Nước Việt Nam ta nhỏ hay không nhỏ ?

29/03/2006 23:47 GMT+7

Đau xót thay một nước Việt Nam được cả thế giới nể phục trong chiến tranh, ngày nay bị xếp vào hàng những nước có nạn tham nhũng trầm trọng nhất thế giới. Đau xót thay, chúng ta có những đội tuyển Toán, Tin học, Robot làm nức lòng nhân dân nhưng chúng ta vẫn không có lấy một trường đại học đẳng cấp được quốc tế thừa nhận. Nhìn khoảng cách so sánh giữa Việt Nam và các nước Đông Nam Á mà báo chí đã đăng, chúng ta không xót xa sao được. (Hoàng Văn Quân - Khoa Công nghệ thông tin Đại học Bách khoa TP.HCM - P.401 nhà A4 ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM)

Thiếu tinh thần quốc gia

Vì sao một đất nước với nguồn tài nguyên nông sản và khoáng sản phong phú, có than đá, có dầu hỏa, có nhiều công trình thủy điện lại phải mua điện, phải nhập xăng dầu...? Vì sao một dân tộc nổi tiếng về thông minh, sáng tạo, cần cù lại có thể hài lòng với vai trò "những người làm thuê số 1" mà không có những ông chủ lớn, những nhà tỉ phú được tạp chí Forbes xếp hạng? Đó là vì khi đã giành được độc lập tự do, tự chủ cho đất nước, chúng ta thiếu hẳn một khát vọng, thiếu một tinh thần quốc gia vì dân giàu nước mạnh,  bằng lòng với cuộc sống hiện tại, tự ru ngủ mình rằng đã qua rồi những năm tháng thiếu ăn, thiếu mặc...

Nguyễn Mạnh Từ (manhtu_ngsg@yahoo.com)

Nghĩ đến những vấn đề thực chất

Là một thanh niên thế hệ 8X, tôi cho rằng trách nhiệm của tuổi trẻ chúng ta chính là chúng ta tự ý thức lấy chính chúng ta mà thôi. Chúng ta không thể trông chờ vào một điều kỳ diệu nào cả, càng không thể trông chờ vào nước ngoài. Vì thực tế cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế của chúng ta như hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu sản phẩm thô, gia công cho nước ngoài dựa trên thế mạnh của giá nhân công rẻ... chúng ta sản xuất hàng hóa, xong hàng hóa ấy nhân dân ta không được tiêu thụ (vì thu nhập còn thấp quá), hàng hóa ấy không được mang nhãn mác Việt Nam (gia công cho nước ngoài). Mỗi người trẻ của chúng ta hãy nghĩ đến những vấn đề thực chất, chúng ta không thể chạy theo cái bóng của nước ngoài, chúng ta học tập họ và chúng ta sẽ vẫn là chúng ta. Được như vậy chúng ta mới nâng cao vị trí của mình

Nguyen Trong Hue (huetrongnguyen@yahoo.com)

Thiếu niềm tự hào dân tộc sẽ biến thành tự ti

Rất nhiều người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn trở về quê hương để làm những việc có lợi chung cho cả đất nước, nhưng với môi trường hiện tại trong nước, muốn thành công được thì phải biết thỏa hiệp trong một nhóm lợi ích tư nào đó. Chính những điều này đã tạo nên những hình thức đặc quyền dẫn đến không công bằng làm chia rẽ sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Muốn chấn hưng đất nước, việc đầu tiên phải làm là đoàn kết cả nước để tạo thành một sức mạnh khổng lồ bằng chính niềm tự hào dân tộc. Thiếu niềm tự hào dân tộc sẽ làm cho người dân trở thành tự ti, dễ dàng thỏa hiệp để đảm bảo lợi ích riêng của mình. Chính những động cơ tư lợi này mang tai họa đến cho đất nước. 

Vy Tran - California (vy_tran2001@yahoo.com)

Thượng sách phát triển đất nước

Một nước mạnh trước hết phải tự cường. Tự cường khẳng định sự tự tôn và sức mạnh quật khởi của một dân tộc. Cái VN cần là phải thay đổi tư duy, xác định tầm nhìn, mục tiêu ngắn và dài hạn. Khả năng VN sẽ trở thành một nước lớn, có vị thế là rất lớn nếu VN chủ động hội nhập, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức. Trong làm ăn hợp tác với các nước phải chủ động nắm bắt thời cơ. Đừng thấy cái lợi trước mắt mà quên cái hại lâu dài. Chớ thấy cái hại trước mắt mà lo sợ, không dám hội nhập. VN phải hành động linh hoạt, chủ động, nắm vững tình hình, biến cái lợi thành thời cơ, biến thách thức thành cơ hội. Ấy là thượng sách phát triển đất nước.

Đỗ văn Ảnh (5/23 Đinh Tiên Hoàng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM)

Dám nhìn thẳng sự thật

Chúng ta nên quan tâm xem xét đến tương lai của chúng ta chứ không chỉ tự hào, hãnh diện hoặc ngại, xấu hổ khi nói về quá khứ và tình trạng hiện tại. Chúng ta chỉ có thể tự hào về quá khứ chứ không thể sống và phát triển bằng quá khứ. Chưa nói đến chuyện dù quá khứ đó có như thế nào đi chăng nữa cũng chỉ là một giai đoạn trong lịch sử của dân tộc ta. Vấn đề sẽ rõ ràng và công bằng khi nhìn lại toàn bộ lịch sử của dân tộc. VN sẽ như thế nào, nhỏ hay lớn phụ thuộc chủ yếu vào thái độ dám nhìn thẳng vào sự thật, biết rõ khả năng, vị trí hiện nay và quyết tâm vươn lên mạnh mẽ của chúng ta từ việc ý thức rõ về một quốc gia nhược tiểu. Chính quyết tâm này và lòng yêu nước sẽ chỉ cho chúng ta cách vượt qua khó khăn, thử thách.

didaudo (nguyenquitan@yahoo.com)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.