‘Niềm tin giữa bệnh nhân và bác sĩ đang bị lung lay’

27/02/2016 19:30 GMT+7

Sau bài chia sẻ Ngày Thầy thuốc buồn , TS.BS Võ Xuân Sơn (công tác tại Phòng khám quốc tế Exson, TP.HCM) đã trao đổi với Thanh Niên về về vấn đề minh bạch hóa thông tin trong ngành y để bệnh nhân và thân nhân có thể hiểu nhau và chia sẻ với y bác sĩ, bệnh viện.

Sau bài chia sẻ Ngày Thầy thuốc buồn, TS.BS Võ Xuân Sơn (công tác tại Phòng khám quốc tế Exson, TP.HCM) đã trao đổi với Thanh Niên về về vấn đề minh bạch hóa thông tin trong ngành y để bệnh nhân và thân nhân có thể hiểu nhau và chia sẻ với y bác sĩ, bệnh viện.

TS. BS Võ Xuân Sơn - Ảnh: Vũ PhượngTS. BS Võ Xuân Sơn - Ảnh: Vũ Phượng
Thưa bác sĩ, vấn đề giải đáp, minh bạch hóa thông tin trong ngành y hiện nay đang diễn ra như thế nào?
TS.BS Võ Xuân Sơn: Vấn đề trước hết tôi muốn nhắc đến là niềm tin với nhau. Ngày nay niềm tin của bệnh nhân vào bác sĩ rất lung lay và niềm tin của bác sĩ vào bệnh nhân cũng vậy. Ngay bản thân tôi, nhiều lúc gặp những bệnh nhân dữ tợn, nói năng hùng hổ, đòi hỏi rất nhiều mà mình không thể nào đáp ứng được.
Như trường hợp của nạn nhân Dương Châu Toàn, người nhà muốn phải nói cho được nguyên nhân của việc tử vong là điều không làm được. Ngay cả bây giờ mổ tử thi cũng chưa chắc đã trả lời được chuyện này. Có những cái ngành y của nước mình cũng như thế giới chưa đạt đến mức hiểu hết về con người.
Nói tóm lại, những bệnh nhân không đặt niềm tin vào ngành y là một bộ phận nhỏ nhưng lại mạnh mẽ phát ngôn làm cho khoảng cách giữa bệnh nhân và thầy thuốc ngày càng xa hơn.
Nói về minh bạch hóa thông tin, nhiều khi thầy thuốc không thông tin đến bệnh nhân cũng vì nhiều vấn đề. Thứ nhất, nhiều khi bệnh nhân chưa hiểu hết được vấn đề mà bác sĩ lại cung cấp hết thông tin sẽ làm họ hoang mang. Thứ hai là những quy trình trong ngành y chưa đạt được mức chuẩn. Hơn nữa những bệnh viện nhà nước nhiều bệnh nhân ngồi đợi khám chung trong một phòng thì không thể nào mà bác sĩ có thể cung cấp hết thông tin về bệnh, vì có những điều rất riêng tư và tế nhị.
Trở lại chuyện của Toàn, bệnh viện không biết nên trả lời là không biết thì người nhà không tin và cho rằng bệnh viện che giấu thông tin. Trường hợp này nên dùng từ “chưa rõ nguyên nhân”, và trong y khoa chấp nhận được điều này.
Vậy theo BS Sơn, điều gì làm đã cho người thầy thuốc mất niềm tin vào bệnh nhân?
TS.BS Võ Xuân Sơn: Có một số bệnh nhân rất là cắc cớ. Ví dụ như trường hợp của tôi, trước khi bệnh nhân mổ tôi có giải thích rất rõ rằng sau khi mổ tình trạng bệnh sẽ tiến triển ra sao, có những biểu hiện thế nào. Tôi cũng có ghi âm và có giấy tờ. Bệnh nhân đồng ý mổ. Thế nhưng, sau khi mổ, tình trạng xấu nên bệnh nhân đi kiện và phủ nhận tất cả những gì tôi trao đổi trước khi mổ.
Theo BS, bệnh viện nên làm gì để mối quan hệ giữa bệnh nhân và ngành y sẽ rõ ràng hơn?
TS.BS Võ Xuân Sơn: Điều người bệnh cần thấy ở bệnh viện đó là sự quan tâm và trách nhiệm. Vì vậy bệnh viện nên chứng tỏ cho bệnh nhân thấy rằng mình đã dùng khả năng để điều trị. Khi đó bệnh nhân hiểu được vấn đề và cảm thông với bệnh viện.
Các bệnh viện cũng nên bạch hóa trong quá trình bệnh nhân nằm viện điều trị chứ không phải đến khi xảy ra sai sót mới bạch hóa.
Trở lại trường hợp của Toàn, khi có biến chứng bệnh viện miễn phí toàn bộ chi phí điều trị làm cho người nhà nghĩ rằng bệnh viện có lỗi nên mới phải miễn phí như một cách để chặn thông tin. Nhưng thực ra đó là cách bệnh viện chia sẻ với người nhà bệnh nhân. Vậy nên cũng cần xem xét và chia sẻ ở mức độ nào.
Cảm ơn TS.BS Sơn về cuộc trao đổi. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.