Ông Nguyễn Thành Phong tiếp người dân tố cáo liên quan Khu công nghệ cao

Trung Hiếu
Trung Hiếu
01/08/2019 17:18 GMT+7

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tiếp người dân Q.9 khiếu nại, tố cáo liên quan dự án Khu công nghệ cao, với mong muốn sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ở dự án này.

Chiều 1.8, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong có buổi tiếp công dân Q.9 khiếu nại, tố cáo liên quan đến dự án Khu công nghệ cao.

Buổi tiếp diễn ra tại UBND P.Tăng Nhơn Phú A nằm trên đường Lê Văn Việt (Q.9). An ninh khu vực UBND phường được thắt chặt. Người dân khi đến UBND phường phải xuất trình giấy tờ, thư mời, nếu đúng thành phần mới được vào. Báo chí không được tham dự buổi tiếp dân.

Theo thông tin PV Thanh Niên nắm được từ UBND Q.9, ở buổi tiếp xúc này, ông Nguyễn Thành Phong tiếp 1 trong 3 nhóm hộ dân khiếu nại, tố cáo kéo dài liên quan đến dự án Khu công nghệ cao. Từng hộ dân sẽ được lãnh đạo UBND TP.HCM tiếp riêng.

An ninh ở khu vực UBND P.Tăng Nhơn Phú A được siết chặt

Trung Hiếu

Khiếu nại của người dân là có cơ sở

Trước đó, kết luận số 256 của Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng ngày 23.2.2008 đã chỉ ra trong quá trình triển khai dự án Khu công nghệ cao để xảy ra thiếu sót, khuyết điểm dẫn đến khiếu kiện. Qua thanh tra, xác minh có một số nội dung tố cáo của người dân là có cơ sở như: việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục thu hồi đất, không ban hành các quyết định thu hồi đất, việc công khai bản đồ quy hoạch có sai sót… Đây là những nguyên nhân cơ bản dẫn tới khiếu kiện phức tạp, làm ảnh hưởng đến tiến độ thu hồi, thực hiện dự án.

Ngày 30.8.2017, một lần nữa Thanh tra Chính phủ có Văn bản số 2138 thông báo kết quả kiểm tra, xem xét việc khiếu nại, tố cáo của một số hộ dân liên quan đến thu hồi, sử dụng đất dự án Khu công nghệ cao. Thông báo này sau đó cũng được Thanh tra Chính phủ họp công bố cho người dân liên quan. Trước đó, vào ngày 17.8.2017, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 370 thông báo ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan dự án Khu công nghệ cao TP.HCM.

Thu hồi đất nhầm… phường

Kết luận của Thanh tra Chính phủ xác định UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 2666 ngày 27.6.2002 thu hồi và giao đất lần thứ nhất, để thực hiện xây dựng Khu công nghệ cao với quy mô 804 ha tại 5 phường: Tân Phú, Tăng Nhơn Phú A, Tăng Nhơn Phú B, Long Thạnh Mỹ và Phước Long B (thuộc Q.9) là đúng thẩm quyền và phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.

Tuy nhiên, việc UBND TP.HCM mở rộng thu hồi và giao đất tại Quyết định số 2717 ngày 18.7.2003 với diện tích 6,9 ha, và Quyết định 2193 ngày 19.5.2004 với diện tích khoảng 102 ha khi chưa được Thủ tướng chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể Khu công nghệ cao, là chưa đúng thẩm quyền, chưa đúng trình tự, thủ tục thu hồi và giao đất.

Đáng chú ý, trong 3 quyết định thu hồi đất của UBND TP.HCM số 2666 (804 ha), số 2717 (6,9 ha), số 2193 (102 ha) và Quyết định số 989 ngày 4.11.1998 của Thủ tướng Chính phủ (800 ha) không có tên P.Hiệp Phú, nhưng thực tế lại thu hồi đất tại P.Hiệp Phú và không thu hồi đất ở P.Phước Long B. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới khiếu nại gay gắt của các hộ dân bị thu hồi đất…

Sau khi bị cưỡng chế, ông Nguyễn Xuân Ngữ (một trong những người có đất liên quan dự án Khu công nghệ cao) và con trai phải dựng lều tạm ngay khu đất bị cưỡng chế để ở

Trung Hiếu chụp ảnh tư liệu

Người dân kiến nghị hủy các quyết định trái luật

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Lực, một trong những hộ dân dự buổi tiếp xúc với Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chiều 1.8, cho biết ông và các hộ dân sẽ đề nghị làm rõ việc UBND TP.HCM không công khai bản đồ quy hoạch sử dụng đất của dự án, làm ảnh hưởng đến đến việc thu hồi đất của người dân liên quan dự án Khu công nghệ cao.

Ngoài ra, UBND TP.HCM cần ban hành quyết định thu hồi các quyết định hành chính liên quan đến dự án Khu công nghệ cao, mà Thanh tra Chính phủ xác định là trái với quy định pháp luật.

“Dù đã có kết luận chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình từ rất lâu, nhưng đến thời điểm này UBND TP.HCM chưa thi hành theo chỉ đạo. UBND Q.9 mới chỉ gặp gỡ, ghi nhận ý kiến phản ánh của người dân”, ông Trần Lực nói, và cho biết dù kết luận Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai sót liên quan dự án, nhưng đến thời điểm này, UBND TP.HCM chưa tổ chức xin lỗi công khai những hộ dân đã bị cưỡng chế trái pháp luật.

Sau buổi tiếp chiều 1.8, ông Nguyễn Thành Phong còn gặp gỡ các nhóm hộ dân khác cũng liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo dự án Khu công nghệ cao.

Một trong bốn vụ việc khiếu nại, tố cáo nổi cộm ở TP.HCM

Trước đó, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, UBND TP.HCM cho hay dự án Khu công nghệ cao là 1 trong 4 vụ việc nổi cộm cần tập trung để giải quyết dứt điểm: dự án Khu công nghệ cao (Q.9); Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2); dự án xây dựng khu nhà ở cán bộ, công nhân viên tại P.Bình An (Q.2); khiếu nại, phản ảnh, kiến nghị của một số hộ dân liên quan quyền sử dụng đất tại P.Hiệp Thành (Q.12).

Người dân liên quan dự án Khu công nghệ cao và Khu đô thị mới Thủ Thiêm thường xuyên ra Hà Nội tập trung khiếu nại, tố cáo đông người tại trụ sở các cơ quan T.Ư và nhà riêng của một số cán bộ lãnh đạo T.Ư.

Mới đây HĐND TP.HCM thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về điều chỉnh tăng tổng kinh phí thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư Khu công nghệ cao với tổng số tiền hơn 1.471 tỉ đồng (kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 1.399 tỉ, các chi phí khác là hơn 72 tỉ đồng).

Theo UBND TP.HCM, việc này nhằm thực hiện chính sách đối với hộ gia đình, cá nhân và tổ chức liên quan đến dự án Khu công nghệ cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.