Nước mắt của vàng

04/05/2005 21:31 GMT+7

Đại gia" Đồng Phó Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, ở cái thị tứ Đồng Phó thuộc xã Tây Giang, chẳng ai lại không biết tiếng "Hai Mùi phân kim". Thậm chí giới đào đãi vàng ở khắp các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên còn biết. Thời hoàng kim của Hai Mùi, trong nhà bao giờ cũng có hàng chục bao sái vàng (quặng vàng sau khi đã đãi lần 1), mà toàn là sái gốc. Nhà Hai Mùi khi ấy hằng ngày thuê trên dưới chục người đập đá, xay đá, đãi vàng.

Hai Mùi tên thật là Nguyễn Đình Mùi, năm nay 51 tuổi. Năm 1986, khi phát hiện Bình Giang (nay được chia thành Tây Giang và Tây Thuận) có vàng, người dân Tây Giang đã đổ xô đến đó. Hai Mùi tự học cách đào đãi, kỹ thuật phân kim rồi đi mua sái từ các bãi vàng về đãi và phân kim. Gặp thời, ông mua đâu cũng trúng vàng, lắm khi trúng cả nửa ký hoặc 70-80 chỉ vàng. Thời đấy Hai Mùi đã dám vung 6 cây vàng tậu một con Vespa đỏ chói của Ý, đúc nhà mê đầu tiên ở Đồng Phó, trong nhà không thiếu tiện nghi đắt tiền nào... Sau đó, việc làm ăn đi xuống. Hai Mùi mua mấy tấn sái, trị giá mấy chục cây vàng về đãi chẳng ra tí vàng nào. Nợ nần bắt đầu chồng chất. Căn nhà phải bán rẻ lại cho người ta và đi thuê nhà ở. Năm 1996, trong một lần đi mua sái ở Quảng Nam, người vợ đã vơ vét, bán tống bán tháo tất cả tài sản, tìm đường ra bãi vàng để có cuộc sống sung sướng hơn. Hai Mùi trở thành tay trắng, khố rách áo ôm...

Tây Giang là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tây Sơn nhưng hiện có đến 17 người hút, hít heroin - nhiều nhất tỉnh Bình Định. Hơn hai phần ba số ấy lại chuyên đi đào đãi vàng...

Đấy là chuyện của gần 20 năm trước. Còn hiện tại, hôm tôi đến nhà, ông đang say giấc trên chiếc võng rách. Thấy khách vào, ông Mùi mới ra đằng sau rửa mặt, mặc quần áo tử tế. Căn nhà xây bằng gạch mộc, cửa không ra cửa mà chỉ là mấy tấm gỗ ghép tạm bợ. Nhà chẳng có gì đáng giá, giữa nhà là chiếc ti vi từ đời cổ lai hy, hình lòe nhòe. Anh Trương Công Khoa - công an xã - đi cùng tôi giới thiệu: "Xã thấy ông ấy hoàn cảnh tội nghiệp, không ruộng vườn, nhà cửa gì cả nên cấp cho miếng đất, rồi hỗ trợ xây nhà". Hiện ông sống bằng nghề đi đánh lươn, chặt củi. Đứa con gái đầu 19 tuổi nghỉ học từ lâu, đi bán hàng thuê cho cô ruột. Hai đứa nhỏ còn đi học, một lớp 10, một lớp 8.

Nước mắt của vàng

Ở Tây Giang không ít nhà phất lên nhờ vàng. Và cũng không ít gia đình tan nát vì vàng. Gần chục năm nay anh Võ Đình Minh, ở xóm 4 thôn Thượng Giang,  đã phải "gà trống nuôi con" từ khi vợ đi theo tiếng gọi của vàng. Cháu Võ Thị Tú Trinh, đang học lớp 10, nói về mẹ mình như một người xa lạ: "Mẹ ư, cháu sợ mẹ lắm. Từ lâu cháu không còn nhớ đến mẹ nữa vì mẹ đã bỏ bốn anh em cháu khi cháu mới học lớp 2, em cháu mới 2 tuổi. Khi ba ra bãi vàng, mẹ cũng bỏ anh em cháu ra bãi cả năm trời. Khi trở về, mẹ đã có chửa với người khác, đẻ xong mẹ lại đi ngay. Bây giờ, thi thoảng mẹ có đi ngang qua nhà nhưng không dám vào...". Hiện anh Minh cùng hai đứa con lớn phải làm thuê, làm mướn nuôi hai con nhỏ đi học.

Một lò xay sái vàng ở Tây Giang

Theo chân ông Cầu - Trưởng thôn Tả Giang, chúng tôi đến nhà bà Phạm Thị Xuân, người chuyên buôn bán ở các bãi đào đãi vàng, qua tận Lào và Campuchia. Ba đứa con của ba người đàn ông khác của bà Xuân chưa bao giờ biết mặt cha. Sinh con được mấy tháng, bà ta vứt đấy cho ông bà ngoại và người em nuôi dưỡng. Chị Dung, em của bà Xuân nói: "Chị ấy đi suốt, có khi hai, ba năm mới về nhà một lần. Có mẹ cũng như không. Con bé Hiền năm nay 14 tuổi mà mới học lớp 5 vì khai sinh chậm bởi tui đâu có biết cha nó là ai".

