Những 'đại gia' thoát… án tử - Kỳ 1: Liên Khui Thìn nói về Tăng Minh Phụng, Epco

24/12/2015 07:20 GMT+7

Bị tuyên án tử hình nhưng họ là những người may mắn, thoát án tử trong phút chót. Thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, những cái tên doanh nhân như: Liên Khui Thìn, Hải Robert, Nguyễn Văn Mười Hai được xem là những đại gia “dậy sóng” ở Việt Nam.

Bị tuyên án tử hình nhưng họ là những người may mắn, thoát án tử trong phút chót. Thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, những cái tên doanh nhân như: Liên Khui Thìn, Hải Robert, Nguyễn Văn Mười Hai được xem là những đại gia “dậy sóng” ở Việt Nam. 

Văn phòng làm việc của ông Thìn nằm ở vị trí trung tâm quận 1, sát sông Sài Gòn - Ảnh: Trung HiếuVăn phòng làm việc của ông Thìn nằm ở vị trí trung tâm quận 1, sát sông Sài Gòn - Ảnh: Trung Hiếu
Sau bao năm miệt mài ở trong tù, giờ đây tất cả ung dung giữa tự do, những người cựu tử tù này đều mong mỏi bình an. Câu chuyện thời sự tội phạm kinh tế, được bỏ án tử hình trong bộ luật hình sự mới dường như vẫn còn nóng với chính các "đại gia" này.
Gặp cựu tử tù Liên Khui Thìn không khó như nhiều người nghĩ. Dù khá bận rộn cho chuyến đi Úc gặp đối tác nhưng ông vẫn dành thời gian kể về cuộc đời mình sau 6 năm ra tù.
Lo lắng cho người tù
Hỏi chuyện với con người từng trải qua nhiều biến động cuộc đời không dễ dù suốt buổi trò chuyện Liên Khui Thìn khá cởi mở. Mọi câu hỏi được PV chuẩn bị từ trước đều bị ông lái sang câu chuyện khác.
Mở đầu cuộc trò chuyện, thay vì nhắc nhiều đến cá nhân ông Thìn lại lo lắng cho số phận người tù sau khi về với đời thường: “Ra khỏi nhà tù, người tù sẽ sống và làm việc như thế nào. Ai sẽ giúp để họ hòa nhập với xã hội?”.
Nhắc tới quỹ hoàn lương mà mình sáng lập nhằm giúp đỡ người tù, ông Thìn bảo dù cố gắng lắm nhưng quy mô của quỹ nhỏ nên sự hỗ trợ không đáng bao nhiêu.
“Người tù sẽ dễ hòa nhập nếu xã hội không có định kiến. Bản thân người tù lúc nào cũng có khoảng cách cả. Mình phải chủ động với họ để xóa bỏ mặc cảm. Hiện nay quỹ của tôi mới chỉ tạo cho người tù có được xe bánh mì để họ sống qua ngày. Cũng có nhiều thứ muốn làm lắm nhưng hiện nay chưa làm được”, ông Thìn nói.
Nói về sự hòa nhập của bản thân mình kể từ khi ra tù 6 năm qua, ông Thìn trả lời như một triết gia. Rằng bản thân ông đã nếm trải thành công cũng như mọi đắng cay cuộc đời. Tuổi trẻ ông dấn thân theo lý tưởng, rồi phá rào làm kinh tế thành công và cũng từng vào tù, ra tội. Mọi chuyện với ông giờ như đã an bài.
“Cuộc đời tôi coi như đã khép. Giờ tôi như sống khuyến mãi, vui vẻ vậy thôi. Chỉ mong bình yên đến với mình và bạn bè”, ông Thìn cười nói.
Giữ lại thương hiệu Epco
Tự nhận “cuộc đời đã khép” nhưng trò chuyện loanh quanh một hồi ông Thìn lại chuyển qua đề tài công việc. Ra tù, ông được một người bạn cho mượn một căn phòng ở tạm. Sáu năm qua, ông vẫn một mình ở căn hộ đi thuê ở Bình Thạnh (TP.HCM), vẫn đi làm từng ngày để kiếm tiền mưu sinh.
Cách đây hơn một năm, Liên Khui Thìn mở doanh nghiệp, lấy lại cái tên Epco một thời khiến cuộc đời ông suýt chịu án tử. Công ty tọa lạc tại tầng 18 ở tòa nhà có vị trí sầm uất nhất nhì thành phố.
Doanh nhân Liên Khui Thìn bây giờ - Ảnh: Trung Hiếu

“Tôi vẫn lấy tên Epco bởi cái tên đó không có tội. Thương hiệu này đã từng tạo cho 15.000 – 20.000 việc làm và mở đường xuất khẩu tới Mỹ, Úc… mà nhiều doanh nghiệp trong nước chưa vươn tới được. Không có lý do gì phải khai tử thương hiệu Epco”, ông Thìn lý giải việc giữ lại thương hiệu Epco.
Dù hai người là một nhưng doanh nhân Liên Khui Thìn bây giờ khác xa một Liên Khui Thìn trước đây. Ông Thìn trước đây ham làm giàu, lúc nào cũng hừng hực máu lửa, thích xông vào chỗ khó khăn thì bây giờ ông Thìn lại tự định hướng những tháng ngày còn lại của mình trong an lành, không muốn thành công hay thất bại.
Nếu như Epco ngày xưa tập trung mũi nhọn vào xuất khẩu thì Epco bây giờ kiếm tìm những đối tác quốc tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Liên Khui Thìn lý giải hội nhập sâu rộng, kinh tế Việt Nam càng cần vốn quốc tế và nông nghiệp chính là lĩnh vực hiểu biết nhất của ông từ trước tới nay. Cách đây hơn 20 năm, Epco do ông Thìn điều hành từng có doanh số xuất khẩu trên 100 triệu USD/năm và tiếp cận được những thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng cao như Mỹ, Úc…

