Những người đồng hương... giấu mặt!

21/10/2006 23:40 GMT+7

Đài Loan hiện có 10.942 lao động Việt Nam đang làm "chui". Họ đi theo các hợp đồng xuất khẩu lao động (XKLĐ) và tự phá bỏ hợp đồng vì nghe lời đường mật của bè bạn xấu - cũng là người Việt Nam. Làm giàu nhanh chóng đâu không thấy, chỉ thấy tủi nhục, trốn chạy trong nỗi lo sợ thường trực 24/24 giờ. Đầu tháng 10/2006 vừa qua, chúng tôi có dịp sang Đài Loan. Ngay cả khi biết chúng tôi là đồng hương từ Việt Nam sang, họ cũng lánh mặt.

Nước mắt nhà tạm giam

Từ TP Đài Bắc, sau khoảng một giờ ô tô, chúng tôi đến trại Tam Hiệp nằm ở lưng chừng một triền đồi, xa khu dân cư. Đây là nơi giam giữ những lao động bất hợp pháp (BHP) người nước ngoài lớn nhất của cảnh sát Đài Loan. Ông phó trại cho biết, trong trại có 90 người VN (16 nam, 74 nữ), chiếm gần 2/3 tổng số lao động BHP các nước đang bị giam trong trại. Trong nỗi chán chường cùng cực, anh Nguyễn Anh H., quê Ba Vì - Hà Tây cho biết, anh đã bỏ việc ở một công ty dệt có trụ sở tại Chupei và bị cảnh sát bắt cách nay 3 tháng khi đang đi lang thang. Tương tự, anh Đỗ Văn T. quê Hải Dương nói, khi bị bắt vào trại anh đã phải dốc hết những đồng Đài tệ cuối cùng - tương đương gần 9 triệu đồng VN, để nộp phạt cho cảnh sát, cộng với án tạm giam... chưa biết bao giờ về.

Chị Lê Thị N., quê Nam Định, làm công việc chăm sóc một cụ già 82 tuổi và 3 đứa trẻ trong một gia đình có tổng cộng 9 người. Chị kể, chị phải thức khuya, dậy sớm, làm việc quần quật, mỗi ngày chỉ chợp mắt được khoảng 3-4 tiếng đồng hồ, nhưng vẫn không làm chủ vui lòng. Bà chủ thường xuyên chửi: "Mày gọi điện bảo công ty mày đưa mày về nước đi". Kiệt sức và bị đối xử thậm tệ, nên ngày mùng 3 Tết Bính Tuất chị bỏ trốn, 4 tháng sau thì bị bắt. Khốn khổ nhất là trường hợp của Phạm Thị Đ. Gặp chúng tôi, Đ. rưng rức khóc và khẩn cầu chúng tôi giúp cô một công việc... bất khả thi: "Các anh chị giúp đưa chúng em về Việt Nam. Ở đây nhục nhã lắm!".

Đ. sinh năm 1981, là chị cả của ba chị em một gia đình nông dân nghèo ở huyện Nương Tài - Bắc Ninh. Tháng 4/2003, Đ. được một công ty XKLĐ ở Hà Nội đưa sang Đài Loan giúp việc cho một gia đình ở Đài Bắc. Theo hợp đồng, mức lương tối thiểu của Đ. không dưới 15.840 Đài tệ (NT$) - mức lương tối thiểu của một lao động nước ngoài làm việc tại đây, tương đương hơn 7 triệu đồng VN. Nhưng cô bảo, thực tế không phải vậy: tháng đầu chủ chỉ trả 650 NT$, tháng kế tiếp được hơn 1.000 NT$. Đ. phản ứng thì "bị chủ chửi mắng, dùng tay cào vào cổ, 2 lần dùng thìa múc canh đánh vào đầu và đe dọa đuổi việc", Đ. nói. Sợ quá, Đ. bỏ việc đến Đài Trung... làm chui. Nhưng cuộc sống chui nhủi, luôn phải lánh mặt đồng hương, không biết bị bắt lúc nào không thể cứ kéo dài mãi, nên ngày 16/2/2006, Đ. ra đầu thú để mong có cơ hội trở về VN (vì hộ chiếu đã bị chủ giữ).

