Phân tích thực chất cơ cấu tăng trưởng

23/05/2018 06:45 GMT+7

Động lực tăng trưởng từ đâu, sao tăng trưởng cao mà thu ngân sách T.Ư không đạt, tình hình tội phạm nhức nhối là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội đề cập tại phiên thảo luận tại tổ sáng 22.5.

Mổ xẻ tăng trưởng
Đồng tình với báo cáo của Chính phủ khi lần đầu tiên trong nhiều năm, chúng ta đạt được tất cả các chỉ tiêu, GDP cũng tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây (7,38%), nhưng Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khuyến nghị “cần phân tích một cách thực chất về cơ cấu tăng trưởng”.
Cần phải có sự phân tích, bởi vì chúng ta thấy tăng trưởng cao song thu ngân sách vẫn không đạt, đặc biệt là nguồn thu ngân sách T.Ư; công ăn việc làm vẫn rất khó khăn; đầu tư công rất hạn hẹp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Đời sống của nhân dân cũng khó khăn
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc

“Tăng trưởng của GDP như vậy là tăng trưởng của lĩnh vực nào, là lĩnh vực FDI hay đó là kinh tế thuần Việt? Cần phải có sự phân tích, bởi vì chúng ta thấy tăng trưởng cao song thu ngân sách vẫn không đạt, đặc biệt là nguồn thu ngân sách T.Ư; công ăn việc làm vẫn rất khó khăn; đầu tư công rất hạn hẹp. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó khăn. Đời sống của nhân dân cũng khó khăn”, ông Phớc nêu hàng loạt vấn đề và đề nghị phải làm rõ cơ cấu tăng trưởng, để đánh giá thực chất tăng trưởng có mang lại lợi ích và đời sống cho người dân hay không, nhằm định hướng lâu dài.
Liên quan cơ cấu tăng trưởng, Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (tại đoàn Hà Tĩnh) cho biết nếu trước đây, tăng trưởng kinh tế thường dựa phần lớn vào khoáng sản, nhất là dầu thô và than đá, thì từ năm 2016 trở lại động lực tăng trưởng không còn phụ thuộc các yếu tố này. Công nghiệp khai thác than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm. Thay vào đó, cả ba khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp và dịch vụ đều tăng trưởng mạnh. Nhất là khu vực dịch vụ có bước phát triển vượt bậc 7,44%, mức cao nhất kể từ năm 2008 tới nay, trong đó tiêu dùng trong nước lần đầu tăng trên 2 con số đã đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Phó thủ tướng dẫn lại nhận xét trong báo cáo thẩm tra bổ sung của Ủy ban Kinh tế nói “các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét, động lực tăng trưởng chính chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối”… và tỏ vẻ không hài lòng. Giải thích điều này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh (đoàn Gia Lai) cho biết: “Báo cáo đầy đủ đã được gửi tới tất cả các đại biểu (ĐB) Quốc hội vào hôm qua. Còn bản đọc trước Quốc hội là báo cáo tóm tắt nên không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính. Chúng tôi thành thật xin lỗi Chính phủ”.
Tài sản tham nhũng thu hồi được bao nhiêu?
Nội dung phòng chống tham nhũng cũng được nhiều ĐB quan tâm, thảo luận. ĐB Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND TP.Hà Nội, kể: “Người dân theo dõi kỹ và yêu cầu TP có chuyển biến. Cử tri hỏi ở trên T.Ư chỉ đạo quyết liệt, thế ở dưới TP làm thế nào?”. Bà cũng cho biết Hà Nội đã vào cuộc bằng Chỉ thị 05, yêu cầu các địa phương (quận huyện) phải rà soát từng vụ việc.
ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng cho rằng cử tri rất quan tâm đến vấn đề tham nhũng, đặc biệt là thu hồi tài sản tham nhũng. “Đi đến đâu cử tri cũng hỏi thu hồi được bao nhiêu rồi? Đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, có dự án nhỏ ở vùng cao thôi nhưng thất thoát do tham nhũng bằng cả đóng góp của một Đảng bộ huyện trong 150 năm. Do đó, báo cáo về phòng chống tham nhũng phải rõ nét, chứ chung chung thế này bà con không yên tâm”, ông Hùng nói.
Bức xúc chuyện thu hồi đất, cướp giật
Chia sẻ tại đoàn Đà Nẵng, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nhìn nhận khiếu kiện trong thời gian qua chủ yếu liên quan đất đai do các dự án, chuyển nhượng làm không chặt chẽ. Có nhiều vụ án khiếu kiện kéo dài năm này qua năm khác, không chỉ ở địa phương mà còn kéo ra Hà Nội “ngồi suốt năm này, tháng khác”. Theo ông Chiêm, vừa qua, Chính phủ đã tổ chức hội nghị với 27 địa phương có khiếu kiện đông người, phức tạp mang lại hiệu quả rất tốt. Trên cơ sở này, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo, giải quyết quyết liệt hơn.
Tương tự, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhận định gần đây, khi thực hiện thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, đền bù, tái định cư có nhiều vướng mắc. Theo ông Khái, đối với việc thu hồi để lập các dự án kinh doanh thì phải làm thế nào để bảo đảm hài hòa giữa địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Cũng liên quan vấn đề này, theo ông Hồ Đức Phớc, việc hoàn thiện thể chế pháp luật đối với các dự án BT, BOT, đất đai đô thị... cũng cần phải quan tâm ngay. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề giá đất. “Phải thay đổi cách tính giá đất, còn nếu tính như hiện nay thì 100/100 dự án đều sai phạm”, ông Phớc nói.
Về tình trạng tội phạm, nhất là cướp giật, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bức xúc. “Ở đây có chuyện khuyến khích người dân tự bắt cướp hay không? Cá nhân tôi trân trọng những người làm việc nghĩa. Nhưng ở đây nhà nước cũng phải có thái độ”, ông Hiển bày tỏ và cho rằng ngay công an xã giao nhiều quyền hạn nhưng không được đào tạo, trang bị thiết bị nên rất khó trong làm nhiệm vụ. “Chúng ta khuyến khích người dân tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm chứ không khuyến khích người dân tay không bắt cướp”, ông Hiển nhấn mạnh.
Thảo luận tại tổ sáng 22.5 về tình hình kinh tế - xã hội 2017 và kế hoạch 2018, Tổng kiểm toán Nhà nước cho rằng cần xử lý dứt điểm 12 dự án thua lỗ ngành công thương. “Nếu chúng ta cứ kéo dài từ đầu nhiệm kỳ đến giờ và đến hết nhiệm kỳ vẫn không giải quyết được 12 dự án này với gần 100.000 tỉ vốn đầu tư (không chỉ mất vốn) mà sẽ kéo theo các hệ lụy khác như công ăn việc làm, lãng phí máy, thiết bị…”, ông Phớc lo ngại
Chiều 22.5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án luật Quốc phòng (sửa đổi). Về các vấn đề nóng được gợi ý là công nghiệp quốc phòng, an ninh và kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng, một số ĐB vẫn nhất trí tầm quan trọng của quân đội làm kinh tế, nhưng phải thu hẹp quy mô ở những lĩnh vực trọng yếu.

