Phân làn giao thông tại TP.HCM: Nhiều tiền, ít hiệu quả

09/05/2012 03:56 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã và đang chi cả trăm tỉ đồng để phân làn giao thông một số khu vực, song hiệu quả mang lại không những chưa tương xứng mà còn gây tác dụng ngược.

Phân làn giao thông tại TP.HCM: Nhiều tiền, ít hiệu quả

Kẹt xe ở đường Trường Chinh sau khi phân làn sáng 3.5 - Ảnh: Giang Phương

Chi tiền và kẹt xe

Sở GTVT vừa lắp đặt khoảng 40 km dải phân cách cứng trên các trục đường chính như Võ Văn Kiệt, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh, Cộng Hòa, QL13, QL22, Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Văn Linh… với mục đích: phân làn ô tô và xe máy (lắp dải phân cách giữa 2 làn xe), ngăn người đi bộ sang đường tùy tiện và hạn chế tình trạng đi lấn làn (lắp dải phân cách giữa tim đường). Tổng chi phí lên đến 50 tỉ đồng, tính ra cứ mỗi km dải phân cách tốn 1,25 tỉ đồng. Nhưng do triển khai ồ ạt, đánh đồng trên tất cả tuyến đường có nhu cầu lưu thông khác nhau nên những dải phân cách này không đạt hiệu quả giảm kẹt xe mà còn phát sinh nhiều điểm ùn ứ cục bộ.

Gần 4,1 tỉ đồng chi cho việc lắp 2,7 km dải phân cách trên đường Trường Chinh (đoạn từ ngã tư Bảy Hiền đến đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình) đã mang lại “kết quả” là tình trạng kẹt xe kéo dài nghiêm trọng tại khu vực này. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, giao thông trở nên hỗn loạn tại các giao lộ giữa đường Trường Chinh với các đường Phan Văn Hớn, Tây Thạnh, Phan Huy Ích…

Nghịch lý dễ thấy là cảnh xe máy chen chúc trên làn đường hỗn hợp, trong khi các làn đường cho ô tô luôn vắng vẻ. Trước đây, vào giờ cao điểm, CSGT thường linh động điều tiết cho xe máy chạy vào làn đường của ô tô, nhưng từ khi có dải phân cách thì phương án chữa cháy này bị triệt tiêu, xe máy buộc phải chen chúc trong phần đường chật hẹp, kéo theo kẹt xe dây chuyền sang cả các giao lộ.

Tương tự, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh)… từ khi lắp dải phân cách cũng thường xuyên xảy ra ùn ứ. Vì đặc thù lưu thông trên tuyến đường này là một chiều đông, một chiều vắng (phụ thuộc vào hướng lưu thông của người dân, sáng đi từ ngoại thành vào trung tâm làm việc, chiều thì ngược lại). Do đó, dải phân cách thép đã làm mất đi khả năng điều tiết linh động của phương tiện, kéo theo cảnh một làn thì xe cộ chen chúc, làn kia vắng hoe. Chưa kể, rất dễ xảy ra tình trạng va quệt, ùn ứ, vì xe cộ quay đầu tại các điểm mở đã xung đột với dòng xe đi thẳng.

Còn trên trục Võ Văn Kiệt (Q.1, 5, 6), việc lắp dải phân cách cũng gây kẹt xe trên làn xe máy bởi lưu lượng xe máy quá đông…

Những bảng quang báo lãng phí

 

Quá vô lý !

Ông Tân, 52 tuổi, chạy xe ôm, bức xúc với Thanh Niên: “Dải phân cách được dựng ngay ngã ba Trường Chinh - Nguyễn Thái Bình là nơi tập trung đến 3 trường học (THCS Ngô Quyền, THCS Trường Chinh, Trung tâm giáo dục thường xuyên) với mục đích không cho người dân quẹo trái. Nhưng nhiều người vẫn quẹo trái vì nếu không làm sao qua đường đón con được. Có thêm dải phân cách, dân phải vòng lên vài chục mét nữa mới quẹo, dẫn đến lượng xe dồn ứ rất nhiều. Cứ 7 giờ sáng hoặc 5 giờ chiều là y như rằng tắc đường hàng tiếng đồng hồ, lượng xe dồn về hai đầu dải phân cách kẹt cứng không cách nào di chuyển được. CSGT thì cứ đứng canh me ai quẹo không đúng là lập biên bản phạt. Phạt riết không xuể, đường tắc lâu quá CSGT cũng đành tặc lưỡi cho dân đi ngược chiều. Mà đường hẹp, xe buýt, xe tải chạy bạt mạng, lỡ tông chết người thì ai chịu trách nhiệm đây?”.

