Phải hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai

13/05/2015 06:10 GMT+7

Dừng và hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai; yêu cầu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai phải trả lời chất vấn trước Quốc hội... là những kiến nghị của các nhà khoa học tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) và Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) tổ chức chiều 12.5 tại Hà Nội.

Dừng và hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai; yêu cầu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai phải trả lời chất vấn trước Quốc hội... là những kiến nghị của các nhà khoa học tại hội thảo “Phát triển bền vững lưu vực sông - thách thức và giải pháp” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật VN phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp (Quốc hội) và Mạng lưới sông ngòi VN (VRN) tổ chức chiều 12.5 tại Hà Nội.

Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai hồi tháng 3Hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai hồi tháng 3 - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mặc dù đã có kết quả báo cáo về những vấn đề tác động cần làm rõ trong “Dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, quy mô 8,4 ha tại P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa (Đồng Nai)” và lẽ ra báo cáo đã được công bố từ đầu tháng 4, song các chuyên gia, các nhà khoa học đã phải “ém” tài liệu lại để chờ hội thảo tại Hà Nội hôm qua. Theo như chia sẻ của TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu của VRN: “Mong muốn những gì chúng tôi nói có sức lan tỏa nhiều hơn”.



Chỉnh trị sông cũng như dạy thú dữ làm xiếc. Nếu dạy theo một phương pháp khoa học, thì con thú có thể được thuần phục làm trò để mua vui cho mọi người, nhưng nếu dạy thú theo phương pháp trái với quy luật của thú thì nó có thể quay lại trả thù con người, trả thù rất tàn bạo


TS Tô Văn Trường


Báo cáo ĐTM sao chép từ dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng

Theo ông Long, dù UBND Đồng Nai đã tạm dừng dự án, nhưng đoạn xa nhất lấn ra sông đã làm được 97 m và nhiều đoạn còn ngổn ngang. Về chất lượng nước, nhóm chuyên gia đã lấy 7 mẫu nước. Sau khi phân tích cho thấy, đây là hệ sinh thái nhạy cảm, tác động ô nhiễm nước rất kinh khủng. Đặc biệt, trong khi thông báo của UBND tỉnh ngày 24.3 cho rằng dự án không ảnh hưởng tới dòng chảy, nhưng theo nhóm nghiên cứu, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có nhiều sai sót, khu vực sinh thái nhạy cảm chắc chắn sẽ làm thay đổi dòng chảy.

Tuy nhiên, điều gây “sốc” nhất đến từ bản báo cáo ĐTM lần đầu tiên được công bố tại cuộc hội thảo. TS Vũ Ngọc Long đã đưa ra những hình ảnh, bằng chứng về báo cáo ĐTM dự án lấp sông Đồng Nai được một viện nghiên cứu tại TP.HCM viết từ tháng 4.2014. Đây là căn cứ để ra quyết định triển khai dự án nhưng báo cáo ĐTM này lại được copy từ báo cáo dự án đầu tư công viên Vĩnh Hằng tại xã Tân An (H.Vĩnh Cửu, Đồng Nai) quy mô 116,2 ha được làm năm 2011. TS Vũ Ngọc Long bức xúc: “Phần kết luận của báo cáo 3 trang thì hơn 50% của kết luận này được copy từ báo cáo dự án nghĩa trang Vĩnh Hằng. Tôi rất ngạc nhiên vì sao nó lại giống nhau đến thế, từ kết luận, giải pháp kiến nghị... Có những đoạn đánh dấu giống nhau từng câu, từng chữ”.

Chưa hết, đứng đầu nhóm tác giả “đạo” ĐTM là tổng giám đốc, tổng công trình sư của Công ty Toàn Thịnh Phát, đứng thứ 2 là ông phó tổng giám đốc, thứ 3 là ông chánh văn phòng. Điều vô lý và không thể chấp nhận là GS-TS Viện làm ĐTM lại là người đứng thứ 4. “Báo cáo ĐTM rất hình thức qua loa, đây chính là nguyên nhân làm mất lòng tin, làm cho môi trường ngày càng hủy hoại. Tôi kiến nghị Chính phủ cần xem xét lại đánh giá ĐTM nghiêm túc có trách nhiệm và đặc biệt các nhà khoa học cần phải có trách nhiệm với đồng bào với nhân dân về sản phẩm của mình”, TS Long nói.

TS Long kiến nghị: “Cần phải dừng hoặc hủy bỏ dự án lấp sông Đồng Nai. Đề nghị Ủy ban Bảo vệ môi trường và lưu lực sông Đồng Nai, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thảo luận và sớm có giải pháp ngăn chặn và “cứu” con sông Đồng Nai trước nguy cơ bị khai thác quá mức như vậy. Dù UBND tỉnh Đồng Nai có đưa ra bất cứ lý do gì cũng không thể bao biện cho một sự thật rằng địa phương này và tác giả của công trình lấn sông đang xâm hại đến dòng sông nuôi sống 20 triệu người và cội nguồn cảnh quan vùng miền Đông Nam bộ”.

Yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chuyên gia về tài nguyên nước Đỗ Hồng Phấn thẳng thắn: “Trong 6 năm chuẩn bị đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh không có thông tin lên T.Ư. Việc kín tiếng lặng lẽ thực hiện kế hoạch lấn sông này khó biện minh là thiếu nhận thức. Chẳng lẽ phải dùng từ bất chấp. TS Tô Văn Trường thì đánh giá một dự án “tai tiếng” như dự án lấp sông Đồng Nai khiến người dân bức xúc, xã hội lên tiếng với hơn 200 bài báo mà vẫn trong quá trình xem xét lại là hết sức vô lý. Theo TS Trường, đó không chỉ bất chấp dư luận mà còn là một điển hình thách thức luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội phê duyệt năm 2012.

“Chỉnh trị sông cũng như dạy thú dữ làm xiếc. Nếu dạy theo một phương pháp khoa học, thì con thú có thể được thuần phục làm trò để mua vui cho mọi người, nhưng nếu dạy thú theo phương pháp trái với quy luật của thú thì nó có thể quay lại trả thù con người, trả thù rất tàn bạo”, TS Trường nhấn mạnh và khẳng định dừng dự án lấn sông Đồng Nai là đúng. Tuy nhiên, dừng dự án chỉ là bước ban đầu, phải tiến hành xử lý triệt để là dẹp bỏ dự án vì đã vi phạm “khoản 5, điều 9” của luật Tài nguyên nước để các dòng sông không phải kêu cứu do hành động tham lam và thiển cận của con người.

Băn khoăn những kiến nghị của các nhà khoa học đến được với cơ quan hữu trách hay không, ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng VN, đề xuất: “Quốc hội nên mời Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ra chất vấn trước Quốc hội, chiếu lên cho đồng bào cả nước xem. Một dự án liên quan đến nhiều tỉnh chắc chắn là Chính phủ phải giải quyết chứ không để chủ tịch một tỉnh giải quyết được. Đặc biệt, với một dự án ảnh hưởng tới số đông người dân. Nếu chỉ vì DN đóng góp cho tỉnh mỗi năm vài chục tỉ sau đó chúng ta lại xuê xoa là không được mà cần phải quyết tâm làm và xử lý nghiêm”.

Cần làm rõ đất đá đổ xuống lấp sông Đồng Nai có nhiễm dioxin hay không

Đó là quan điểm của TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam trước thông tin số đất đá mà Công ty Toàn Thịnh Phát đã đổ xuống lấp sông Đồng Nai có thể là đất đá lấy từ sân bay Biên Hòa, nơi bị nhiễm chất độc da cam (dioxin) rất nặng.


Chiều 7.5, Sở TN-MT và Sở Xây dựng Đồng Nai đã tổ chức buổi làm việc với các đơn vị liên quan để làm rõ nghi vấn mà Báo Thời Nay (ấn phẩm của Báo Nhân Dân) phản ánh Công ty Toàn Thịnh Phát sử dụng đất đá nhiễm dioxin được khai thác ở sân bay Biên Hòa để lấp sông Đồng Nai làm dự án. Sáng cùng ngày, Báo Thời Nay có đăng bài Dự án san lấp sông Đồng Nai: Có hay không việc đất đá nhiễm độc dioxin bị phát tán?, nội dung đề cập đến nghi vấn Công ty Toàn Thịnh Phát đã sử dụng một khối lượng đất, đá từ sân bay Biên Hòa để san lấp sông Đồng Nai (được vận chuyển bằng đường sông lẫn đường bộ).

Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, cho biết trong khu vực sân bay Biên Hòa có Công ty CP đầu tư khoáng sản than Đông Bắc lập dự án đào hồ chứa nước, có dôi ra một khối lượng đá xây dựng và được phép tận thu theo luật Khoáng sản (diện tích hồ rộng khoảng 20 ha, sâu 60 m và khối lượng đá thu hồi khoảng 9,3 triệu m3 - PV). Công ty than Đông Bắc đã thử nghiệm chất lượng các mẫu đất, nước và kết quả cho thấy khu vực này không bị nhiễm dioxin. Công ty than Đông Bắc cũng chỉ giao cho đối tác duy nhất là Công ty Hưng Thịnh Phát (Bà Rịa-Vũng Tàu), chứ không bán nguyên vật liệu cho Toàn Thịnh Phát.     

Thanh Niên


* Từng khảo sát hiện trường dự án lấp sông Đồng Nai rất kỹ, ông có nhận định như thế nào về vụ việc này?

