Chiều 9.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và thảo luận về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016.
5 năm, vay nợ hơn 33 tỉ USD
Theo báo cáo kết quả giám sát được trình bày tại phiên họp, giai đoạn 2011-2016 đã có 319 Hiệp định được ký kết với tổng giá trị đạt khoảng đạt 33,643 tỉ USD, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006 - 2010.
Trong đó, ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi đạt 32,296 tỉ USD, chiếm khoảng 96%; ODA viện trợ không hoàn lại đạt 1,346 tỉ USD, chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.
Bình quân trong giai đoạn 2011-2016, vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài chiếm 37,6% tổng chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước.
Về dư nợ, báo cáo cho hay, đến 31.12.2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3%GDP, trong giới hạn cho phép, không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội.
Trong giai đoạn 2011 - 2016, tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỉ USD (tương đương khoảng 560 nghìn tỉ VND), trong đó, giải ngân nguồn vốn vay ODA 23,2 tỉ USD (chiếm 82,3%), vốn vay ưu đãi là 3,2 tỉ USD (chiếm 11%), vay thương mại là 1,7 tỉ USD (chiếm khoảng 6%) tổng trị giá giải ngân.
Báo cáo cũng cho biết, việc trả nợ các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cơ bản được thực hiện chặt chẽ, đúng hạn, bao gồm cả nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ và nghĩa vụ nợ cho vay lại, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn ảnh hưởng tới cam kết, góp phần giúp Chính phủ từng bước cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.
Giải ngân luôn vượt dự toán
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, đặc biệt là nguồn vốn ODA.
Theo đó, từ năm 2015 trở về trước, vốn ODA được giải ngân theo tiến độ thực hiện dự án thì kết quả giải ngân luôn lớn hơn nhiều so với dự toán được Quốc hội thông qua, có những dự án giải ngân gấp nhiều lần kế hoạch vốn .
Cụ thể, dự án quản lý thiên tai (WB5) kế hoạch bố trí 13,6 tỉ đồng, nhưng thực tế giải ngân tới 113,096 tỉ đồng (gấp hơn 8 lần); dự án Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ tỉnh Quảng Trị (JICA) kế hoạch vốn bố trí 57 tỉ đồng trong khi giải ngân là 116,278 tỉ đồng (gấp 2 lần).
Bên cạnh đó, việc giao kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài chỉ mang tính hình thức, dẫn đến giải ngân thực tế vượt dự toán lớn, làm tăng bội chi ngân sách so với số dự toán đã được Quốc hội quyết định .
Báo cáo cho hay, năm 2011 giải ngân vốn ODA vượt dự toán 5.775 tỉ đồng, năm 2012 vượt 17.143 tỉ đồng, năm 2013 vượt 29.422 tỉ đồng, năm 2014 vượt 26.169 tỉ đồng, năm 2015 vượt 30.725 tỉ đồng, năm 2016 vượt 17.033 tỉ đồng.
Sử dụng nguồn lực ODA chưa hiệu quả
Báo cáo cũng chỉ rõ, tại nhiều dự án, để đạt được mục tiêu thì mức chi phí phải bỏ ra là khá lớn trong khi hiệu quả sử dụng chưa thực sự tương xứng.
Trong số những dự án được coi là thành công thì chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa tiên tiến, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, tính lan tỏa thấp.
Một số dự án chậm tiến độ đi đôi với việc tăng tổng mức đầu tư lớn, suất đầu tư tăng cao, tổng chi phí phải trả để đạt được mục tiêu lớn hơn nhiều so với dự kiến ban đầu, công nghệ trở nên lạc hậu do chậm tiến độ.
Chẳng hạn, dự án phát triển cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải tăng tổng mức đầu tư 8.160 tỉ đồng; dự án Nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 1 tăng 10.515 tỉ đồng; dự án xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tăng 10.148 tỉ đồng; dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây điều chỉnh lần 1 tăng 6.001 tỉ đồng, lần 2 tăng thêm 4.738 tỉ đồng; dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội (Dự án 2) điều chỉnh 3 lần, từ 5.063,7 tỉ đồng lên 9.693,8 tỉ đồng (tăng 91,4%)…
Việc sử dụng vốn vay chưa phù hợp, đầu tư thiếu tính toán căn cơ, một số dự án hoàn thành nhưng không mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Có dự án đầu tư không những không mang lại hiệu quả mà còn để lại một khoản vay lớn, không có khả năng trả nợ và số lãi thì ngày một tăng.
Một số cán bộ còn quan niệm ODA là “cho không”
Báo cáo cho rằng, nhận thức về ý nghĩa của nguồn lực ODA và vay ưu đãi trong một số cán bộ còn hạn chế, còn quan niệm nguồn vốn tài trợ ODA là “cho không”.
Bên cạnh đó, việc Chính phủ đi vay và cấp phát cho các địa phương, địa phương không phải chịu áp lực trả nợ, trả lãi, vì vậy, chưa thực sự chú trọng đến trách nhiệm phải quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Các bộ, ngành và địa phương chưa thực sự quyết liệt, chủ động trong quá trình triển khai, vẫn còn tư tưởng “ỷ lại, trông chờ” nguồn vốn ODA và vay ưu đãi do ngân sách T.Ư cấp phát và chờ vốn đối ứng ngân sách T.Ư bổ sung.
Về trách nhiệm của các đơn vị, cơ quan, theo báo cáo, mặc dù trong giai đoạn 2011-2016, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực để công tác quản lý, đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, hiệu quả của một số dự án, công trình đạt được chưa tương xứng với chi phí và nghĩa vụ nợ mà Nhà nước đã phải trả, đang phải trả và sẽ phải trả trong tương lai.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, trách nhiệm của một số bộ ngành, địa phương thực hiện còn chưa cao, để xảy ra các sai phạm trong quản lý song chưa làm rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị sử dụng vốn.
Bình luận (0)