Trả lời báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội chiều 25.5 liên quan đến vấn đề thu hồi đất đai gây bức xúc dư luận vừa qua, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, mặc dù ở Việt Nam chưa công nhận quyền sở hữu đất đai, nhưng quyền sử dụng có quy định tương đối đầy đủ giá trị với người dân.
Theo ông Quốc, trong đền bù khi thu hồi đất đai, càng ngày Nhà nước càng lấy yếu tố thị trường là yếu tố quan trọng. Điều này nhằm bảo đảm lợi ích của người dân và kể cả lợi ích của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Quốc nhìn nhận việc thương lượng với người dân là rất khó.
“Mặc dù Nhà nước đã có các quy định về khung giá, thậm chí đã đã điều chỉnh theo từng thời điểm. Nhưng từ khung giá đó đến sự tự nguyện của dân còn xa, vì người dân bao giờ cũng đặt lợi ích của họ lên cao nhất trong thương lượng. Doanh nghiệp cũng vậy thôi. Chính vì thế các cuộc thương lượng mới kéo dài”, ông Quốc nhận định.
Cũng theo ông Quốc, trong giải quyết vấn đề đất đai đang tồn tại một số giải pháp ngược đời. Khi giải tỏa một mặt bằng nào đó thì những người tuân thủ, gương mẫu vì lợi ích công cộng thường bị thiệt thòi. Trong khi những người không chấp nhận thì về sau có khi lại có lợi.
“Lẽ ra phải khuyến khích những người giao đất sớm, gương mẫu chấp nhận phương án ấy, nhưng cuối cùng ngược lại, người ta tại trở thành thật thà thì thiệt thòi”, ĐB Quốc phân tích.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, điều này tạo hiệu ứng xã hội là người dân cứ nghe ngóng vì không thấy sự gương mẫu của mình có giá trị gì. Chưa kể đến sự chuyển đổi đất đai diễn ra nhiều khi làm cho người dân cảm thấy mình bị lừa.
“Ngày hôm nay thì bảo rằng làm công trình công cộng, công trình quan trọng của nhà nước, sau đó lại biến thành mặt bằng làm bất động sản tư nhân. Tất cả các yếu tố đó cho thấy vấn đề đất đai sẽ ngày càng phức tạp nếu ta không có một giải pháp căn cơ và tìm được sự đồng thuận của người dân, cũng như của các nhà đầu tư”, ông Quốc nhận định.
Nhắc đến câu chuyện ở Đồng Tâm, ĐB Dương Trung Quốc nhận định có vấn đề liên quan đến đất quốc phòng và đã đến lúc cần phải làm rõ, minh bạch khái niệm “đất quốc phòng”.
Theo ĐB Quốc, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ở miền Bắc, rất nhiều khu đất đắc địa của dân và của Nhà nước, hay của tập thể đã được sử dụng với đúng nghĩa quốc phòng như làm sân bay dã chiến, trận địa pháo, tên lửa…
“Lẽ ra đến lúc kết thúc chiến tranh thì phải trả cho dân, trả cho tập thể những người sử dụng vốn có, nhưng rồi nhiều nơi tự nhiên lại biến thành đất quốc phòng. Sau đó chia chác đất cát với nhau khiến người dân mất lòng tin”, ĐB Quốc nói.
tin liên quan
White Palace thực hiện đúng quy định về xây dựng của Bộ Quốc phòngTrung tâm hội nghị tiệc cưới White Palace (tên cũ là nhà hàng Nam Bắc) tại số 194 đường Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận, TP.HCM khai trương ngày 1.12. Mấy ngày qua, trên một số báo đã có thông tin cho rằng trung tâm này xây dựng không phép. Sự thật như thế nào?
ĐB Quốc cho biết Đồng Tâm cũng là địa phương đã đóng góp rất nhiều đất đai cho Nhà nước làm sân bay, xây trường bắn. "Kể cả những khu vực theo quan niệm người dân đã giao cho quốc phòng phòng, họ cũng không đụng chạm. Nhưng những khu vực chưa rõ ràng, từng có chuyện quan chức vào đó xà xẻo, dân đấu tranh rồi. Điều quan trọng là người dân muốn rõ ràng, minh bạch”, ông Quốc nhấn mạnh, và cho rằng: “Đã đến lúc phải đặt cách nhìn là có đất quốc phòng, theo nghĩa mảnh đất có giá trị vào sự nghiệp lớn nhất mà mọi người dân đều có trách nhiệm, thì không có lý do gì mà người ta có thể khước từ được. Nhưng đất giao cho Bộ Quốc phòng thì lại khác. Bộ Quốc phòng có rất nhiều nhu cầu, trong đó có làm kinh tế, xây nhà cửa cho cán bộ chiến sĩ… Vì thế, đừng làm lẫn lộn”.
Bình luận (0)