Nhiều kiểu ăn chia 'tiền bẩn' của nhà mạng

19/03/2018 07:32 GMT+7

Không chỉ được hưởng “tiền bẩn” từ các sòng bạc , con số lợi nhuận hàng chục nghìn tỉ đồng của các nhà mạng còn do ăn chia từ dịch vụ trá hình, phi pháp móc túi người dùng một cách trắng trợn như tin nhắn rác, quảng cáo...

Sau khi đường dây đánh bạc hàng ngàn tỉ đồng Rikvip/Tip.club bị phanh phui, người ta mới nhận thấy rõ hơn thủ đoạn chia chác, ăn lãi khủng khiếp của các doanh nghiệp (DN) viễn thông.
Từ tiếp tay cho game cờ bạc
Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã lần ra số tiền tham gia đánh bạc qua 2 đường chính là cổng thanh toán (cả hợp pháp và bất hợp pháp) và các hệ thống đại lý. Trong đó, tổng số tiền đánh bạc nạp qua các cổng thanh toán lên tới 9.583,2 tỉ đồng (342 tỉ đồng/tháng), riêng tiền từ thẻ cào điện thoại và thẻ game là 9.296 tỉ đồng, chiếm 97%; tiền từ các ngân hàng là 168 tỉ đồng, chiếm 1,75%.


Luật Hình sự VN có quy định về tội rửa tiền. Theo đó, các hành vi giao dịch, thanh toán thông qua dịch vụ thanh toán trung gian mà chủ thể giao dịch biết rõ tiền là do phạm tội mà có nhưng che giấu về nguồn gốc, bản chất thực sự hoặc quyền sở hữu... đều bị xem là dấu hiệu của tội rửa tiền. Nhưng ở đây các đơn vị trung gian tài chính lại “lách luật” bằng cách cho nạp tiền vào ví điện tử bằng hình thức thẻ cào. Mà nguồn gốc của những mã thẻ cào điện tử hiện nay có thể đến từ nhiều nguồn bất hợp pháp.


Số tiền 9.583,2 tỉ đồng thu được qua các cổng thanh toán được phân chia cho các DN viễn thông, DN cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, DN phát hành thẻ game... Theo cơ quan điều tra, tiền chơi bạc từ thẻ cào chiếm 97% tổng lượng tiền chơi bạc qua các cổng trung gian thanh toán, trong đó, các DN viễn thông (Viettel, Vinaphone, MobiFone) được hưởng tỷ lệ từ 15,5 - 16,3%. Ước tính DN viễn thông hưởng khoảng 1.402 tỉ đồng (tương đương 16% tổng giá trị thẻ viễn thông); DN trung gian thanh toán hưởng khoảng 258,4 tỉ đồng (riêng GTS hưởng khoảng 217,8 tỉ đồng).
Con số thống kê khiến bất cứ ai cũng phải giật mình khi từ ngày 18.4.2015 - 29.8.2017 có 42.956.715 tài khoản người chơi thực trên hệ thống Rikvip/Tip.club (nếu trung bình 1 con bạc có 3 tài khoản thì tổng số tương đương trên 14 triệu con bạc). Các đối tượng tổ chức đường dây đã thông qua các pháp nhân do chúng lập ra để thu hút con bạc.
Với sự tiếp tay của nhà mạng, các cổng trung gian thanh toán (VNPT EPAY, Ngân Lượng, HOMEDIRECT và Giải trí số), con bạc có thể sử dụng thẻ cào viễn thông, thẻ game nạp vào game bài (gọi chung là “gạch thẻ”). Bên cạnh đó, từ Cổng thanh toán quốc gia NAPAS con bạc còn có thể nạp tiền từ tài khoản ngân hàng; phát hành thẻ game Vcard và Gocoin...
Đến “bom” tin nhắn rác
Không chỉ “ăn chặn” khi kết hợp với một công ty dịch vụ, dù từ giữa năm 2017 các nhà mạng đã bắt tay và cam kết ngăn chặn tin nhắn rác, người tiêu dùng vẫn là “con tin” của các nhà mạng khi tin nhắn rác phát tán trở lại tinh vi hơn dưới hình thức các đầu số dịch vụ, brandname.
Chị N.T.Hiền (Hà Đông, Hà Nội) đang dùng số điện thoại 0983959... cho biết thường xuyên nhận được các tin nhắn từ các đầu số như 109, 191, 1799, VIETTEL_DV... “Tin nhắn từ đầu số 1799 ghi rõ: để trả lời câu hỏi trúng thưởng, khách hàng tham gia nhắn tin trả lời với mức phí 5.000 đồng, trong khi để từ chối tin nhắn, tôi phải soạn tin gửi đến 1799 hoặc phải a lô lên tổng đài với mức phí 1.000 đồng/phút”, chị Hiền cho biết. Tuy nhiên, khi a lô lên tổng đài 1900.0105 chị Hiền nhận được câu trả lời “đây là tổng đài cung cấp các dịch vụ cho nhà mạng Viettel, MobiFone, Vinaphone. Đầu số 1799 là chương trình game Triệu phú tri thức, do hệ thống tự động gửi tin nhắn về, nếu không muốn nhận được tin nhắn nữa phải nhờ tổng đài này chặn”.
Nhiều khách hàng sử dụng đầu số của MobiFone, Vinaphone dù đã bớt cảnh chịu “bom” tin nhắn rác từ bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng... nhưng vẫn phải nhận hàng loạt tin nhắn rác từ đầu số dịch vụ như 678, 9516... Ví dụ tin nhắn mời chào để đăng ký dịch vụ miễn phí, nhưng nếu không đọc kỹ khách hàng sẽ mất tiền oan khi phí cước những ngày sau đó rất đắt.
Thẻ cào điện thoại trở thành phương tiện thanh toán để cờ bạc trên mạng Ảnh: Ngọc Dương - Đ.N.T

