Nhà thầu nước ngoài phải sử dụng thầu phụ Việt Nam

16/05/2013 03:15 GMT+7

Để khắc phục tình trạng nhà thầu Việt Nam bị ép thua trên sân nhà bởi những “chiêu” lách luật của các nhà thầu ngoại, dự luật Đấu thầu sửa đổi đã quy định theo hướng chặt chẽ hơn.

Cụ thể sẽ có những thay đổi về các điều kiện để nhà thầu nước ngoài được tham gia đấu thầu các công trình, dự án mua sắm công trong nước.

Không được đưa lao động phổ thông vào Việt Nam

Thừa ủy quyền Thủ tướng trình dự luật Đấu thầu sửa đổi tại phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều qua, 15.5, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho hay, tại điều 5 của dự luật đưa ra quy định yêu cầu nhà thầu nước ngoài khi tham dự thầu quốc tế tại Việt Nam phải liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam, trừ trường hợp nhà thầu Việt Nam không có đủ khả năng thực hiện. Nhà thầu nước ngoài chỉ được phép sử dụng lao động nước ngoài khi lao động trong nước không đủ khả năng thực hiện và đáp ứng yêu cầu của gói thầu.

Qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành quy định trên, song đề nghị phải cụ thể hóa nội dung “không đủ khả năng thực hiện” của nhà thầu hoặc của lao động Việt Nam gồm những tiêu chí gì. Cơ quan thẩm tra đồng thời yêu cầu bổ sung quy định chế tài xử lý đối với trường hợp nhà thầu nước ngoài không tuân thủ quy định này. “Có ý kiến đề nghị việc liên danh hoặc ký hợp đồng với nhà thầu phụ Việt Nam phải được thực hiện trong mọi trường hợp. Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn sự ưu đãi đối với nhà thầu trong nước khi liên danh với nhà thầu nước ngoài thực hiện đấu thầu quốc tế tại Việt Nam thì nhà thầu Việt Nam phải là tổng thầu”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ - môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng tán thành với các quy định trên, cũng như phần lớn nội dung sửa đổi của dự luật Đấu thầu. Ông Dũng phản ánh: “Chúng tôi tiếp xúc với các doanh nghiệp thì vấn đề bức xúc nhất nghe được là doanh nghiệp chúng ta nhiều khi trúng thầu nhưng rốt cuộc lại phải làm thuê lại cho doanh nghiệp nước ngoài, đó là vấn đề bức xúc cần phải sửa trong luật Đấu thầu lần này”.

Nhà thầu nước ngoài phải sử dụng thầu phụ Việt Nam
Các nhà thầu quốc tế bị buộc phải sử dụng lao động trong nước - ảnh: D.Đ.Minh

Bịt kẽ hở lạm dụng chỉ định thầu

Liên quan tới quy định tại điều 17 về chỉ định thầu, qua thẩm tra, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dự luật đã quy định cụ thể hơn về các trường hợp chỉ định thầu, tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc không nên quy định theo hướng mở rộng như dự án luật, việc chỉ định thầu chỉ nên áp dụng trong các trường hợp bất khả kháng do thiên tai, địch họa, sự cố cần khắc phục ngay; trường hợp do yêu cầu của nhà tài trợ nước ngoài và một số điều kiện khác như quy định của luật Đấu thầu năm 2005.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng băn khoăn cho rằng, vừa qua đấu thầu là khâu rất yếu trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, bộc lộ nhiều bất cập và tiêu cực như thông thầu, quân xanh quân đỏ, chân gỗ, chỉ định thầu chưa đúng với quy định đặt ra. “Đấu thầu chỉ mang hình thức nên dẫn tới lãng phí, tiêu cực trong đầu tư xây dựng cơ bản. Việc chỉ định thầu vừa qua có mặt tích cực là thúc đẩy tiến độ công trình nhanh hơn song có giai đoạn chỉ định hơi tràn lan. Vì vậy, cần quy định chặt chẽ hơn trong luật về các trường hợp được chỉ định thầu vì trên thực tế, rất nhiều trường hợp đã lách luật chia nhỏ các gói thầu để được chỉ định thầu”, ông Hiển đề nghị.

Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thì đề nghị luật cần quy định rõ trách nhiệm cá nhân đối với từng trường hợp chỉ định thầu cũng như phải có chế tài xử lý vi phạm trong chỉ định thầu. “Nên chăng cần quy định nếu người đứng đầu hay có thẩm quyền quyết định chỉ định thầu vi phạm thì phải có chế tài xử lý, gắn với trách nhiệm cá nhân để khi vi phạm xử lý dễ dàng hơn”, bà đề nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thì lưu ý về tính khả thi và đồng nhất của các văn bản luật hiện hành về quy định đấu thầu, trong khi luật này chỉ là luật khung, các quy định đều mang tính chất khái quát. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra phải lý giải cho được từng vấn đề một khi trình ra Quốc hội cho ý kiến thảo luận lần đầu về dự luật. 

Lạm dụng đề nghị áp dụng chỉ định thầu

“Theo quy định của luật Đấu thầu (hiện hành - NV), việc chỉ định thầu trong một số trường hợp đặc biệt phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Tuy nhiên, nhiều gói thầu không thuộc trường hợp đặc biệt nhưng người có thẩm quyền vẫn né tránh trách nhiệm phê duyệt hình thức lựa chọn nhà thầu và vẫn trình Thủ tướng xem xét, quyết định, hoặc người có thẩm quyền lạm dụng đề nghị áp dụng chỉ định thầu không phù hợp dẫn đến kéo dài thời gian tổ chức thực hiện, tăng thủ tục hành chính không cần thiết trong hoạt động đấu thầu”.

 Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh

Bảo Cầm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.