Hầm chui Văn Thánh 2: Những sai phạm tày đình đã "chìm" như thế nào?

24/03/2006 00:49 GMT+7

* Sửa chữa công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM: Dặm vá đến bao giờ? * Vấn đề là niềm tin và sinh mệnh của người dân "Hư rồi lại sửa, sửa rồi lại hư" - đó là điệp khúc não nề của hầm chui Văn Thánh 2. Trong khi dư luận theo dõi sát sao từng ngày việc thi công nhằm khắc phục hậu quả thì người ta dường như đã quên "cái gốc" của sai phạm này.

Sáng kiến "cừ tràm"

"Cái gốc" của sai phạm này xuất phát từ việc nền móng của hầm chui này được thiết kế thiếu khoa học. Lật lại hồ sơ vụ việc, đầu năm 2002, sau khi cho thông xe hầm chui Văn Thánh 2, người ta mới phát hiện ra đường chui sau mố cầu này bị lún nghiêm trọng. Trước sự việc này, Cục Cảnh sát kinh tế (nay là Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ - Bộ Công an) đã vào cuộc và phát hiện ra nguyên nhân của sự cố. Cụ thể, người được giao nhiệm vụ lập hồ sơ khảo sát, thiết kế là Lê Thanh Liêm đã dựa vào số liệu khảo sát địa chất, thủy văn của những năm 1997 - 1998 để đưa vào sử dụng cho đề án của mình. Tuy nhiên, Liêm không lường trước được rằng những vị trí mà Liêm thiết kế ở các đường chui mố cầu Văn Thánh 2 nằm trong vùng địa chất yếu, với lớp bùn sét sâu từ 28 - 30m. Dù vậy, Liêm và cộng sự là Trần Đại Minh vẫn thống nhất lập hồ sơ thiết kế các đường chui mố cầu Văn Thánh 2 với giải pháp kỹ thuật "thô sơ" là... đóng cọc cừ tràm dài 4,5m, đường kính 8 - 10 cm và mật độ là 25 cây/m2, thay vì phải đắp đất gia tải.

Bộ hồ sơ thiết kế đầy "thương tích" trên sau đó được nhiều cán bộ có thẩm quyền của Sở Giao thông-Công chính (GTCC) TP.HCM chấp nhận và đề xuất lên UBND TP.HCM phê duyệt. Ngày 26.12.2001, Ban Quản lý dự án của đơn vị chủ đầu tư là Công ty sản xuất - kinh doanh thương mại dịch vụ - xuất nhập khẩu Thanh niên xung phong TP.HCM (gọi tắt là Công ty TNXP) đã ký hợp đồng với Tổng công ty công trình giao thông (Cienco 6) thi công các đường chui sau mố cầu Văn Thánh 2, với tổng kinh phí hơn 3,98 tỉ đồng để rồi sau đó hầm chui này gây ra thực trạng chán chường trên...

9 bị can nay ở đâu?

Toàn bộ sai phạm đã bị phanh phui. Ngoài ra, cơ quan điều tra còn phát hiện ra các cán bộ tham gia xây dựng công trình đã mua bán hóa đơn để một mặt hợp thức hóa chứng từ, một mặt "kiếm lời" từ khoản tiền chênh lệch. Vì vậy, Cục Cảnh sát kinh tế lúc đó đã khởi tố 9 bị can để điều tra về ba hành vi, gồm: "tham ô", "thiếu trách nhiệm...", "vi phạm quy định của Nhà nước về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Chỉ mới từ những thông tin ban đầu, cơ quan điều tra đã phát hiện số tiền bị tham ô lên đến trên 1,3 tỉ đồng.

Thế nhưng không hiểu sao, trong khi việc sửa chữa "cái hầm chui" đang là đề tài nóng hổi của dư luận thì trái lại, vụ án hình sự hết sức nghiêm trọng này ngày càng "lắng" dần. Kể từ ngày khởi tố vụ án (tháng 7.2002) cho đến nay đã gần 4 năm nhưng những "tín hiệu" về vụ án cũng... giống như ngọn đèn dầu trước gió khi mờ khi tỏ. Sau khi khởi tố và tiến hành bắt tạm giam một số bị can, Cục Cảnh sát kinh tế đã bàn giao lại toàn bộ vụ án cho Công an TP.HCM tiếp tục thụ lý. Đến cuối năm 2003, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND TP.HCM xem xét. Ngày 10.11.2003, Viện KSND TP.HCM đã lập cáo trạng truy tố 9 bị can ra trước TAND TP.HCM để tiến hành xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên sau một thời gian nghiên cứu, TAND TP.HCM đã quyết định hoàn trả hồ sơ lại cho Viện KSND TP.HCM với một số yêu cầu điều tra bổ sung cụ thể.