VĂN HẢI (ghi)

Mới đây, Sở GTVT tiếp tục lắp đặt 12 bảng phân làn giao thông điện tử trên 6 tuyến đường: Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Nguyễn Văn Trỗi, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt, Trần Quốc Hoàn, Phan Đình Giót với chi phí gần 13 tỉ đồng. Mục đích của các bảng này là “tạo tiền đề cho việc cảnh báo kẹt xe, phân luồng giao thông linh hoạt... khi trung tâm điều khiển giao thông thông minh của TP.HCM được xây dựng”.

Thế nhưng, theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các bảng quang báo này hiện nay chủ yếu để hiển thị các khẩu hiệu tuyên truyền chứ hoàn toàn không có tác dụng phân luồng. Chẳng hạn, các bảng ở giao lộ Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Võ Thị Sáu, hay đường Nguyễn Văn Trỗi (ngay cầu Công Lý) chỉ rộng khoảng 1,5 m2, liên tục chạy các khẩu hiệu như “Thiết lập kỷ cương giao thông”, “An toàn giao thông, trách nhiệm của mỗi người”…

Các bảng phân làn chỉ hiển thị một mặt nên xe cộ ở chiều còn lại không thể quan sát được các thông tin hiển thị trên bảng. Về cơ bản, các bảng này không khác bảng quảng cáo ngoài trời. Trong khi đó, theo tham khảo của PV, chi phí các bảng LED quảng cáo tương tự (gồm cả chi phí lặp đặt, trụ cột, đấu nối) cũng không vượt quá 100 - 200 triệu đồng/m2.

Theo PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế TP.HCM, tự thân các bảng phân làn này không thể phát huy được hiệu quả điều tiết giao thông nếu không có các hệ thống cảm biến (sensor), truyền nhận và cảnh báo đi kèm. Cách đây 2 năm, nhóm nghiên cứu của Đại học Quốc tế đưa ra đề án cảnh báo kẹt xe từ xa lắp đặt tại một số giao lộ. Trong trường hợp kẹt xe, cảm biến (nhân công hoặc tự động) tại điểm kẹt sẽ thông báo về trung tâm điều khiển giao thông. Thông tin này được hiển thị trên bản đồ GIS tại trung tâm điều khiển để hỗ trợ CSGT nhanh chóng đưa ra phương án giải quyết các nút ùn tắc. Đồng thời, trung tâm có thể gửi thông tin chỉ dẫn tránh kẹt xe lên các bảng quang báo đặt tại các giao lộ có hướng đi về điểm kẹt xe. Hệ thống quang báo này sẽ giúp người lái xe biết sớm tình trạng kẹt xe và hướng dẫn những lộ trình lưu thông tránh khỏi điểm ùn tắc.

“Nếu chỉ lắp đặt các bảng quang báo “khơi khơi” như hiện nay thì không thể đưa ra được cảnh báo kẹt xe chính xác cho người lưu thông. Hơn nữa, với thực trạng kẹt xe trên diện rộng, nếu biết phía trước có kẹt xe, người lưu thông cũng khó có thể tìm được hướng lưu thông thay thế”, PGS-TS Hồ Thanh Phong phân tích.

Hiệu quả từ cầu vượt lắp ghép nhẹ

Cuối tháng 9.2011, Hà Nội thực hiện phân làn tại 4 tuyến phố là Bà Triệu, Phố Huế - Hàng Bài, Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân, Giải Phóng với chi phí 4,6 tỉ đồng cải tạo hạ tầng và 2,5 tỉ đồng bồi dưỡng cán bộ thanh tra.

Trước đó, vào năm 2003, 2006 và 2009 Hà Nội cũng từng thực hiện phương án phân làn phương tiện tại một số tuyến phố nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông nhưng không thành công. Trong tháng đầu sau khi phân làn, nhiều tai nạn hy hữu đã xảy ra khi người tham gia giao thông liên tục đâm vào các biển báo phân làn, dải phân cách...

Cuối tuần trước, tại cuộc họp với UBND TP, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, vẫn khẳng định thành công của việc phân làn tại 4 tuyến phố là nâng cao ý thức người dân đi đúng làn đường, giảm thiểu xung đột giao thông. Nhưng theo quan sát của PV, việc phân làn tại Hà Nội tới thời điểm này một lần nữa đang đứng trước nguy cơ phá sản khi người đi xe máy vô tư đi vào phần đường cho ô tô và ngược lại. Trong khi đó, Hà Nội vẫn quyết tâm nhân rộng mô hình phân làn thêm hai tuyến phố là Hoàng Quốc Việt, Yên Phụ - Trần Quang Khải - Trần Nhật Duật.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thành công đáng kể của Hà Nội trong nỗ lực giảm thiểu ùn tắc là việc xây dựng hai cầu vượt lắp ghép nhẹ tại Chùa Bộc - Thái Hà, Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng. Tính từ thời điểm khánh thành cuối tháng 4 tới nay, các nút giao này đã giảm được ùn tắc đáng kể trong giờ cao điểm.

Mai Hà

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.