Theo một chuyên gia viễn thông, trước đây khi tin nhắn rác lừa đảo trúng thưởng... tràn lan, doanh thu của nhà mạng từ dịch vụ này khá lớn. Dù hiện nay khi tin nhắn rác bị chặn cơ bản, nhưng không mất hẳn do nhà mạng vẫn còn doanh thu nhờ ăn chia với các dịch vụ đầu số hoặc các brandname (thương hiệu).
Trên thực tế, năm 2017, 4 nhà mạng Viettel, Vinaphone, MobiFone và Vietnamobile đã “tiếp tay” cho Công ty SAM Media Limited tại Hà Nội gửi tin nhắn có nội dung quảng cáo về các dịch vụ, trò chơi trúng thưởng đến các thuê bao di động thu lợi hàng chục tỉ đồng. Chiêu trò khá tinh vi khi phần chữ giới thiệu tin nhắn quảng cáo, chương trình để chữ lớn, biểu tượng thu hút còn nội dung hủy dịch vụ có cỡ chữ rất nhỏ. Khi người dùng kích vào hoặc không xóa đi đều bị mất tiền. Sở Thông tin - Truyền thông Hà Nội qua thanh tra đã chỉ rõ số tiền mà Công ty Sam Media thu về 230 tỉ đồng, trong đó, Sam Media và các công ty đầu số hưởng 70 tỉ, còn lại Vinaphone hưởng 53 tỉ, MobiFone hưởng 76 tỉ, Viettel hưởng 11 tỉ và Vietnammobile hưởng 600 triệu đồng. Hậu quả, có khoảng 94.000 khách hàng chịu thiệt hại.
Tiền chảy hết vào túi nhà mạng
Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó chủ tịch Hội Truyền thông số VN, cho biết nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên do tỷ lệ ăn chia giữa nhà mạng và DN cung cấp dịch vụ nội dung số (Content Provider - CP) hiện rất chênh lệch, ở mức 20 - 30% cho CP và nhà mạng ăn tới 70 - 80%. Thông thường các DN nội dung số sẽ hiểu các nhà mạng chỉ đóng vai trò thu tiền hộ, trong khi DN nội dung số phải tự làm thị trường, marketing... cho sản phẩm, giải pháp.
Một đại điện của Công ty CP VNG cũng tiết lộ so với các nước trên thế giới doanh thu qua thẻ của nhà mạng hiện nay chiếm rất lớn trong lĩnh vực thanh toán game khi tính cả SMS lên tới gần 65%. Ông Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty CP trực tuyến CMN VN (CMN Online), đặt vấn đề về tỷ lệ ăn chia qua việc dùng thẻ cào của nhà mạng để thanh toán cho game trực tuyến. Cụ thể theo ông Thắng, nhà mạng đang lấy tỷ lệ quá lớn doanh thu khi thanh toán cho game. DN làm ra 100 đồng thì nhà mạng ăn hết gần 20 đồng. Hiện thanh toán cho 1 game nhà mạng “ăn” doanh thu từ 18 - 20%, nếu tính các chi phí như tiền bản quyền game (chiếm 20 - 25%), chi phí marketing (chiếm 35 - 45%) tính ra doanh thu một game nhà phát hành thu về chỉ còn 13 - 15%, trong đó khấu hao nhân sự, vận hành... khoảng 10%, thì lợi nhuận thu về chỉ còn 3 - 5%, con số quá ít.
Đặc biệt, việc quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê máy chủ, cho thuê chỗ đặt máy chủ, tên miền, đầu số còn lỏng lẻo. Các đối tượng tổ chức đánh bạc dễ dàng được cung cấp dịch vụ thuê chỗ đặt máy chủ, đường truyền internet, IP, tên miền, kể cả tên miền quốc gia (.vn) từ các DN trong nước (VNPT, Viettel, Công ty cổ phần Mắt Bão, Công ty GMO Runsystem...); dễ dàng thuê các đầu số tổng đài của FPT để “chăm sóc khách hàng” và sử dụng dịch vụ nhắn tin thương hiệu của Công ty cổ phần truyền thông VMG để quảng bá Rikvip/Tip.club qua tin nhắn.
Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, một trong những hình thức rửa tiền mới nhất của giới tội phạm hiện nay là đưa dòng tiền vào các giao dịch điện tử. Không chỉ có thẻ cào, kể cả ví điện tử... với cách sử dụng quá dễ dãi, người dùng có thể khai khống, khai giả, xác minh nguồn gốc giao dịch, nhận tiền, luân chuyển tiền.
Để bảo đảm lành mạnh trong hoạt động thanh toán điện tử, chống tội phạm rửa tiền, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý, kiểm tra các hoạt động của các đơn vị trung gian thanh toán hiện nay. Nhất là các cơ quan chức năng cũng cần có sự phối hợp tiến hành thanh tra hoạt động của các nhà mạng, các công ty cung cấp ví điện tử đang chấp nhận hình thức nạp tiền vào ví bằng thẻ cào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.