- Theo tôi biết, một người trong sân bay Biên Hòa có xác nhận việc Công ty Toàn Thịnh Phát đã mua đất đá ở đây để đổ xuống lấp sông Đồng Nai tạo mặt bằng phát triển dự án nhà ở. Nếu đây là sự thật thì vô cùng nguy hiểm bởi nó chính là hành vi phát tán chất độc hại. Trong khi đó, ngay gần dự án lấp sông này là họng lấy nước sinh hoạt của Nhà máy nước Biên Hòa phục vụ cho 1,5 triệu người. Cách đó chừng 1 km cũng là họng lấy nước của Nhà máy nước Hóa An cấp nước sinh hoạt cho gần 10 triệu người ở TP.HCM. Hậu quả không thể lường được đối với cộng đồng, bởi dioxin đặc biệt nguy hiểm đối với con người là có thể dẫn đến quái thai, ung thư, bại não... như nhiều người ở nước ta đã gánh chịu sau chiến tranh.

* Có cách nào để xác định được số đất đá mà Công ty Toàn Thịnh Phát đổ xuống sông Đồng Nai có bị nhiễm dioxin không?

-Dioxin thì không thể hiện ngay lập tức nhưng có thể lấy mẫu nước ở tầng mặt sông Đồng Nai, lấy mẫu bùn ở tầng đáy sông đoạn gần dự án để phân tích. Đặc biệt chú trọng lấy mẫu các loài nhuyễn thể ốc, trai, hến... sống trong lớp bùn đáy để xét nghiệm bởi chúng hấp thụ dioxin rất nhanh, sẽ để lại dấu vết ngay, có thể lấy mẫu đi phân tích để làm rõ.

* Tỉnh Đồng Nai luôn giữ quan điểm bảo vệ dự án này, nếu không ai đứng ra lấy các mẫu xét nghiệm, cá nhân ông có sẵn sàng độc lập nghiên cứu về vấn đề này?

- Có thể chứ. Tôi sẽ tự bỏ tiền ra làm nghiên cứu giống như đợt vừa qua. Đây là thông tin rất đáng tìm hiểu kỹ. Tôi sẽ nói chuyện với một số chuyên gia về việc này để lấy mẫu về phân tích, khoảng chừng 1 tuần đến 10 ngày sẽ rõ ngay.              

Lê Quân (thực hiện)

 

Thách thức đối với kỷ cương, phép nước

Đó là nhận xét của TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội khi trao đổi với báo chí tại hội thảo.

*Thanh Niên: Ông có thể cho biết quan điểm của ông về tính pháp lý của dự án lấp sông Đồng Nai?

- Như chuyên gia đã trình bày, việc lấp lấn sông Đồng Nai đã vi phạm nhiều luật về giao thông đường thủy, tài nguyên nước và một số luật khác. Về mặt pháp lý khi thực hiện dự án này người ta chưa tuân thủ chặt chẽ luật pháp, chưa có nghiên cứu một cách thấu đáo.

*Thanh Niên: Nhưng UBND tỉnh Đồng Nai vẫn cho rằng họ cấp phép cho dự án này là đúng luật. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này?

- Cái này thì dư luận xã hội đang lên tiếng. Người ta không đồng tình vì nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhiều rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng, đời sống của người dân hai bên bờ sông và đặc biệt là vùng hạ lưu. Cái này cần các nhà khoa học nghiên cứu khách quan đúng nghĩa khoa học và tìm giải pháp xử lý thỏa đáng. Dự án đã đầu tư nếu không thực hiện sẽ là sự lãng phí của cả xã hội. Tuy nhiên, phải đặt an toàn lợi ích của cộng đồng lên trên chứ không phải là vì lợi ích một bộ phận nhóm người mà hy sinh lợi ích của số đông. Nếu làm như vậy là không được.

Còn về mặt pháp luật, rõ ràng người ta quy định "anh" sử dụng nguồn nước, khi anh cải tạo chỉnh trang đô thị, chỉnh trang dòng sông làm kè là rất tốt. Nhưng ở đây lại thành một dự án lấp lấn sông để làm nhà lại là một vấn đề khác. Trong quy định về luật Tài nguyên nước, đối với lưu vực sông thì việc quản lý nó không chỉ có dòng sông mà còn hai bên bờ sông. Bây giờ anh lại lấn chiếm ra không chỉ làm hẹp dòng sông thay đổi dòng chảy là vi phạm vào lưu vực sông rồi. Người ta còn quy định phải có hành lang bảo vệ bờ sông 50 hay 100 m, giờ anh lấn ra thì không thể nói là anh làm đúng được, anh đã vi phạm luật pháp rồi.

*TTXVN: Giả sử đoàn kiểm tra liên bộ thông qua dự án này, nó sẽ tác hại gì về luật và đời sống người dân, thưa ông?

-Đấy là thách thức đối với kỷ cương phép nước. Thách thức giữa cái chủ quan và cái khoa học. Theo tôi muốn làm gì thì cũng phải dựa trên cơ sở khoa học làm được hay không làm được chứ không phải dựa vào ý muốn chủ quan rồi muốn làm gì thì làm.

Chí Nhân (thực hiện)

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.