Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình lịch sử

09/09/2007 22:40 GMT+7

Cuối cùng thì hình ảnh của một trong những công trình mà nhân dân cả nước chờ đợi đã được công bố. “... Cuộc triển lãm trưng bày 17 phương án thiết kế kiến trúc nhà Quốc hội mới tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia để nhân dân xem và tham gia ý kiến...”.

“... Sau khi trưng bày trong khoảng thời gian hai tuần để lấy ý kiến nhân dân, hội đồng tuyển chọn sẽ tổ chức một buổi hội thảo của Hội Kiến trúc sư VN và các hội nghề nghiệp khác góp ý bổ sung cho các phương án được chọn.?Kết quả sẽ được đệ trình lên Chính phủ quyết định phương án cuối cùng để sớm được thi công thực hiện...” (Báo Tuổi Trẻ - số ra ngày 3.9.2007 - trang 13).

Không biết phương án giải A, một trong 17 phương án được tuyển có diện mạo như thế nào, nhưng chắc rằng hội đồng tuyển chọn do những nhà kiến trúc được tín nhiệm của nước ta cùng các chuyên gia và cộng sự với tinh thần trách nhiệm cao đã dày công so sánh, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Những đồ án thiết kế kiến trúc đó còn được trưng bày “... để nhân dân xem và tham gia ý kiến...” (Tin đã trích). Chắc chắn trong đông đảo những người đến xem có nhiều nhà chuyên môn trong và ngoài ngành kiến trúc, xây dựng, với tư cách công dân và tư cách người được thụ hưởng, sẽ đóng góp với Ban Quản lý dự án những ý kiến quý báu để có một công trình kiến trúc tiêu biểu về nhiều mặt cho nhân dân ta, cho đất nước ta. Nhà Quốc hội, nơi mà nhiều thế hệ các đại biểu của nhân dân, định kỳ, sẽ gặp nhau để bàn việc dân, việc nước, phải là một công trình mà mọi người Việt Nam trong và ngoài nước cùng các thế hệ mai sau có thể tự hào, cùng nắm tay nhau, ngẩng cao đầu tiếp bước cha ông, bước sang thời kỳ mới, thời kỳ của Đổi mới - Hội nhập và Phát triển.

Tham gia vào cuộc trao đổi rộng rãi này, tôi xin được đóng góp một số ý kiến suy nghĩ không riêng tôi. Rất tiếc là không được cơ hội trao đổi với cấp và người có thẩm quyền:

- Nhà Quốc hội là một công trình quan trọng và có ý nghĩa lớn trong hệ thống công trình tiêu biểu cho thành tựu phát triển kinh tế - văn hóa, lịch sử, trình độ khoa học - công nghệ, những kết tinh của nền nghệ thuật Việt Nam. Hy vọng phương án chọn sẽ đáp ứng được những tiêu chí của một công trình kiến trúc tiêu biểu nhiều mặt cho Đất - Nước, thể hiện được khát vọng vươn tới tương lai của toàn dân tộc.

- Số tiền bỏ ra để xây dựng nhà Quốc hội chắc chắn không nhỏ, nhưng dù có là bao nhiêu, một mình nhà Quốc hội cũng không thể dựng nên một không gian đô thị hoàn chỉnh mà thời đại mới đòi hỏi. Để đáp ứng những yêu cầu nhiều mặt như đã nêu trên, nhà Quốc hội cần một không gian đủ lớn, kết hợp với nhiều công trình khác nữa (chưa kể hệ thống quảng trường, đài, tượng, cây xanh v.v... tương xứng). Nhà Quốc hội nay mai phải là công trình trung tâm trong một tổng thể kiến trúc đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh, cùng một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại, tiên tiến, bền vững trong lâu dài, tiêu biểu cho một quốc gia mà tương lai không xa, số dân sẽ đạt hoặc vượt ngưỡng 100 triệu người. Đã đến lúc thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, cần sớm có một trung tâm mới, một hình ảnh mới, tiêu biểu cho thời kỳ mới của dân tộc ta.

