Nhu cầu đi Hàn Quốc lao động tăng: “Cò” giăng bẫy khắp nơi

07/07/2006 10:18 GMT+7

Lợi dụng việc người lao động thiếu thông tin đăng ký đi Hàn Quốc lao động, nhiều đường dây cò, môi giới xuất khẩu lao động đã “bung vòi” hoạt động khắp nơi. Ngoài tổ chức dạy tiếng Hàn tràn lan, thu tiền học phí cao ngất, “cò” còn thu trước của người lao động từ 5.000 đến 7.000 USD.

Sẩy chân là dính... bẫy

Vào vai người chị đi tìm cơ hội cho thằng em trai thất nghiệp đang có nhu cầu đi Hàn Quốc làm việc gấp, tôi dễ dàng gặp các tay cò, môi giới “chuyên nghiệp”. Sau một cú điện thoại do người quen cung cấp, tôi hẹn gặp N. tại một quán cà phê nhỏ gần khu vực Đầm Sen. Anh ta là nhân viên của một công ty xuất khẩu lao động thuộc Bộ GT-VT không có chức năng đưa lao động đi Hàn Quốc tu nghiệp. Thế nhưng, khi nghe tôi ngỏ lời muốn gởi thằng em đi Hàn càng sớm càng tốt, N. nói như đinh đóng cột: “Muốn đi là sẽ được!”.

Nói rồi, N. khoe với tôi là anh ta quen rất thân với các anh ở Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước - nơi trực tiếp tuyển lao động đi Hàn làm việc theo chương trình cấp phép. Không những thế, nhiều trường dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và các tỉnh có chỉ tiêu đi Hàn, N. cũng quen và có thể gởi hồ sơ được ngay… Khi tôi đề cập đến số tiền phải đóng trước là bao nhiêu, N. phán: “Đưa trước 2.000 USD để học tiếng Hàn. Khi lấy được chứng chỉ tiếng Hàn và hồ sơ dự tuyển được gởi đi sẽ đóng thêm 3.000 USD. Khi nào chính thức bay đóng thêm 3.000 USD”.

Còn T. - một tay cò có thâm niên trong nghề môi giới XKLĐ ở tỉnh Nghệ An thì phán: “Bây giờ đăng ký đi tu nghiệp sinh ở Hàn khó hơn vì chỉ tiêu quá ít. Còn đi theo kênh cấp phép dễ hơn vì chỉ tiêu được phân về các tỉnh, các trường dạy nghề rất nhiều. Tỉnh B. đã được phân trên 100 chỉ tiêu, tỉnh Đ. được phân gần 100 chỉ tiêu… Chỉ cần học tiếng Hàn 1-2 tháng là có thể thi lấy chứng chỉ. Đi Hàn làm việc lương rất cao, từ 1.200 đến 1.600 USD/tháng…”. Nghe những lời dụ dỗ, mật ngọt của bọn cò, nhiều lao động ở các tỉnh phía Bắc sẵn sàng đóng 7.000-8.000 USD để được đưa đến TP.HCM, Hà Nội và một số địa phương khác học tiếng Hàn.

Chìa cho tôi xem tờ giấy thu tiền đặt cọc đi Hàn lao động với số tiền ban đầu là 4.000 USD, chị H.B. (quê ở Nghệ An) nói với vẻ tự tin: “Bọn em được Công ty Thủy Hải sản Hải Phòng đưa vào Trường dạy nghề Q.T. học tiếng Hàn và ở trọ trên đường Phổ Quang quận Tân Bình. Họ hứa với chúng em có suất sẽ đưa đi Hàn làm việc ngay…”. Tôi hỏi: “Thế em có biết Công ty Thủy Hải sản này có chức năng đưa lao động xuất khẩu hay không?”. H.B. trả lời một cách vô tư: “Hình như không có nên họ gởi chúng em đi theo chi nhánh Công ty Gốm sứ Hải Phòng - đơn vị có chức năng xuất khẩu lao động”.