Sau khi Đ. bị tạm giam, cảnh sát Đài Loan đã liên hệ với chủ bảo lãnh cho cô về làm việc lại. Nhưng hai bên "cơm không lành, canh không ngọt", nên thay vì bảo lãnh cho Đ. ra trại, bà chủ của cô lại hô hoán, làm đơn tố giác với cảnh sát rằng Đ. ăn cắp của bà 120.000 NT$ (khi thì khai bị mất 180.000 NT$). Sau 7 lần thẩm vấn, không tìm ra chứng cứ buộc tội, ngày 17/6/2006, tòa án Đài Bắc tuyên án Đ. vô tội. Nhưng cái khổ vẫn chưa chịu buông cô gái quê nghèo Bắc Ninh. Biết được bản án này, chủ của Đ. làm đơn kháng án... Đ. tiếp tục bị tạm giam.

Lánh mặt đồng hương

Rong ruổi khắp xứ Đài, từ Đài Bắc vào Đài Trung đến tận Đài Nam..., ở đâu cũng có lao động VN sinh sống, làm việc BHP. Nhưng không dễ gì tiếp xúc với họ. Một cán bộ Công ty Forward chuyên đào tạo lao động VN để xuất sang thị trường Đài Loan cho chúng tôi biết, trên đỉnh ngọn Lư Sơn cao 3.800 mét so với mặt biển, thuộc TP Nam Đầu ở huyện Đài Trung hiện có khoảng vài trăm lao động VN đang làm "chui" cho nông trường Thanh Cảnh. Một buổi chiều tối, trên triền núi gần đỉnh ngọn Lư Sơn, chúng tôi đã tiếp xúc với một số nông dân bán trái cây tại một chợ đêm. Lao động VN vẫn hay phụ việc cho chủ ở chợ đêm này. Nhưng hôm đó tuyệt nhiên không tìm thấy bóng dáng của lao động VN. "Có lẽ họ biết các anh là người VN nên họ đã lánh mặt", một người của Công ty Forward nói.

So với những lao động VN làm chui ở các TP đồng bằng, nông trường Thanh Cảnh được coi là "sào huyệt" lớn nhất và an toàn nhất của lao động VN sống BHP tại Đài Loan, do cảnh sát rất ít khi lên đến đây. Trong một quán ăn gần hồ Nhật Nguyệt - một trong hai thắng cảnh nổi tiếng của Đài Loan, chúng tôi rất mừng khi gặp một nữ lao động VN đang giúp việc ở đây. Đồng nghiệp của chúng tôi làm quen: "Chào em, em làm gì ở đây?". Nghe tiếng Việt, cô gái giật mình, nhanh chân... lẩn vào trong sau khi xổ một tràng tiếng Hoa.

Gánh nặng chi phí oằn vai

Tác giả đang tiếp xúc với một lao động Việt Nam

Trừ số làm "chui", còn lại trên 60.000 lao động VN hiện đang làm việc trong các nhà máy, giúp việc nhà; chưa kể khoảng 80.000 cô dâu Việt Nam. Tiếp xúc với công nhân đang làm việc cho một công ty thuộc Tập đoàn NEG chuyên sản xuất màn hình TV và kính máy bay tại ký túc xá, chúng tôi được biết tại đây có 51 lao động VN. Môi trường làm việc tương đối tốt: phòng ngủ có máy lạnh, có phòng vi tính kết nối internet, có thể chat về nhà và chơi game... Theo anh Trần Ngọc Cần, quê ở Kiên Giang, công việc ở đây có nặng nhọc thật, nhưng bù lại thu nhập cũng kha khá, mỗi tháng khoảng 22.000 NT$ - tương đương 10,5 triệu VND. Nếu chịu "cày" thêm, có người đạt 30.000 - 35.000 NT$.