Ông Tạ Công Tâm - Chủ tịch UBND xã Tây Giang, Tây Sơn cho biết: "Hồi mới phát hiện ra vàng ở Bình Giang (1986) cả xã đều đổ xô đi đãi vàng. Sau đó bãi vàng này bị cấm khai thác vào đầu những năm 1990, người dân ở đây đã đi khắp các nơi tìm vàng, đãi vàng. Từ các bãi An Trung (An Khê), Trị An (Đồng Nai), Sông Hinh (Phú Yên) đến các bãi vùng giáp ranh biên giới Lào, Campuchia... Gần chục gia đình, chủ yếu ở Thượng Giang, rơi vào cảnh vợ bỏ chồng con tìm đường đến bãi vàng. Còn lại đa phần là đàn ông đi đào đãi vàng ở các bãi xa, vài ba tháng về nhà một lần. Họ đi đào đãi vàng hoặc mua sái về nhà làm. Hiện nay tình trạng này giảm nhiều so với trước kia vì các bãi vàng đều bị cấm khai thác cả rồi". Bà Bùi Thị Mỹ Bảy, vợ ông Trần Kỳ ở thôn Thượng Giang, từng gia nhập đội quân đãi vàng ở Phước Sơn, Quảng Nam cho biết: "Năm 1996, hai vợ chồng tui bỏ bốn đứa con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 2 tuổi cho bà nội giữ rồi ra bãi vàng Khô Một ở Phước Sơn, Quảng Nam làm thuê. Có một cái trại cho mọi người vào trong đó làm. Đàn em của ông trùm mắc võng ngồi coi chừng, con ruồi bay qua cũng biết chứ đừng nói chuyện gian lận với họ. Được 2 năm tui về, để ổng ở lại...".

Nỗi ám ảnh về "cái chết trắng"

Ngôi nhà cũ của "đại gia" Đồng Phó

"Ma lực của vàng gớm lắm. Đã ra đến đó thì chẳng còn ai nhớ đến gì nữa cả, biết chết nhưng vẫn cam tâm lăn vào", anh Trương Công Khoa - trước đây cũng lặn lội đi đãi vàng khắp miền Trung - rùng mình nhớ lại. Năm 1998, anh Khoa quyết định "rửa tay gác kiếm". Cách đây một năm, anh Khoa ra bãi Khô Một để kéo mẹ vợ và em vợ trở về. Đêm đó, dân nghiện bước vào kề dao cứa cổ, trấn lột  hai mẹ con 18 cây vàng, bản thân anh Khoa bị "lột" 1 triệu. Đôi vợ chồng ở cùng xã dùng dằng không đưa đã bị một nhát dao ngay cổ nhưng may không chết. Trong chuyến đi ấy anh gặp lại vợ của Hai Mùi, đang sống với một ông trùm. "Đứng nói chuyện với chị ấy mà tui run quá chừng bởi đằng sau có 7-8 đầu gấu, đứa nào cũng đằng đằng sát khí...", anh Khoa kể.

Nguyễn Thái Long, Bùi Quốc Hùng là hai trong số những người đào đãi vàng hiện bị địa phương quản thúc vì dính dáng đến ma túy, kể: "Ở đó bọn tổ chức buôn bán ma túy ép buộc các chủ bưởng phải mua. Chủ bưởng mua rồi ép những công nhân làm thuê như chúng tôi mua. Phần khác vì tò mò, muốn chơi thử cho biết mùi". Biết người cùng quê có dính đến ma túy ở bãi vàng, năm 2003, Tạ Thị Nhân (ở thôn Tả Giang, buôn bán ở bãi vàng Quảng Nam) bắt đầu đem heroin về địa phương bán cho những người có nhu cầu. Tệ hại hơn, thị còn lôi kéo con trai mình là Tạ Thái Hạ vào cuộc, cung cấp thuốc cho các con nghiện trong xã.

oOo

Rời Tây Giang, tôi hỏi ông Mùi: "Liệu chú có tha thứ cho vợ không?" - "Không đời nào. Mà nghe mấy người ở Tả Giang về nói nó (vợ ông) giờ bị cho ra rìa rồi. Xơ xác, tàn tạ lắm, già rồi mà". Còn ông Mai Văn Thái ở Thượng Giang, trước cũng "chinh chiến" ở các bãi vàng ngậm ngùi: "Đi đãi vàng, có tiền đấy nhưng rồi cũng "vào lỗ hà ra lỗ hổng" cả thôi. Ngày trở về, cầm lại cái cày, cái cuốc sao mà khó quá. Giờ  cho vàng bảo tôi đi tôi cũng chả ham".

Nhưng vàng có ma lực của nó. Cơn sốt vàng ở Tây Giang đã qua từ lâu nhưng vẫn còn âm ỉ. Một số người dân ở Tây Giang vẫn đi đào đãi vàng ở các bãi khác. Tôi tự hỏi, rồi đây, khi hết thời hạn quản lý của chính quyền địa phương, những người đã dính đến ma túy, nếu tiếp tục đi tìm giấc mơ vàng thì liệu họ có thoát khỏi vòng vây của "cái chết thì liệu trắng"?

Hoàng Lan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.