Ông Vương Đình Huệ: 'Nếu khó quá thì thuê phó thủ tướng xuống tôi làm cho'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
13/05/2019 14:39 GMT+7

Sáng 13.5, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với các tổ chức hữu quan tổ chức hội nghị giám sát các giải pháp cải cách kiểm tra chuyên ngành , giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp phản ánh, công văn số 858 ngày 22.3 của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện báo cáo quyết toán đối với công cụ, dụng cụ, phụ tùng thay thế, vật tư tiêu hao nhập khẩu phục vụ hoạt động của doanh nghiệp chế xuất đang làm khó các doanh nghiệp khi giao trách nhiệm xác định rõ hàng hóa nhập khẩu là công cụ, dụng cụ hay vật tư tiêu hao, trong khi mỗi doanh nghiệp lại có một cách hiểu khác nhau.
“Không chỉ các doanh nghiệp có cách hiểu khác nhau mà quan điểm giữa hải quan và doanh nghiệp cũng không khớp nhau. Rất mong Tổng cục Hải quan cho chúng tôi một định nghĩa rõ ràng về công cụ, dụng cụ và vật tư tiêu hao để thuận tiện trong việc làm báo cáo quyết toán”, đại diện Công ty Sumitomo tại khu Công nghiệp Bắc Thăng Long đề nghị.
Trả lời thắc mắc này, ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết Thông tư của Bộ Tài chính đã quy định rõ, đối với nguyên liệu, vật tư sử dụng trong quá trình sản xuất thì doanh nghiệp phải xây dựng định mức, còn đối với vật tư tiêu hao không xác định định mức cụ thể thì doanh nghiệp phải theo dõi mức sử dụng theo nguyên tắc tồn kho cuối kỳ.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết, đối với các thắc mắc của doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan sẽ ghi nhận và sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới.
Khi nghe ông Tuấn nói tới đây, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã ngắt lời, nói: “Nói chung chung như thế không được. Phải nói rõ khi nào giải quyết triệt để”.
“Tôi hạn cho Tổng cục Hải quan đến hết tháng 5, nếu chưa giải quyết được thì doanh nghiệp gửi thẳng văn bản lên Thủ tướng, báo cáo để chúng tôi xử lý”, ông Huệ nói thêm.
Theo Phó thủ tướng, đây là chuyện rất nhỏ của cơ quan nhà nước nhưng lại là chuyện lớn của doanh nghiệp. “Một cái vướng của doanh nghiệp cộng lại cả nước thì rất vướng. Trong khi việc này hoàn toàn nằm trong thẩm quyền của Tổng cục Hải quan chứ có gì đâu”, ông Huệ nói, và cho rằng Tổng cục Hải quan không nên để doanh nghiệp hiểu sai hay mỗi nơi, mỗi người hiểu một cách.
“Cái này nếu khó quá thì thuê phó thủ tướng xuống tôi làm cho. Tôi cũng biết chút chút về kế toán”, ông Huệ nói thêm.
Sau đó, ông Âu Anh Tuấn cũng đề nghị Chi cục Hải quan Hà Nội giải quyết ngay vướng mắc cho doanh nghiệp và khẳng định Tổng cục Hải quan sẽ có hướng dẫn để thống nhất trong toàn quốc.

Một mặt hàng mà 2-3 bộ, ngành kiểm tra

Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, mặc dù năm 2018, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và cắt giảm kiểm tra chuyên ngành hải quan đạt nhiều kết quả toàn diện, tiết kiệm hơn 12 triệu ngày công và 5.442 tỉ đồng, song vẫn còn nhiều vấn đề còn tồn tại, cần giải quyết.
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tại hội nghị Ảnh Gia Hân
Theo ông Huệ, vẫn còn 19,1% số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong khi mục tiêu của Chính phủ là giảm chỉ còn 15%.
Bên cạnh đó là tình trạng một mặt hàng nhưng chịu sự kiểm tra chồng chéo của nhiều cơ quan, bộ ngành. “Một con kén tằm thôi nhưng trong Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn kiểm tra thì có cả thực vật lẫn động vật, rồi Bộ Y tế cũng kiểm tra về an toàn thực phẩm”, ông Huệ nêu.
Ngoài ra, còn tình trạng bộ, ngành ban hành danh mục kiểm tra nhưng không có tiêu chuẩn, quy chuẩn. “Không có tiêu chuẩn, quy chuẩn tức là anh muốn kiểm tra thế nào cũng được, kiểm tra gì cũng được”, ông Huệ nói và đề nghị "trong năm 2019 cần phải chấm dứt tình trạng này. Không ban hành được tiêu chuẩn, quy chuẩn thì dứt khoát không được kiểm tra gì hết”.
Một vấn đề khác cũng được ông Huệ lưu ý là việc cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành phải đạt được 2 mục tiêu, vừa tạo thuận lợi về thương mại nhưng cũng phải chống gian lận thương mại.
“Phải rà soát lại những cái đã cắt giảm xem có cái nào sơ hở không. Có khi những cái cần thì không cắt còn những cái cắt lại sơ hở. Nếu không khéo dễ rơi vào lợi ích nhóm vì có những doanh nghiệp đi vận động cắt chỗ này, chỗ kia”, ông Huệ nói đồng thời đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không chỉ giám sát các cơ quan nhà nước mà phải giám sát cả việc thực thi của các doanh nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.