Bộ trưởng GTVT giải thích về trạm “thu giá”
Bên hành lang Quốc hội (QH) chiều 22.5, trả lời báo chí về việc đổi tên các trạm “thu phí” BOT thành trạm “thu giá”, Bộ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết khi gọi là phí thì mang tính chất nhà nước, phí sẽ do Quốc hội, HĐND quyết định, còn giá thì do các doanh nghiệp (DN) tự quyết định.
Hiện nay, BOT được coi là một sản phẩm của DN nên cần phải có sự điều chỉnh tên gọi cho chính xác hơn. Cũng theo ông Thể, khi chuyển qua giá thì có thể giảm giá để cân đối các phương án tài chính, còn nếu là phí thì muốn thay đổi phải thông qua nhiều bộ nên rất chậm. Do đó việc chuyển đổi tên các trạm thu phí thành trạm thu giá BOT không có gì khác mà sẽ giúp việc này linh động hơn.
Ông Thể cũng cho hay, về nguyên tắc, dn được quyền định giá nhưng nhà nước có thể điều tiết theo thị trường, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và người dân. “DN muốn tăng giá phải đăng ký với Bộ GTVT. Bộ sẽ xem xét khi nào cảm thấy hài hòa hết các lợi ích, bảo đảm chi phí xã hội thấp nhất thì mới điều chỉnh, nếu không thì không được điều chỉnh”, ông Thể nói.
Lê Hiệp - Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.