Sau khi Thanh Niên phản ánh tình trạng lún trên đường cao tốc đầu tiên của VN, nhà thầu đã tiến hành bù lún nhiều vị trí. Tuy nhiên, theo ghi nhận mới nhất của chúng tôi, mặt đường hiện đã xuất hiện hàng loạt ổ gà cùng với nhiều vị trí tiếp tục lún thấy rõ.
Càng vá, càng nát
Chạy trên đường cao tốc hướng từ TP.HCM về Tiền Giang có thể nhận thấy nhiều đoạn đã được nhà thầu bù lún, tuy nhiên phần bù lún nhô cao hơn hẳn mặt đường nên gây dằn xóc liên tục cho xe lưu thông. Tình trạng nguy hiểm hơn là từ Km 17 bắt đầu xuất hiện các ổ gà chạy dọc tuyến, chủ yếu nằm trên làn đường bên phải (sát làn dừng khẩn cấp). Ổ gà tiếp tục xuất hiện ở các Km 21, 23 và từ Km 24 trở đi thì ổ gà nằm dày đặc, san sát nhau khiến xe cộ chẳng biết né đằng nào.
Không nghiệm thu nếu không đạt chuẩn |
Đó là khẳng định của GS-TS Vũ Đình Phụng - Tổ trưởng tổ nghiệm thu dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thuộc Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng), khi trả lời Thanh Niên về tình trạng lún và ổ gà trên đường cao tốc. Dự kiến cuối tháng 10, tổ nghiệm thu sẽ tiến hành kiểm tra chất lượng toàn bộ dự án để quyết định có nghiệm thu hay không. Theo ông Phụng, quan điểm của cơ quan chức năng là chỉ nghiệm thu đối với công trình đạt chất lượng, hạng mục nào hư hỏng sẽ yêu cầu nhà thầu tự bỏ chi phí để làm lại. “Đây là đường cao tốc đầu tiên của VN nên Hội đồng nghiệm thu sẽ làm rất thận trọng, không nhân nhượng đối với các việc làm sai trái” - ông Phụng khẳng định. |
Tại Km 26 và 27, bên cạnh nhiều ổ gà đã được vá víu bằng các lớp bê tông đắp nổi lên nhau, đã bắt đầu xuất hiện các ổ gà mới nằm ven các lớp vá. Đến Km 28 và 29 thì trọn làn đường bên phải gần như nát bét bởi ổ gà, mới cũ lồng lên nhau tạo thành từng vệt dài chằng chịt.
Đến cuối đường cao tốc, ở Km 48 và 49, xuất hiện các vết nứt và xước kéo dài khiến xe liên tục nảy lên. Phần đường hướng từ Tiền Giang về TP.HCM cũng chi chít ổ gà, với nhiều ổ gà rộng hoác, đọng đầy nước, một số đoạn bị lún võng hẳn xuống...
Các vệt bù lún cao hơn hẳn mặt đường khiến xe nẩy lên khi vượt qua sau đó rơi xuống mặt đường trở lại khiến lực tác động lên mặt đường tăng gấp nhiều lần so với tải trọng của xe là một trong các nguyên nhân khiến mặt đường nhanh chóng xuống cấp. Ngoài ra, có thể lớp bề mặt đã được lu lèn không chặt và đều làm xuất hiện các lỗ nhỏ, thấm nước, dần dần vỡ rộng ra do tác động của xe lưu thông. Nếu nhà thầu cứ tiếp tục bù lún và vá ổ gà bằng cách đắp bê tông nổi cao hơn mặt đường hiện hữu thì tình trạng này sẽ càng tệ thêm.
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương dày đặc ổ gà gây nguy hiểm cho xe chạy tốc độ cao - Ảnh: P.Thanh |
Điều đáng nói là do không có cảnh báo từ xa nên hầu hết xe đang chạy nhanh không kịp nhận thấy ổ gà, xe nảy chồm lên rất nguy hiểm. Về nguyên tắc, đơn vị quản lý phải đặt biển cảnh báo nguy hiểm trước các vị trí có ổ gà ít nhất 500m để tài xế có thể kiểm soát tay lái. Việc đường cao tốc xuất hiện chi chít ổ gà mà không gắn biển cảnh báo khiến nguy cơ tai nạn rất cao.
Băn khoăn về chất lượng công trình
Đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương thông xe từ tháng 2.2010 với mặt đường phẳng đẹp như mơ nhưng chỉ 2 tháng sau đã phát hiện lún và 8 tháng sau xuất hiện chi chít ổ gà. Nếu con đường đưa vào sử dụng cả chục năm là chuyện khác, nhưng chỉ mới vài tháng đã xuống cấp kiểu này thì nhiều khả năng có vấn đề về chất lượng công trình.
Một chuyên gia về kết cấu mặt đường cũng cho rằng hiện tượng ổ gà trên đường cao tốc chỉ có thể lý giải bởi 2 lý do: Một là nhà thầu xử lý lún không tốt khiến lớp đất nền bên dưới lún không đều đã nhanh chóng kéo theo hư hỏng bề mặt bên trên. Nguyên nhân thứ 2, theo chuyên gia này, nằm ở lớp tạo nhám Novachip. Đây là một công nghệ rất tốt, được cấu tạo bởi lớp nhũ tương có tính bám dính đặc biệt Novabond và bên trên là cấp phối bê tông không liên tục (gồm các loại hạt đá giống nhau). Tuy nhiên, nếu cấp phối bê tông không chuẩn cũng có thể dẫn đến sự bám dính không tốt với lớp Novabond, dễ gây bong tróc mặt đường và hình thành các ổ gà như hiện nay.
Vị chuyên gia này cho rằng, cần cân nhắc việc nghiệm thu đối với đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Bởi thực tế cho thấy, hiện con đường này đã không còn đảm bảo chỉ số gồ ghề quốc tế IRI (International Roughness Index). Đây là một trong những tiêu chí rất quan trọng trong công tác nghiệm thu, giúp đánh giá độ bằng phẳng của mặt đường cao tốc bằng cách tính toán độ xóc của xe, mặt đường càng mấp mô thì IRI càng lớn. Hơn nữa, trong trường hợp vội vã nghiệm thu công trình không đảm bảo chất lượng thì về sau ngân sách sẽ phải è cổ để bù lún và sửa chữa con đường.
Phương Thanh
Bình luận (0)