Nuôi đuông dừa quá nguy hại

21/08/2015 05:30 GMT+7

Việc cấm nuôi, phát tán đuông dừa là cần thiết bởi loài này rất nguy hại, có thể ảnh hưởng xấu trên diện rộng đối với ngành nông nghiệp.

Việc cấm nuôi, phát tán đuông dừa là cần thiết bởi loài này rất nguy hại, có thể ảnh hưởng xấu trên diện rộng đối với ngành nông nghiệp.

Nuôi đuông dừa có thể gây hại trên diện rộng - Ảnh: Công Hân
Nuôi đuông dừa có thể gây hại trên diện rộng - Ảnh: Công Hân
UBND tỉnh Bến Tre vừa có chỉ thị nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa; giao cho Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành và địa phương tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của đuông dừa; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời những nơi vi phạm.
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, lý giải: Đuông dừa là một trong những loài côn trùng gây hại phổ biến và khó phòng trừ trên các vườn dừa. Gần đây, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện một số hộ tự phát nhân, nuôi đuông dừa với mục đích kinh doanh, vì đuông dừa là món ăn đặc sản trong các nhà hàng, quán ăn. “Việc làm này chỉ đem lại lợi ích cho những hộ nhân, nuôi nhưng tiềm ẩn một nguy cơ gây thiệt hại lớn đến nguồn thu nhập chính của đại đa số những hộ trồng dừa và ảnh hưởng đến việc giữ vững, phát triển diện tích dừa của tỉnh trong thời gian tới. Đây là một việc làm rất nguy hiểm, cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời, tránh làm lây lan gây hại cho vườn dừa”, bà Nguyệt nói.
Cây dừa bị đuông tấn công sẽ chết hẳn, làm giảm mật độ cây trong vườn, giảm sản lượng rất lớn và một thiệt hại lớn hơn là phải tốn một thời gian khá lâu để khắc phục lại vườn dừa. Bà Nguyệt nhấn mạnh: “Nguy hiểm là trong quá trình người dân tự ý nhân, nuôi, thành đuông dừa có khả năng thoát ra ngoài và phát tán lây lan, hậu quả không thể nào lường hết được”.
Trên thực tế, luật Bảo vệ kiểm dịch thực vật năm 2013 cũng không cho phép phát triển đuông dừa. Từ năm 2013, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã có văn bản lưu ý về việc nghiêm cấm việc nhân nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức.
Đuông dừa (Rhynchophorus ferrugineus Olivier) thuộc họ vòi voi (Curculionnidae), bộ cánh cứng (Coleoptera) phân bố rất rộng trên thế giới. Tại châu Á, chúng xuất hiện, gây hại hầu hết các nước.
Vòng đời con đuông trải qua 4 giai đoạn: Con trưởng thành (còn gọi là thành trùng) đẻ trứng, trứng nở ra ấu trùng, ấu trùng hóa nhộng, nhộng hóa thành trùng. Người nuôi chỉ quan tâm đến giai đoạn bán ấu trùng, không thể kiểm soát được thành trùng đã có cánh để bay.
Thành trùng và ấu trùng đều có thể gây hại trên dừa, nhưng tác hại chính là do ấu trùng gây ra. Thành trùng đẻ trứng vào vết thương trên thân dừa, trứng nở ra ấu trùng và ăn đỉnh sinh trưởng (củ hủ dừa), xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân phần còn non, khiến cây dừa chết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.