Nhiều tiêu cực trong thi hành án dân sự

14/09/2014 03:00 GMT+7

Ngày 13.9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể đánh giá công tác của ngành kiểm sát, tòa án và công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật, thi hành án năm 2014.

Nhiều tiêu cực trong thi hành án dân sự
Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Ảnh: Thái Sơn

Đề cập con số tính đến ngày 31.7 đã có 87 cán bộ thi hành án dân sự bị kỷ luật, tăng 43 trường hợp so với cùng kỳ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyết đặt vấn đề: “Trong nhiều năm gần đây, bình quân mỗi năm có trên dưới 100 cán bộ thi hành án dân sự vi phạm pháp luật, đây là việc không bình thường, đề nghị Bộ Tư pháp phải kiểm tra rà soát chất lượng cán bộ”.

 

Trong nhiều năm gần đây, bình quân mỗi năm có trên dưới 100 cán bộ thi hành án dân sự vi phạm pháp luật, đây là việc không bình thường, đề nghị Bộ Tư pháp phải kiểm tra rà soát chất lượng cán bộ

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyết

Hai năm kỷ luật 15 - 16 lãnh đạo chi cục

Dẫn lại trường hợp cụ thể về một cán bộ thi hành án ở Bình Phước hách dịch với dân, mắng dân là “vô duyên” mà dư luận báo chí đã nêu và Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu làm rõ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói: “Đây không chỉ là thái độ mà còn là vi phạm pháp luật, chúng tôi cần câu trả lời cụ thể. Những tiêu cực trong hệ thống cần phải được kiểm tra, đánh giá và có giải pháp để hạn chế. Quốc hội đã rất vất vả để làm luật nhằm tăng thẩm quyền cho cơ quan thi hành án nhưng để có tình trạng này là không đáp ứng yêu cầu”.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền tiếp thu các ý kiến trên và cho biết Bộ Tư pháp nhìn nhận vấn đề này rất nghiêm túc, hiện đã chuẩn bị đề án phòng chống tiêu cực trình cơ quan chức năng xem xét. Giải trình thêm, ông Hoàng Sỹ Thành, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cho biết thêm trong 2 năm gần đây đã kỷ luật 15 - 16 lãnh đạo các chi cục tiêu cực, vi phạm đạo đức lối sống. Việc xảy ra các hiện tượng tiêu cực có nguyên nhân khách quan là lượng án tăng cao, chỉ riêng năm 2014, giá trị thi hành án đã là 100.000 tỉ đồng, trong khi đó cả nước chỉ có 10.000 cán bộ thi hành án dân sự. Nguyên nhân chủ quan là do năng lực, trình độ của cán bộ.

Đối với vụ việc ở Bình Phước, ông Thành cho biết có nắm rõ và đã yêu cầu cán bộ kiểm điểm rút kinh nghiệm, nhưng không xử lý kỷ luật vì cán bộ này bức xúc với đương sự. Không bằng lòng với cách giải quyết này, bà Lê Thị Nga yêu cầu cung cấp hồ sơ để Ủy ban Tư pháp xem xét thêm.

Lo ngại an ninh trật tự ở các thành phố lớn

Trước lo ngại của một số đại biểu về tình hình an ninh trật tự, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), cho biết Bộ Công an nắm rõ điều này và đã xác định 18 địa bàn trọng điểm, liên tục mở các đợt cao điểm tấn công tội phạm. Từ đó các băng nhóm đỡ lộng hành, riêng về tội phạm có tổ chức ở Quảng Ninh giảm 30%, Hải Phòng giảm 8%.

Trả lời về việc án tham nhũng năm 2014 giảm so với trước là do tham nhũng giảm hay khả năng phát hiện của cơ quan chức năng yếu, ông Lượng nói rất khó để đánh giá bởi đây là loại tội phạm ẩn, chủ thể đặc biệt có chức vụ quyền hạn gây khó khăn cho công tác điều tra, số người tố giác không nhiều mà thậm chí còn tiếp tay. Tuy nhiên, có thể nhận định tội phạm tham nhũng đã được kiềm chế bởi thời gian qua, Đảng, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt về phòng chống tham nhũng, lập cả Ban Nội chính T.Ư để tuyên chiến với loại tội phạm này.

Có ưu ái phạm nhân tham nhũng ?

Tại phiên họp, ĐB Trần Thị Quốc Khánh đặt vấn đề: “Chúng tôi có nghe dư luận nói trong trại giam có một số bộ phận phạm nhân được ở rất sướng, chẳng hạn như các phạm nhân về tham nhũng, phải chăng đang có sự phân biệt đối xử, đề nghị các đồng chí cho kiểm tra?”, trung tướng Tạ Xuân Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Bộ Công an, khẳng định không có bất cứ quy định nào phân biệt đối xử với phạm nhân trong trại giam, vấn đề đại biểu đặt ra ông mới nghe nói lần đầu nên sẽ cho các bộ phận kiểm tra lại.

Đối với việc đưa vật cấm vào trại giam, mà gần đây nhất là phạm nhân ở trại giam Tân Lập (Phú Thọ) lén đưa điện thoại vào chụp hình đưa lên Facebook, ông Bình nói: “Mỗi ngày phạm nhân ra vào lao động cải tạo cả ngàn lượt, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi nên việc kiểm tra kiểm soát rất khó khăn”.

Thái Sơn - Hoàng Trang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.