà nước cũng không thể chủ động tiến hành xin lỗi, cải chính công khai. Lý do được đưa ra là “việc xin lỗi, cải chính công khai ảnh hưởng trực tiếp đến quyền nhân thân của người bị oan”. Do vậy, UBTVQH đề nghị không bổ sung quy định này.
Không đồng tình quan điểm trên, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thuỷ cho rằng, khi xảy ra oan, sai đồng nghĩa với việc người thực thi công vụ đã làm oan cho người dân. Do vậy, việc công khai xin lỗi là tất yếu. ĐB Thủy dẫn chứng vụ ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) từng bị tuyên án tử hình vì tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em nhưng đến nay đã xác định bị oan, và nhấn mạnh: “Hiện nay ông Hàn Đức Long chưa yêu cầu nhưng nếu Nhà nước xin lỗi công khai thì ảnh hưởng gì đến quyền nhân thân của ông Long? Hay với những tội danh giết người, hiếp dâm từng bị tuyên án thì nhu cầu chính đáng của ông Long là Nhà nước cần xin lỗi kịp thời, công khai để phục hồi danh dự".
Cũng theo ĐB Thủy, đặc điểm của hoạt động tố tụng hình sự là rất nghiêm khắc, công khai. Dẫn chứng quy định nếu bắt người tại nơi cư trú thì phải có thành phần chứng kiến là đại diện chính quyền nơi cư trú, bắt ở nơi làm việc phải có đại diện cơ quan; và trong quá trình áp giải theo Quyết định 258 của Bộ Công an thì cán bộ công an có quyền khám người, khóa tay và các trường hợp đặc biệt có thể xích chân người bị bắt..., ĐB này bày tỏ: “Hoạt động tố tụng hình sự công khai nghiêm khắc như vậy. Một người bị bắt công khai trước mặt gia đình, vợ, con, chính quyền, cơ quan mà nay chúng ta đặt vấn đề họ phải có yêu cầu thì Nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai, rồi còn cho rằng nếu Nhà nước chủ động xin lỗi ảnh hưởng quyền nhân thân thì chưa thuyết phục”.
Từ quan điểm trên, bà Thuỷ đề nghị sửa lại quy định này theo hướng trong mọi trường hợp kể từ khi có văn bản xác định một người bị oan, trong thời hạn 10 ngày, cơ quan gây ra oan sai phải có trách nhiệm công khai xin lỗi người bị oan, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không xin lỗi công khai.
Liên quan đến vấn đề bồi thường oan sai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Uỷ ban TVQH Nguyễn Đình Quyền cho biết ông mong đợi một quy định “đột phá” trong dự luật này, đó là cơ quan bồi thường không phải cơ quan tiến hành tố tụng hay cơ quan gây ra oan sai.
Dẫn ví dụ thực tế qua giám sát chuyên đề việc bồi thường cho người bị oan ở nhiều địa phương cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc 70-80% các vụ bồi thường chậm là do chính các cơ quan tố tụng đã gây ra oan sai muốn dây dưa, trì hoãn, làm đủ thứ, thậm chí hành hạ người được bồi thường, ông Quyền đề nghị việc bồi thường oan, sai phải do một cơ quan đại diện nhà nước, có thể là Bộ Tư pháp, đứng ra chủ trì thực hiện, thay vì cơ quan đã gây ra oan sai, vì trong tố tụng hình sự, tất cả các khâu đều có lỗi nếu để xảy ra oan sai.
Ông Quyền cũng cảnh báo về tình trạng móc nối giữa cơ quan tiến hành tố tụng và người được bồi thường để nâng giá bồi thường lên rất cao, lấy tiền ngân sách nhà nước một cách dễ dàng. "Trong quá trình giám sát chúng tôi đã phát hiện ra có những vụ việc được nâng mức bồi thường lên tới 20 tỉ đồng, sau đó thỏa thuận xuống còn 10 tỉ đồng và cuối cùng chỉ là một vài tỉ. Đây là tình trạng cần hết sức lưu ý", ông Quyền nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.