Nhiều sai phạm tại dự án cấp bách chống hạn ở Nghệ An

27/11/2017 08:07 GMT+7

Dự án ngăn mặn, chống hạn ở xã Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) có tổng vốn đầu tư 72,7 tỉ đồng (trong đó trung ương hỗ trợ 50 tỉ đồng) mới thi công đã bị điều tra vì xảy ra nhiều sai phạm .

Theo bản hợp đồng thi công xây dựng công trình số 09/2017 giữa Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc và Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Anh (đóng tại xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc), vốn xây lắp Dự án ngăn mặn, chống hạn ở xã Nghi Vạn là 66,9 tỉ đồng, chi phí hạng mục chung và dự phòng là hơn 5,8 tỉ đồng.
Dự án do UBND huyện Nghi Lộc làm chủ đầu tư, khởi công từ cuối tháng 5 vừa qua, xây mới và nâng cấp 4 trạm bơm; xây 3 tuyến kênh chính dài 3,7 km và 22 tuyến kênh tưới dài hơn 13,8 km.
Đội giá nhiều tỉ đồng do thiết kế vênh thực tế
Theo điều tra của phóng viên Báo Thanh Niên, chỉ so sánh trên thiết kế và đơn giá hợp đồng với thực tế thi công, một số hạng mục của dự án đã bị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế “ưu đãi” quá thoáng cho đơn vị thi công. Đặc biệt, các hạng mục đào móng xây kênh, vận chuyển đất ra khỏi vị trí thi công, lấy đất đắp bù… không khớp với thực tế, khiến dự án bị đội giá lên nhiều tỉ đồng.
Sáng 21.11, theo quan sát của phóng viên tại tuyến kênh từ xóm Bắc Bố Sơn nối xóm Đông Vạn dài 1.086,38 m có chiều rộng khoảng 4 - 5 m, đơn vị thi công đang dùng một máy múc loại lớn múc lớp bùn phía trên để đào móng. Lượng bùn này được múc sang một xe tải để chở đến đắp vào lề đường giáp với bờ kênh đã đổ xong cách đó mấy chục mét. Tuy nhiên, theo bản hợp đồng xây dựng nói trên, hạng mục bóc phong hóa, riêng việc vận chuyển số bùn này được vận chuyển đi đổ cách đó 2 km với chi phí là 15,3 triệu đồng, chi phí vận chuyển đất cấp 2 đổ cách đó 2 km là hơn 36 triệu đồng.
Ngoài ra, đất lấy cách đó 20 km để đắp bên thành kênh phía giáp đường là 165 triệu đồng. Điều đáng nói là dù tuyến kênh này nằm sát bên đường liên xóm, xe cơ giới thoải mái ra vào và trong thực tế, đơn vị thi công dùng máy múc để đào, nhưng trong thiết kế và hợp đồng lại cho phép đào móng bằng thủ công 1.090,6 m3 đất, tốn hơn 200 triệu đồng (trong khi đào bằng cơ giới, chi phí chỉ bằng khoảng 1/10 so với đào bằng phương pháp thủ công)...
Tương tự, tuyến kênh từ xóm Nam Bố Sơn nối xóm Tây Vạn, theo thiết kế và hợp đồng xây dựng, chi phí đào móng bằng thủ công (đất cấp 2) có khối lượng 920,5 m3 với chi phí 168,9 triệu đồng. Trong khi, thiết kế lại chỉ giới hạn đào móng bằng cơ giới khối lượng 394,5 m3 (chi phí hơn 10 triệu đồng).
Theo quan sát của phóng viên, tuyến kênh này nằm trên con đường rộng khoảng hơn 3 m, máy múc loại lớn dễ dàng vào hoạt động. Đến nay, đơn vị thi công đã đào xong phần móng bằng cơ giới, phần bùn đất được múc đổ sang phía bên kia đường. Trong hợp đồng, chi phí vận chuyển đất thải này ra khỏi công trình 2 km tốn hơn 30 triệu đồng và chi phí lấy 3.047,6 m3 đất cấp 3 cách đó 20 km để đắp sau khi đổ xong kênh là hơn 494 triệu đồng.

tin liên quan

Dân chưa hết mừng đã mếu vì dự án thi công ì ạch
Dự án nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tiểu dự án thành phố Mỹ Tho được hy vọng sẽ cải thiện điều kiện sống cho cư dân nghèo đô thị. Nhưng từ khi dự án được triển khai, người dân liên tục kêu trời.
Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các tuyến kênh của dự án này đều nằm sát bên đường làng hoặc đường nội đồng sau khi dồn điền, xe cơ giới có thể ra vào để thi công và vận chuyển vật liệu. Tuy nhiên, theo thiết kế thi công, 22 tuyến kênh tưới tổng chiều dài 13.846,95 m và 3 kênh chính dài 3.730 m dẫn nước từ 3 trạm bơm hầu hết đều “cho” đào móng bằng thủ công và khối lượng đào bằng cơ giới chỉ khoảng 1/3. Chi phí thi công theo đó đã đội lên rất nhiều lần.
Mặt khác, theo thiết kế, toàn bộ đất lấy đi để xây kênh (đất cấp 2) được vận chuyển đi đổ nơi khác và lấy đất cấp 3 cách kênh 20 km về đắp khiến chi phí đội lên hàng tỉ đồng.
Vừa thi công đã bị điều tra
Một kỹ sư chuyên về công trình thủy lợi cho biết, đối với các tuyến kênh kẹp đường, trong thiết kế, người ta thường tận dụng khoảng 70% đất cấp 2 từ móng công trình để đắp bên thành kênh để giảm chi phí và về mặt kỹ thuật cho phép làm điều này.
“Theo thiết kế của dự án này, loại đất cấp 2 từ móng kênh phải bốc đi hết để lấy đất cấp 3 đắp vào là không cần thiết, gây lãng phí. Khi thi công cũng rất khó giám sát vì thực tế, đơn vị thi công thường tận dụng đất đào móng cấp 2 để đắp lại”, kỹ sư này nói.
Theo một nguồn tin của Thanh Niên, trước những bất thường trong quá trình thực hiện dự án trên, vừa qua, Phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh Nghệ An đã vào cuộc điều tra dự án này. Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Lộc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nghi Lộc, cũng xác định thông tin trên và cho biết, vào đầu tháng 10 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế Công an Nghệ An đã làm việc với đơn vị này và đề nghị cung cấp toàn bộ hồ sơ liên quan đến dự án để xác minh, điều tra.
Ông Phạm Hồng Quang, Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc, cho biết hiện Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện Nghi Lộc báo cáo sớm vụ việc sai phạm tại dự án này cho Thường trực Huyện ủy. “Quan điểm của chúng tôi là sẽ làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân đã làm sai trong dự án này”, ông Quang nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.