Trung tâm Ba Đình cần và nên được giữ gìn như một trung tâm lịch sử. Hội trường Ba Đình cũng cần và nên được đối xử trân trọng như một di tích lịch sử với nguyên vẹn dấu ấn của những sự kiện vô giá đã gắn chặt với hình ảnh công trình này. Những sự kiện không thể lập lại.

Chúng ta đang vận động toàn Đảng, toàn dân học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Chúng ta đã và đang trân trọng giữ gìn những di vật liên quan đến cuộc đời của Bác, từ nếp nhà tranh làng Kim Liên, nơi Bác chào đời, chiếc lán nhỏ ở Nà Lừa, nôi chiến khu Việt Bắc nơi Bác hoạt động cách mạng trong thời kỳ khó khăn trên đảo xa Cô Tô, nơi Bác từng một lần đến thăm. Không vì lẽ gì mà Hội trường Ba Đình, một trong những di tích lớn và quan trọng, nơi nhiều lần Bác đã điều hành Quốc hội, nơi Bác đã tổ chức “Hội nghị Diên Hồng lần thứ 2” (Hội nghị Chính trị đặc biệt kêu gọi toàn dân chung sức đánh Mỹ - năm 1964), cũng là nơi Bác chia tay toàn Đảng, toàn dân, đi mãi vào cõi vĩnh hằng. Gìn giữ Hội trường Ba Đình chính là gìn giữ những hiện vật lịch sử có ý nghĩa giáo dục cho muôn đời con cháu. Rất có thể Hội trường Ba Đình đã không còn đủ khả năng phục vụ cho yêu cầu làm việc của Quốc hội, nay đã lớn mạnh hơn, cần khang trang hơn, hiện đại hơn. Nhưng chắc chắn mỗi kỳ họp, các đại biểu quốc hội vẫn đến quảng trường Ba Đình viếng Bác. Thiết nghĩ, hội trường Ba Đình có thể là địa chỉ các phiên khai mạc, bế mạc Quốc hội. Những sinh hoạt mang tính lễ nghi diễn ra trong hội trường này sẽ như lời một bài hát: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Trước vong linh Bác, mỗi đại biểu sẽ có dịp nhìn lại mình, sao cho xứng danh hiệu “những đầy tớ trung thành của nhân dân, những đại biểu xứng đáng của nhân dân”.

Giữ lại Hội trường Ba Đình, xây dựng nhà Quốc hội mới trên một địa điểm mới, tạo dựng một không gian đô thị mới cũng chính là cách thực hiện lời dạy của Bác về tiết kiệm và dự báo thiên tài của Bác: “Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam không sợ. Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại Đất-Nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” (Trích Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Đài tiếng nói Việt Nam phát ngày 17 tháng 7 năm 1966).

Đã qua rồi thời kỳ chúng ta phải đeo bám vào hệ thống giao thông đô thị sẵn có của những thành phố cũ đang ngày càng trở nên chật chội. Bài học xây dựng và cải tạo đô thị theo cách xen cấy các công trình mới vào khu trung tâm, phá vỡ sự hài hòa toàn cảnh, gây nên những nhức nhối không đáng có mà Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác đã làm trong nhiều năm qua, cần sớm được đúc kết kinh nghiệm, tránh lặp lại trong trường hợp này.

Như đã trình bày, nhà Quốc hội là một công trình có ý nghĩa nhiều mặt, được nhân dân cả nước quan tâm. “Cuộc trưng bày triển lãm” nên được thực hiện một cách rộng rãi, nên tạo điều kiện để nhân dân và giới nghề nghiệp cả nước có cơ hội “xem và tham gia ý kiến”.

Về thời gian, thiết nghĩ cũng nên bỏ cách làm vội vã cho kịp ngày kỷ niệm như một số công trình trước đây. Cách làm đó chỉ thể hiện thái độ thiếu thận trọng, thiếu dự liệu tầm xa, đã gây không ít lãng phí về tiền của mà còn để lại những khiếm khuyết đáng tiếc đối với dư luận và cho chính bản thân công trình.

TP.HCM ngày 9.9.2007

Võ Văn Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.