Nhà thầu than 'thiếu vật liệu thi công đường cao tốc', chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nói gì?

Quế Hà
Quế Hà
07/04/2021 11:36 GMT+7

Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã có buổi làm việc liên quan công tác thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây để giải quyết các kiến nghị, bao gồm nội dung nhà thầu than 'thiếu hụt vật liệu'.

Báo cáo tại buổi làm việc chiều 6.4, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Bình Thuận cho biết tổ công tác chuyên theo dõi các vấn đề về khoáng sản, vật liệu cho cao tốc, do UBND tỉnh Bình Thuận thành lập đã tiến hành khảo sát các mỏ vật liệu ở gần vị trí thi công cao tốc. Qua khảo sát, tổ công tác xác định không thiếu trữ lượng đất nền như phản ánh trước đây của các nhà thầu.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GT-VT) Bình Thuận có mặt tại cuộc họp cũng cho biết, trước khi triển khai thi công cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, đơn vị tư vấn thiết kế đã có kết luận 22 mỏ trong khu vực đảm bảo cung cấp đủ vật liệu đắp nền làm cao tốc. Tuy nhiên, sau khi thi công, chủ đầu tư và các nhà thầu lại báo cáo "thiếu hụt vật liệu".
Đại diện các chủ mỏ tại Bình Thuận, có mặt tại cuộc làm việc cho rằng, các mỏ hiện hữu thực sự không thiếu. Đơn cử như mỏ Núi Đất trữ lượng hơn 137.000 m3 của ở xã Phong Phú (H.Tuy Phong), cách khu vực làm cao tốc chỉ 5 km. Mẫu phân tích do phòng Lab gói thầu số 1 (đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết) có kết quả đạt chất lượng, nhưng thời gian qua không thấy nhà thầu nào đến mua.
Chủ mỏ Tân Lập 1 (H.Hàm Thuận Nam) cũng khẳng định các mỏ tại địa phương không hề có chuyện “ép giá” các nhà thầu cao tốc: “Chúng tôi luôn sẵn sàng bán giá hữu nghị, bởi các gói thầu cao tốc mua với số lượng lớn”.

Nhà thầu Đạt Phương thi công dầm cầu thuộc gói XL 1, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Ảnh: Quế Hà

Đại diện chủ đầu tư hai dự án (Ban quản lý dự án 7 và Ban quản lý dự án Thăng Long) cho rằng các chủ mỏ cần liên hệ với các nhà thầu thi công để thương lượng, bán sản phẩm. Họ sẵn sàng mua nếu vật liệu của mỏ đó đảm bảo chất lượng thi công theo quy định.
“Bên bán sản phẩm phải chủ động chào hàng với các nhà thầu, không thể cứ ngồi chờ”, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó giám đốc Ban quản lý dự án 7 (Bộ GT-VT) đề nghị.
Cũng theo ông Khoát, thi công cao tốc vật liệu phải đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng. Dù đơn vị tư vấn thiết kế trước đó khảo sát đánh giá trữ lượng các mỏ đủ điều kiện cung cấp, nhưng khi đưa vào thi công phải phân tích chất lượng đạt yêu cầu.
Theo Sở TN-MT Bình Thuận, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết hiện có 22 mỏ (10 mỏ đất và 12 mỏ đất tầng phủ tại mỏ đá) với tổng trữ lượng hơn 21 triệu m3, chia thành ba loại, gồm: 7,8 triệu m3 đất; hơn 5,1 triệu m3 đất lẫn đá và hơn 8,2 triệu m3 đá phong hóa.
Theo chủ đầu tư đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, khối lượng đất lẫn đá và khối lượng đá phong hóa không đảm bảo yêu cầu làm vật liệu đắp nền theo yêu cầu kỹ thuật của dự án. Trong khi khối lượng đất lẫn đá và đá phong hóa của các mỏ là rất lớn.
Hiện nay đơn vị đã trình Bộ GT-VT xem xét chấp thuận việc sử dụng 1,1 triệu m3 đá tận dụng tại gói thầu 1 đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết để nghiền thành vật liệu đắp nền.

Cuộc họp chiều 6.4 do Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong chủ trì nhằm tháo gỡ các kiến nghị của nhà thầu cho rằng thiếu vật liệu đất nền cho thi công đường cao tốc đi qua Bình Thuận

Ảnh: Châu Hanh

Nếu Bộ GT-VT chấp thuận sử dụng đá tận dụng từ dự án cũng như khối lượng đất lẫn đá, đá phong hóa tại các mỏ (đã cấp phép và trúng đấu giá) thì sẽ đảm bảo được nguồn vật liệu đắp nền cho dự án. Nếu không được chấp thuận, sẽ thiếu hơn 1,3 triệu m3 cần được tỉnh Bình Thuận tiếp tục đấu giá, cấp phép mỏ cung cấp cho dự án.
Đoạn Dầu Giây - Phan Thiết có 11 mỏ với tổng trữ lượng đất và đất tầng phủ hơn 8,1 triệu m3. Trong đó có 5 mỏ có giấy phép khai thác, 6 mỏ chưa có giấy phép. Qua khảo sát của Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên quan, khối lượng thực tế còn lại gần 6,9 triệu m3. Trong đó có khoảng 4,9 triệu m3 đất; 1,8 triệu m3 đất lẫn đá và hơn 185.700 m3 đá phong hóa.
Tuy nhiên, Ban Thăng Long (chủ dự án) cho biết chỉ có 2 mỏ (1 mỏ chưa được cấp phép tại xã Tân Đức và 1 mỏ đất tầng phủ đang khai thác tại mỏ đá Tân Xuân, H.Hàm Tân) với trữ lượng khoảng 800.000 m3 là đạt yêu cầu. Khối lượng còn lại là đất lẫn đá và đá phong hóa không sử dụng được theo tiêu chuẩn của dự án và có nguy cơ thiếu.

"Không thiếu vật liệu làm nền đường cao tốc"

Kết luận tại buổi làm việc chiều 6.4, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tuấn Phong khẳng định, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án cao tốc trên tinh thần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
“Tôi cho rằng, nếu làm đúng theo khuyến cáo của các sở ngành của tỉnh thì chắc chắn sẽ không thiếu vật liệu làm nền đường cao tốc, điều này hoàn toàn có cơ sở”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định.
Chủ tịch Lê Tuấn Phong còn yêu cầu chủ đầu tư xác định danh sách và trữ lượng từng mỏ. Mỏ nào trữ lượng cần tăng công suất, mở rộng, mỏ nào cần khẩn trương đấu giá và cấp phép để báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết kịp thời.

UBND tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất để triển khai dự án cao tốc trên tinh thần phải tuân thủ các quy định của pháp luật.

Ảnh: Châu Hanh

“Đề nghị Sở TN-MT khẩn trương hướng dẫn các mỏ sẽ được tăng công suất, trữ lượng trên tinh thần đúng quy định pháp luật. Các chủ mỏ cũng cần chủ động làm việc với khách hàng, tức là các nhà thầu thi công để giải phóng (bán) trữ lượng các mỏ nhằm cung cấp cho dự án thi công đường cao tốc. Đối với các mỏ chưa khai thác, Sở TN-MT phải khẩn trương làm thủ tục cấp phép để cuối quý 2 tiến hành cấp phép khai thác, trên tinh thần đúng quy định của pháp luật”, chủ tịch Bình Thuận Lê Tuấn Phong nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.