Tôi vẫn lấy tên Epco bởi cái tên đó không có tội. Thương hiệu này đã từng tạo cho 15.000 – 20.000 việc làm và mở đường xuất khẩu tới Mỹ, Úc… mà nhiều doanh nghiệp trong nước chưa vươn tới được. Không có lý do gì phải khai tử thương hiệu Epco” – Liên Khui Thìn

Liên Khui Thìn

Xuất thân từ dân biển Khánh Hòa, ông Thìn khẳng định tôm và mực Việt Nam thuộc vào loại ngon nhất thế giới. Do đó, muốn đạt giá trị kinh tế cao, doanh nghiệp thủy sản phải chú ý cả bốn khâu: đánh bắt, bảo quản, tinh chế và xâm nhập thị trường, chứ không chỉ chú trọng xuất thô như hiện nay.
“Quy trình phải khép kín thì mới có được nhiều lợi nhuận. Doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu. Tôi thấy nhiều doanh nghiệp thủy sản vẫn xuất thô như cách đây hơn 20 năm chúng tôi đã làm. Thậm chí có những điểm còn thụt lùi vì tăng trưởng quá nóng dẫn đến ô nhiễm môi trường”, ông Thìn nói.
Dạy con quên quá khứ
Nhắc đến Tăng Minh Phụng, ông Thìn cho biết mối quan hệ của hai người thời điểm xảy ra vụ án cũng “bình thường thôi”. Ông Phụng kinh doanh lĩnh vực may mặc, còn ông Thìn làm ở lĩnh vực xuất khẩu.
“Tôi và Tăng Minh Phụng giống nhau là có cuộc sống đều đơn giản và chí thú làm ăn. Nhưng có những cái không tương đồng như khi anh Phụng chuyển hướng qua kinh doanh bất động sản còn tôi lại muốn anh Phụng chí thú với sản xuất hàng may mặc. Thứ nữa thời điểm đó mối quan hệ của Tăng Minh Phụng quá lớn trong khi tôi là người thiên về sống khép kín, không thích ồn ào”, ông Thìn kể.
Vốn là người hướng nội nên nhiều năm qua kể cả khi kinh doanh thành công nhất, ông Thìn không thích lê la ở các nhà hàng sang trọng, thậm chí còn “ghét cay ghét đắng” nhậu nhẹt. Do đó từ trước đến nay ông đều hạn chế đến nhà hàng, quán xá kể cả gặp gỡ đối tác quan trọng.
Thói quen sinh hoạt khi ở trong tù đã thành nếp nên bây giờ mỗi ngày ông Thìn dậy lúc 5 giờ sáng, làm vài động tác thể dục nhẹ nhàng, ăn sáng rồi xách cặp đi làm. Lịch trình và giờ giấc của ông đều đặn như chiếc đồng hồ.
Thời gian dồn cho công việc nên ông Thìn cũng ít gặp bạn tù mà chỉ lâu lâu gọi điện hỏi thăm một vài người. Ngược lại, bạn tù cũng ngại tới thăm bởi thấy ông làm việc ở nơi sầm uất, sang trọng quá. Nhưng bù lại hàng năm ông Thìn đều tổ chức gặp gỡ các bạn tù, giúp đỡ họ bằng cách trao “cần câu” xe bánh mì lưu động giúp đỡ mưu sinh.
Tôi hỏi sau khi ra tù có liên hệ với người vợ cũ từng là hoa hậu quý bà nổi tiếng không, thoáng một chút nghĩ ngợi ông Thìn bảo mọi chuyện giờ đã qua rồi. Điều quan tâm lớn nhất của ông bây giờ là người con trai đang học đại học ở Mỹ. Một thoáng hứng khởi, ông lấy điện thoại khoe hình chụp với con trai đợt ông sang Mỹ.
“Cháu đang học ngành tài chính ở Mỹ. Cháu ở với mẹ nên hai cha con cũng ít nói chuyện với nhau. Tôi dạy cháu quên hết mọi chuyện, chỉ tập trung học thật tốt để lo cho tương lai thôi”, ông Thìn trầm ngâm nói.
Liên Khui Thìn là một doanh nhân từng nổi tiếng trong vụ Epco – Minh Phụng. Ông từng là giám đốc, kiêm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Epco. 
Năm 1997, ông đã bị cơ quan chức năng bắt tạm giam trong vụ án Epco - Minh Phụng. Đây có thể coi là vụ án kinh tế có quy mô lớn nhất vào thời điểm đó và cả sau này. Ông Thìn cùng với Tăng Minh Phụng đã bị tuyên án tử hình. Sau đó ông Thìn được giảm án còn chung thân. Năm 2009, ông Thìn ra trại sau 12 năm ở tù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.