19 bị cáo có những thân phận khác nhau, có người làm tài xế, tạp vụ, thư ký, rửa xe, có người không hề biết Phạm Công Danh là ai nhưng vì vợ nhờ vả, cằn nhằn nên làm... Trong số đó, có 11 bị cáo từng phải hầu tòa cùng Phạm Công Danh ở giai đoạn 1, từng bị tuyên án, nay lại tiếp tục ra tòa lần thứ 2 cùng hành vi: đứng tên giám đốc cho các công ty do Danh thành lập để bị cáo này hợp thức hóa hồ sơ vay tín dụng tại 3 ngân hàng: BIDV, TPBank, Sacombank.
Bị cáo có biết gì đâu...
|
Trả lời câu hỏi của HĐXX, những bị cáo này nói rằng công việc chính của họ là đứng tên giùm, không biết công ty hoạt động gì, là công ty nhưng không có một nhân sự nào, giám đốc cũng không giữ con dấu. Có những bị cáo cũng không hiểu vì sao từ một bảo vệ mình được chọn làm giám đốc.
Bị cáo Nguyễn Hữu Duyên (52 tuổi, giai đoạn 1 bị tuyên 3 năm tù) đứng làm giám đốc Công ty Quang Đại từ cuối tháng 6.2012. Trước khi làm giám đốc, Duyên là nhân viên rửa xe tại Tập đoàn Thiên Thanh với mức lương 3,8 triệu đồng/tháng. Khi làm giám đốc, Duyên được nhận thêm 10 triệu đồng/tháng.
Tương tự là bị cáo Nguyễn Tấn Thành (52 tuổi, đứng tên giám đốc Công ty Thành Trí, giai đoạn 1 đã bị tuyên 3 năm tù, cho hưởng án treo). Với chất giọng đặc Quảng Ngãi, ông từng khiến những người dự tòa chạnh lòng khi trả lời các câu hỏi của HĐXX ở giai đoạn 1 của đại án VNCB.
Chủ tọa hỏi: “Hành vi của bị cáo trong cáo trạng nêu có sai câu nào không?”. Thành trả lời: “Dạ, không”. Chủ tọa: “Trước khi làm giám đốc Công ty Thành Trí, bị cáo làm gì?”. Thành: “Bị cáo giữ tài sản với giữ xe ở Quảng Ngãi”. Chủ tọa: “Địa chỉ công ty bị cáo làm ở đâu?”. Thành: “Không biết chỗ”. Chủ tọa: “Mình là người Quảng Ngãi, mình ở đâu phải biết chứ?”. Thành: “Cha mẹ mất thời 68 (năm 1968 - PV), hồi nhỏ học ít”. Chủ tọa: “Học ít sao vẫn được làm giám đốc mà vẫn làm?”. Thành: “Hồi đó ở quê khổ quá, sinh con không có tiền nuôi ăn học nên nhận làm để kiếm tiền nuôi con”. Chủ tọa: “Có khi nào ngồi tự suy nghĩ làm giám đốc dễ quá không. Mình chẳng học gì cũng được làm giám đốc?”. Bị cáo thật thà khai: “Cũng không suy nghĩ gì hết. Hồi đó khổ quá rồi”.
Ở giai đoạn 2 này, giọng bị cáo Thành yếu hẳn, nhưng nội dung trả lời HĐXX vẫn giữ nguyên như ở phiên tòa giai đoạn 1.
tin liên quan
Phạm Công Danh, Trầm Bê và những 'đại án' nghìn tỉ đồngVợ chồng cùng làm giám đốc, cùng đi hầu tòa...
Bị cáo Nguyễn An Vinh (45 tuổi, đứng tên giám đốc Công ty Nhất Nhất Vinh, giai đoạn 1 bị tuyên 3 năm tù, cho hưởng án treo) lại phải hầu tòa.
Vinh là dân nghệ thuật, làm phim 3D gần 20 năm, có năng khiếu và được giáo dục trong gia đình có truyền thống trong lĩnh vực này. Đời họa sĩ, nghệ sĩ cần nhiều thời gian để “phiêu”, thăng hoa cảm xúc sáng tác... nhưng giờ bị cáo mệt mỏi, căng thẳng, hầu tòa trong 3 năm liên tục.
