NHNN từng xử phạt hành chính sai phạm của TrustBank

Phan Thương
Phan Thương
12/05/2018 06:49 GMT+7

Kết luận thanh tra số 224 ngày 10.7.2012 nhận diện tại thời điểm thanh tra, TrustBank đã vi phạm các quy định pháp luật về mua bán tài sản cố định ở thời gian trước đó, và việc mua căn nhà số 5 thì càng vi phạm.

Ngày 11.5, trong lượt thẩm vấn vụ án Hứa Thị Phấn (cố vấn cấp cao của Ngân hàng Đại Tín - TrustBank) và đồng phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái... khi nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch (Q.3, TP.HCM) từ khoảng 154 tỉ đồng lên 1.260 tỉ đồng, gây thiệt hại cho TrustBank hơn 1.105 tỉ đồng, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, khi thanh tra ngân hàng này đã phát hiện sai phạm và có xử phạt hành chính.
Cụ thể, khi trả lời một số luật sư, ông Lê Hồng Quân (Cục Thanh tra giám sát ngân hàng), được Thống đốc NHNN ủy quyền tham dự phiên tòa, trình bày, đầu năm 2012, NHNN có quyết định thanh tra TrustBank. Kết luận thanh tra số 224 ngày 10.7.2012 nhận diện tại thời điểm thanh tra, TrustBank đã vi phạm các quy định pháp luật về mua bán tài sản cố định ở thời gian trước đó, và việc mua căn nhà số 5 thì càng vi phạm. Từ đó, NHNN ra quyết định xử phạt hành chính TrustBank 154 tỉ đồng.
Tuy nhiên, khi luật sư truy vấn: khi phát hiện sai phạm tại TrustBank, tại sao NHNN không chuyển hồ sơ qua cơ quan điều tra mà tự xử phạt hành chính, thì ông Quân cho biết sẽ trả lời bằng văn bản với HĐXX sau.
Trả lời đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa, ông Đặng Văn Thảo (Thanh tra NHNN), cho biết theo quy định, tỷ lệ đầu tư mua sắm tài sản cố định không vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ ghi trên báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất. Trong kết luận thanh tra TrustBank năm 2012 do ông Thảo ký, quỹ dự trữ và vốn điều lệ ở thời điểm gần nhất đối với TrustBank là 3.005 tỉ đồng, như vậy TrustBank chỉ được mua sắm tài sản tối đa là khoảng 1.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, cũng theo ông Thảo, tài sản cũ của TrustBank đã là 1.608 tỉ đồng, tài sản mua thêm là 1.675 tỉ đồng chưa kể 10 tài sản chưa đưa vào hạch toán. Như vậy, ông Thảo khẳng định TrustBank đã mua sắm tài sản cố định vượt quá 100% quy định.
Tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, bị án Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) phản ứng khá gay gắt khi được luật sư hỏi có biết hay không thực trạng nâng khống căn nhà số 5. “Nếu biết thì tôi sẽ không bao giờ bỏ ra 3.600 tỉ đồng để mua 84% cổ phần của bà Phấn. Tôi tiếp nhận TrustBank vì tin vào giá trị các tài sản bà Phấn để lại dựa vào sổ sách, bao gồm cả căn nhà số 5”, ông Danh trình bày.
“Là doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về hoạt động ngân hàng và một phần tôi tin các tổ chức tín dụng chuẩn mực về tài chính, tài sản, thẩm định, cho vay. Bằng niềm tin ấy, khi được sự cho phép thành lập ngân hàng mới về xây dựng, tôi khẩn trương xem lại các ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu. Thấy TrustBank là ngân hàng dư nợ thấp, các khoản vay rõ ràng, gồm nhóm Phú Mỹ vay bao nhiêu, nhóm Phương Trang vay bao nhiêu, còn lại rất ít là cho vay chỗ khác... Nhưng khi xảy ra vụ án, và tại phiên tòa này, cho phép tôi được nói rằng, tôi thấy một điều rất kinh khủng. Tôi cũng từng làm bất động sản, nếu có chênh lệnh về giá chuyển nhượng thì khoảng 20%, đằng này tăng gấp 7 - 8 lần, quá sức tưởng tượng của tôi”.
Theo bị án Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB), thời điểm tiếp nhận TrustBank, tổng giá trị tài sản là 20.000 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.000 tỉ đồng. Nhưng, bao nhiêu tổng tài sản là bấy nhiêu nợ vay, và do áp lực thanh khoản cho ngân hàng, kèm không bán được tài sản dẫn đến Danh và hàng loạt nguyên cán bộ VNCB phạm tội ở những vụ án khác, liên quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.