Quyết định về việc chi hỗ trợ khẩn cấp vừa được Tổng liên đoàn lao động (LĐLĐ) Việt Nam ban hành ngày hôm nay, 19.5.
Hỗ trợ đơn vị tuyến đầu 10 - 50 triệu đồng
Theo quyết định của Tổng LĐLĐ Việt Nam, có 6 đối tượng được hỗ trợ trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, gồm:
Lực lượng đang phục vụ tuyến đầu chống dịch (các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung), mức hỗ trợ từ 10 - 50 triệu đồng/đơn vị.
Đoàn viên; người lao động khu vực có quan hệ lao động (bao gồm cả doanh nghiệp, đơn vị chưa có tổ chức công đoàn) là F0 đang điều trị bệnh, không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, được hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) là F1 phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (không áp dụng đối với hình thức cách ly tại nhà, nơi lưu trú, doanh nghiệp), không vi phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống dịch, mức hỗ trợ tối đa 1,5 triệu đồng/người.
Đoàn viên, người lao động (tại các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị có đóng kinh phí công đoàn) có quyết định phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có hoàn cảnh khó khăn; lao động nữ đang mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; đoàn viên, người lao động buộc phải nghỉ việc do đang cư trú trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức hỗ trợ tối đa 500.000 đồng/người.
Các trường hợp đặc biệt khác cần hỗ trợ giao ban thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở chủ động xem xét, quyết định theo thẩm quyền phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu phòng, chống dịch và khả năng cân đối tài chính công đoàn của địa phương, đơn vị nhưng mức hỗ trợ không quá các mức hỗ trợ trên.
Cán bộ công đoàn tham gia chống dịch được hỗ trợ 100.000 - 150.000 đồng/ngày
Ngoài hỗ trợ đoàn viên công đoàn và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Tổng LĐLĐ Việt Nam còn quyết định chi hỗ trợ cán bộ công đoàn tham gia công tác chống dịch tại địa phương có dịch trong đợt bùng phát lần thứ 4, gồm: người làm nhiệm vụ trực tiếp đi tuyên truyền, vận động, kiểm tra, giám sát phòng, chống dịch tại doanh nghiệp, khu công nghiệp; tham gia hỗ trợ truy vết, xét nghiệm, cưỡng chế cách ly y tế; rà soát, thống kê người lao động trong các khu cách ly, khu phong tỏa; trao và phát quà hỗ trợ trực tiếp cho đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, khu phong tỏa…
Mức hỗ trợ như sau: đối với cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở, mức chi hỗ trợ từ 100.000 - 150.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 2 triệu đồng/người. Giao ban thường vụ công đoàn các cấp phân công nhiệm vụ, quyết định và chịu trách nhiệm.
Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, mức chi hỗ trợ từ 80.000 - 120.000 đồng/người/ngày kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, tết, tùy theo tính chất, mức độ, công việc và số ngày thực tế chống dịch nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người. Ban chấp hành công đoàn cơ sở tự cân đối trong nguồn tài chính được duyệt chi để quyết định và chịu trách nhiệm.
Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị nhiễm Covid-19 (F0) hoặc phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung được áp dụng chế độ hỗ trợ từ 1,5 - 3 triệu đồng/người.
Tổng LĐLĐ Việt Nam lưu ý đoàn viên, người lao động thuộc nhiều đối tượng được hưởng mức hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng theo đối tượng có mức hỗ trợ cao nhất. Trường hợp đã được hỗ trợ ở mức thấp, sau đó lại chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.
Các đối tượng là lao động nữ mang thai, người lao động nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi thì được hưởng mức hỗ trợ tối đa.
Mỗi đối tượng chỉ được hỗ trợ 1 lần. Các trường hợp F0, F1 đang điều trị bệnh, bị cách ly, phong tỏa tại địa phương nào thì địa phương đó lập danh sách và thực hiện việc chi hỗ trợ. Công đoàn các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm thông tin, phối hợp để thực hiện đảm bảo quyền lợi của đoàn viên, người lao động.
Ông Phan Văn Anh, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết nguồn kinh phí để chi hỗ trợ theo quyết định này được cân đối trong dự toán thu, chi tài chính công đoàn năm 2021 tại các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành T.Ư và tương đương; công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và nguồn xã hội hóa.
Bình luận (0)