Ngay sau khi vào học khóa tiếng Hàn tại Trường dạy nghề Q.T., được nghe giáo viên ở đây giải thích việc học tiếng Hàn chỉ là cơ hội để thi lấy chứng chỉ tiếng Hàn chứ không phải là được đi Hàn làm việc, H.B. và nhiều lao động khác rất hoang mang. Theo H.B, Công ty Thủy Hải sản Hải Phòng đưa 40 lao động vào TP.HCM học tiếng Hàn và mỗi người phải đóng trước 4.000 USD. Để hợp thức hóa số tiền này, công ty bắt người lao động ký vào hồ sơ “đặt cọc chống trốn”. Có nhiều người trong số họ chỉ biết mập mờ là đi Hàn Quốc làm việc nhưng không biết rõ đi theo chương trình nào, điều kiện, thủ tục như thế nào.

“Tiền mất tật mang...”

Để người lao động yên tâm đóng trước khoản tiền lớn vài ngàn USD, những đường dây cò này câu kết với các cơ sở dạy nghề, dạy ngoại ngữ trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… đưa người lao động từ các tỉnh phía Bắc vào dạy tiếng Hàn. Chỉ đến khi chờ đợi quá lâu hoặc biết rõ bị ăn “bánh vẽ”, người lao động mới phản ứng, đòi lại tiền hoặc tố cáo.

Sau hơn 1 năm đóng tiền cho cò N., với lời hứa chắc chắn sẽ được đưa đi Hàn Quốc làm việc, Q.S. (quê ở Nghệ An) đành chia tay với giấc mơ đi Hàn vì danh sách thi khảo sát tiếng Hàn mới đây không có tên mình. Tức giận vì bị lừa, Q.S. tìm đến nhà cò để đòi số tiền đặt cọc 2.000 USD và số tiền 6 triệu đồng vì họ hứa dạy đề tủ, đảm bảo sẽ lấy được chứng chỉ tiếng Hàn. Nhờ làm dữ và dọa tố cáo vụ việc cho báo chí, Q.S. mới may mắn đòi lại gần 2/3 số tiền đã đóng cho bọn cò.

Nhiều lao động từ các tỉnh phía Bắc vào TP.HCM và các tỉnh lân cận học tiếng Hàn thường mắc bẫy bọn cò. Trước thực tế cơn sốt đi Hàn ngày một tăng, ông Vũ Minh Xuyên, Phó Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước thừa nhận tình trạng lừa đảo, môi giới đi Hàn Quốc làm việc cũng tăng theo. Con số gần chục vụ lừa đảo đi Hàn Quốc làm việc của các “đại gia lừa” ở Hà Nội và một số tỉnh bị phanh phui với số nạn nhân lên đến hàng trăm người và số tiền bị lừa cả chục tỷ đồng cho thấy các đường dây lừa đảo về xuất khẩu lao động hoạt động khá rầm rộ.

Gần đây, lợi dụng chủ trương công khai chỉ tiêu phân bổ cho các địa phương, đơn vị và triển khai việc đăng ký dự tuyển đi Hàn Quốc, nhiều đường dây “môi giới, cò xuất khẩu lao động” không chỉ mở rộng hoạt động mà còn tung ra nhiều chiêu thức dụ dỗ những lao động cả tin. Không chỉ thu số tiền lớn để dạy tiếng Hàn, nhiều đường dây môi giới xuất khẩu lao động còn thu trước của người lao động 7.000-8.000 USD. Đặc biệt, lợi dụng một số người lao động thiếu thông tin, không nắm rõ thủ tục đăng ký đi Hàn Quốc lao động, nhiều kẻ xấu đã tung tin thất thiệt là đến Sở LĐ-TBXH sẽ bị gây khó khăn khi làm hồ sơ rồi gạ gẫm làm thủ tục với giá “cắt cổ”. Tin lời “cò”, một số lao động vừa mất tiền vừa bị họ giữ hộ chiếu…

Hàng năm, hạn ngạch phân bổ chỉ tiêu cử lao động cho Việt Nam đến Hàn Quốc làm việc có hạn, người lao động phải tìm hiểu kỹ thông tin và cảnh giác trước những lời hứa hẹn của bọn cò mồi. Để tránh bị lừa đảo, người lao động phải trực tiếp liên hệ với Sở LĐ-TBXH các tỉnh, thành để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục đăng ký học tiếng Hàn cũng như đi Hàn Quốc lao động. Khi chưa có thông báo chính thức của Trung tâm Lao động ngoài nước về việc đã trúng tuyển thì người lao động không phải đóng bất kỳ chi phí nào.

Theo Khánh Bình/báo Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.