Bị cáo Vinh trình bày trước HĐXX: “Tôi không biết, tôi hoàn toàn không biết, thậm chí không nắm được thông tin về công ty. Lúc vợ bảo tôi ký đứng tên, tôi không chịu nhưng vợ cứ cự và nhăn nhó, cơm canh chẳng lành, tôi đành ký. Lúc đó thấy Tập đoàn Thiên Thanh lớn mạnh, truyền thông đăng nhiều, tôi cũng tin tưởng”.
Vợ của bị cáo Vinh cũng là một bị cáo trong giai đoạn 1 - Bùi Thị Hà Thu (36 tuổi, đứng tên Giám đốc Công ty THHH MTV TMDV Đại Hoàng Phương và bị tuyên phạt 3 năm tù). Thu khai biết Danh là người cuồng công việc, rất tin tưởng Danh nên mới đồng ý đứng tên và thuyết phục thêm chồng đứng tên giúp. “Sau 6 tháng đầu tôi làm không lấy lương thì kế toán thông báo tôi được nhận 5 triệu đồng/tháng cho chức giám đốc, kiêm thư ký 4 triệu đồng, tổng thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Đến giờ tôi cũng không hận thù anh Danh, chỉ giận trong chốc lát vì sao anh quá tự tin để anh em khổ thế này”, Thu chia sẻ sau phiên tòa ở giai đoạn 1.
Không may mắn như cặp vợ chồng bị cáo Vinh - Thu khi chỉ Vinh phải ra tòa ở giai đoạn 2, cả hai vợ chồng bị cáo Nguyễn Quốc Thịnh (37 tuổi, Giám đốc Công ty Thịnh Quốc) và Hồ Thị Đi (32 tuổi, Giám đốc Công ty xây dựng Hương Việt, trú P.Trần Phú, TP.Quảng Ngãi), phải cùng hầu tòa lần 2. Ở giai đoạn 1, bị cáo Đi bị tuyên 3 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Thịnh 3 năm tù giam.
“Bị cáo nhận lời của anh Danh không phải vì tiền. Bị cáo thấy Tập đoàn Thiên Thanh lớn, đối xử tốt với nhân viên tất cả các bộ phận, lương không chậm 1 ngày. Bị cáo muốn ổn định và gắn bó lâu dài, nào có nghĩ sai trái, hệ lụy gì đâu”, Đi khai.
Nhưng giờ thì hệ lụy họ đã phải gánh chịu khi dính vào vòng lao lý, thậm chí phải cách ly gia đình, con cái, chưa kể còn đối mặt việc liên đới chịu trách nhiệm khoản tiền hàng trăm tỉ đồng…
Phạm Công Danh xin giảm nhẹ cho các giám đốc thuê
Qua gần 1 tuần xét xử vụ án giai đoạn 2 (bắt đầu từ ngày 8.1), 19 bị cáo là nhân viên gửi xe, tạp vụ, tài xế... đứng tên giám đốc cho các công ty của Danh đều khai không hề biết đã ký tên vay ngân hàng hàng trăm tỉ đồng. Số tiền vay được không biết đã được chuyển cho ai, các bị cáo cũng không được hưởng lợi gì. Tất cả các bị cáo đều đề nghị HĐXX xem xét vì khoản tiền vay quá lớn, các bị cáo không có tiền để liên đới chịu trách nhiệm bồi thường. Khi được thuê làm giám đốc, các bị cáo chỉ được trả lương từ 5 - 10 triệu đồng/tháng…
Khi HĐXX hỏi, bị cáo Phạm Công Danh cũng nói: "Những bị cáo này vì tin nên mới đứng tên giúp bị cáo chứ bị cáo không hề áp đặt để họ trục lợi gì từ việc này. Họ không hưởng lợi hay yêu cầu gì. Bị cáo không chối cãi gì cả. Mong HĐXX xem xét vì hoàn cảnh của họ hầu hết đều khó khăn”.
|
Bình luận (0)