'Ong thợ' Trường Sa: Dựng nhà giữ đảo

08/10/2017 09:00 GMT+7

Trung đoàn công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh hải quân) được giao việc xây dựng các công trình trên đảo ngay sau ngày tiếp quản Trường Sa.

Ngay sau khi tiếp quản Trường Sa (tháng 4.1975), Đảng ủy Quân chủng Hải quân đã ra nghị quyết xác định rõ: “Kiên quyết giữ vững tuyến đảo, nhất là quần đảo Trường Sa...” và giao việc xây dựng các công trình trên đảo cho Trung đoàn công binh 83 (nay là Lữ đoàn 83 công binh hải quân).
Gỗ thông, pông tông và lò vôi thế kỷ
Tháng 3.1976, lần đầu tiên Quân chủng Hải quân (QCHQ) tổ chức cho cán bộ Trung đoàn công binh 83 ra Trường Sa trinh sát xây dựng đảo và người chỉ huy là Phó tham mưu trưởng HQ Bùi Ủy.
Bộ đội công binh Trung đoàn 83 xây dựng nhà C1 trên đảo chìm Trường Sa năm 1988
Đến bây giờ, ông Nguyễn Xuân Sang, nguyên trợ lý thi công, vẫn không quên chuyến đi biển đầu tiên trong đời bởi nó quá vất vả và nhiều lo lắng. Hơn tháng trời loanh quanh các đảo, các cán bộ công binh vẫn không thể mường tượng mình làm như thế nào để hoàn thành nhiệm vụ “xây dựng các công trình chiến đấu”. Mỗi năm chỉ có tháng 3 - 5 biển tương đối êm cho tàu chở vật liệu xây dựng chạy ra. Đảo thực chất là những đỉnh san hô nhô lên từ đáy biển, vây quanh là những vành san hô rộng hàng nghìn mét nên tàu chở vật liệu không vào gần được, phải neo rất xa và tỉ mẩn vác từng tý vào - ông Sang nhớ lại và bảo: Năm đầu quá vất vả nên cuối năm có 1 đại đội bị mắc kẹt lại đảo.
Thời điểm cuối 1978 đầu 1979, tình hình biên giới Tây Nam và phía bắc hết sức phức tạp. Các đại đội xây dựng của Trung đoàn công binh 83 tăng cường đột xuất ra làm nhiệm vụ trên các đảo An Bang, Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Phan Vinh, Trường Sa Đông, Sinh Tồn Đông...
Đối với các đảo chìm, tháng 4.1986, sau chuyến kiểm tra quần đảo, Tư lệnh HQ Giáp Văn Cương lệnh cho phân đội công binh Vùng 4 lắp dựng căn nhà cao chân đầu tiên (nhà C3) trên đảo chìm Thuyền Chài. Năm 1987, Tư lệnh Giáp Văn Cương lại ra kiểm tra Thuyền Chài. Thấy nhà C3 mỏng manh, không yên tâm, ông lệnh xây tiếp nhà lâu bền bằng đá kết hợp bê tông cốt thép (nhà C1) nhìn xa giống lô cốt cao nhưng ở trong đó quá nóng, bộ đội bảo vệ đảo gọi là lò vôi.
Sau C1, C3 là nhà C2 dựng dành cho đảo chìm cũng thuộc loại cao chân như C3 nhưng giá đỡ bằng các tấm ghi sắt và có 2 tầng lầu.
Thiếu tướng - Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Bộ đội công binh kể: Tháng 4.1986, khi đang là trợ lý của Phòng Công binh HQ, ông lần đầu tiên đi Trường Sa cùng đoàn hơn 100 người do Tư lệnh Giáp Văn Cương dẫn đầu.
Ra tới đảo, Tư lệnh Giáp Văn Cương kiểm tra công sự trận địa và yêu cầu các cán bộ công binh dùng bê tông thanh lắp ghép thành hầm. Thấy anh em làm chậm, chưa thành thạo, tư lệnh phê bình ngay và yêu cầu nghiên cứu kỹ để hướng dẫn bộ đội lắp dựng công sự trận địa, sẵn sàng chiến đấu.
Bộ đội đảo chìm lau chùi bảo quản vũ khí trên sàn nhà C3, tháng 5.1988
Suýt đứt Sơn Ca
Chuyến đi Trường Sa đầu tiên ai cũng háo hức. Với thiếu tướng Hoàng Kiền, sự háo hức biến thành âu lo khi kết thúc cả tháng trời đến từng đảo. Cuối tháng 5.1986 trên tàu về bờ, ông mạnh dạn tìm gặp Tư lệnh Giáp Văn Cương báo cáo: Các đảo đang bị xói lở nghiêm trọng, đảo Sơn Ca là nặng nhất và có nguy cơ bị cắt làm đôi do sóng đánh lở. Nguyên nhân chủ yếu là vành san hô bao quanh đảo vốn là vật cản ngăn chặn giảm cường độ sóng đánh vào bờ bị con người ra hoạt động khai thác giẫm đạp làm nát chết, không thể mọc lên và mất đi lớp vật cản tiêu sóng. Bên cạnh đó, các ụ đá san hô rải rác trên bãi cạn quanh đảo, làm vật cản chống sóng bao đời nay, bị móc làm công sự chiến đấu và nhà ở nên mất vật cản tự nhiên, gây xói lở. Việc khơi các luồng lạch cho xuồng vào đảo cũng thay đổi dòng chảy... Ông Hoàng Kiền đề xuất: “Dừng ngay việc khai thác đá san hô và có kế hoạch xây tường kè chống xói lở bảo vệ đảo”. Nghe xong, Tư lệnh Giáp Văn Cương quyết định: “Từ nay trở đi cấm khai thác đá san hô xây dựng công trình, phải có kế hoạch mang gạch đá từ đất liền ra”.
Từ chỉ dẫn của tư lệnh, ngay sau khi tàu vào bờ, ông Hoàng Kiền ở lại tiểu đoàn công binh của Bộ Tư lệnh Vùng 4 hơn 1 tháng trời để nghiên cứu, thiết kế mẫu nhà ở kết hợp công sự ngay tại Cam Ranh. (Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.