Lương cao, nhưng số tiền gửi về gia đình không nhiều, do có quá nhiều thứ chi phí. Anh Trần Đình Nhật, quê Thái Bình làm được 8 tháng, thu nhập 26.000 - 27.000 NT$/tháng, chỉ mới gửi về nhà được 50 triệu đồng. Trong khi khoản nợ mà gia đình anh phải thế chấp vay ngân hàng, "vay nóng" bên ngoài để lo cho chuyến đi này là 120 triệu đồng vẫn chưa trả hết. Trong buổi làm việc với đoàn nhà báo VN, ông Hoàng Như Lý - Trưởng văn phòng kinh tế - văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc nhận xét, so với lao động các nước đang làm việc tại Đài Loan thì người lao động VN có ưu điểm, cái gì cũng hơn người: thân thiện hơn, dễ hòa nhập hơn và quậy phá cũng... hơn bạn! Bằng chứng là số lao động VN bỏ trốn luôn chiếm ngang bằng hoặc nhiều hơn lao động bỏ trốn của 5 nước khác cộng lại.

Được biết, để có một chỗ làm tại xứ Đài, lao động VN phải chịu gần 10 loại chi phí, có thể kể ra đây như: phí quản lý (mỗi năm bằng một tháng lương cơ bản) phải trả cho doanh nghiệp VN, phí môi giới cho các công ty Đài Loan, phí quản lý cho phía Đài Loan, thuế thu nhập phải trả cho Đài Loan, tiền ký túc xá, tiền ăn, tiền điện... Ông Nguyễn Bá Hải - Trưởng ban quản lý lao động VN tại Đài Loan còn bổ sung thêm một loại phí mà lần đầu tiên chúng tôi mới nghe: phí an gia (chủ sử dụng lao động giữ lại một phần lương, thực chất là một loại tiền cọc để chống lao động bỏ trốn, sẽ trả lại cho người lao động sau khi hết hợp đồng). Sau khi trừ các loại chi phí, thu nhập của lao động VN tại Đài Loan mất gần một nửa. Bỏ trốn ra ngoài làm "chui" chính là để thoát khỏi các khoản chi phí này, với mong muốn sớm có tiền trả nợ và... làm giàu. Rất nhiều lao động VN tại xứ Đài vẫn nghĩ vậy.

"Có thể nào các ông bà chủ xứ Đài tuyển lao động trực tiếp mà không qua các công ty môi giới"? Câu trả lời, theo ông Nguyễn Bá Hải là "Có". Cụ thể đã có khoảng 3 công ty của Đài Loan, trong đó có Công ty Nam Á chuyên sản xuất mạch điện tử của Tập đoàn Formosa đã từng qua VN trực tiếp tuyển 600 - 700 lao động với mức lương đút túi mỗi lao động là 700 - 800 USD/tháng, mà không cần phải qua các công ty môi giới, chi phí rất thấp. Tuy nhiên, ông Hải cũng cho rằng "chi phí môi giới" mà lao động VN đang oằn vai gánh chịu là một thực tế bất cập chưa thể hóa giải ngay được, dù phía VN đang rất cố gắng.

Trên đường từ trại tạm giam Tam Hiệp về Đài Bắc, anh H. - một cán bộ có thâm niên 7 năm làm công tác đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu còn bổ sung thêm một loại phí khác mà chúng tôi tạm gọi là... phí làng xã. Anh H. kể, nhiều lao động than khi đi chứng các loại giấy tờ liên quan để bổ sung cho hồ sơ xin đi XKLĐ, họ buộc phải chung chi cho các quan ấp một mớ, quan xã một mớ; lên huyện, lên tỉnh lại phải chung chi cho quan huyện, quan tỉnh một mớ nữa. Đó cũng là nguyên nhân góp phần làm gia tăng số lao động VN bỏ trốn tại Đài Loan. Nhưng luật pháp không có chỗ cho sự "cảm thông". Theo quy định của phía Đài Loan, lao động nước ngoài bỏ trốn bị bắt sẽ bị tạm giam, bị phạt 18.000 NT$; người sử dụng lao động BHP sẽ bị phạt một khoản tương đương 20.000 USD. Mới đây, Chính phủ VN cũng ra quy định: lao động VN ở nước ngoài bỏ trốn, bị trục xuất về nước sẽ phải chịu xử phạt hành chính từ 5-50 triệu đồng, hoặc nếu nghiêm trọng sẽ bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.

Miếng cơm ở xứ người không phải lúc nào cũng thơm ngọt!

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.