Và rồi cho đến nay, hầu như chẳng ai biết vụ án "tham ô","thiếu trách nhiệm"... này đã "chìm" tới đâu. Ngay cả một luật sư bảo vệ quyền lợi cho một bị can trong vụ án, khi trao đổi với chúng tôi đã phải thốt lên rằng "không biết bây giờ vụ án đang ở giai đoạn nào". Vị luật sư này cho biết, sau khi có thông tin TAND TP.HCM trả hồ sơ, ông đã gõ cửa Viện KSND TP.HCM và cơ quan điều tra Công an TP.HCM để hỏi thăm tin tức nhưng chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn: "Hồ sơ đang được xem xét"!

Một chi tiết hết sức đáng lưu ý là trước đây, Cục Cảnh sát kinh tế (Bộ Công an) xác định các bị can trong vụ án đã tham ô trên 1,3 tỉ đồng tiền vật tư nhưng quá trình điều tra sau này, cơ quan chức năng của TP.HCM cho rằng chỉ có cơ sở để kết luận các bị can đã tham ô 87 triệu đồng, tức là chưa bằng 1/10 số tiền được phát hiện thất thoát ban đầu.

Trong những ngày gần đây, sự cố hầm chui Văn Thánh 2 được dư luận hết sức chú ý vì những sự cố này đã tô đậm việc làm thiếu trách nhiệm của các đơn vị tham gia thi công và những quan chức có thẩm quyền của ngành giao thông vận tải. Nếu "lỗ hổng" trách nhiệm chưa được làm rõ, trong tương lai sẽ còn nhiều công trình khác bị sụt lún. 

Sửa chữa công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh, TP.HCM: Dặm vá đến bao giờ?

Ngày 23.3, Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 6 vẫn tiếp tục thi công theo giải pháp bơm vữa xuống nền đường. Ông Nguyễn Ngọc Long, Cục trưởng Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông, thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, giải pháp bơm vữa chỉ là giải pháp tạm thời, nhưng cần thiết, nhằm ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra ở khu vực này. Theo ý kiến của ông Long, sau khi hoàn thành việc bơm vữa, phải tiếp tục theo dõi quan trắc trong vài tháng nữa để đưa ra một giải pháp sửa chữa triệt để. Ông Long cho biết, Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông ngày 23.3 đã gửi đến Sở GTCC TP.HCM bản thông báo nội dung cuộc họp về hướng giải quyết các sự cố liên quan đến công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có đề nghị TP.HCM cần đặt hàng các nhà tư vấn nghiên cứu để đưa ra giải pháp kỹ thuật xử lý triệt để các khuyết tật của công trình này.

Mai Vọng

Vấn đề là niềm tin và sinh mệnh của người dân

Ông Lê Hiếu Đằng, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM: "Một sự thách thức dư luận kéo dài"

Chúng tôi rất ngạc nhiên, thậm chí cảm thấy rất phẫn nộ trước những hư hỏng liên tục của cầu Văn Thánh 2 kể từ khi cây cầu này hoàn tất. Đã có nhiều ý kiến đưa ra nhưng vẫn không khắc phục được tình hình, sửa đi, sửa  lại kéo dài gây lãng phí rất lớn. Điều này nói lên sự bất lực của Bộ GTVT cũng như của chính quyền thành phố. Nếu không tìm được phương án hữu hiệu để giải quyết thì ngoài việc mất lòng tin còn ảnh hưởng đến sinh mạng của người dân. Người dân không hiểu được tại sao lại có một sự thách thức dư luận kéo dài như vậy mà lại không thấy có một sự chỉ đạo quyết liệt của một vị lãnh đạo nào. Tôi cũng tự hỏi rằng khi giao dự án này cho Công ty TNXP, người ta có xem xét đến năng lực của công ty này hay không? Cần có một cuộc giải trình trước nhân dân vì sao lại xảy ra vụ việc này, đề nghị UBND TP.HCM phải làm quyết liệt. Lẽ ra phải thanh tra toàn diện về chiếc cầu này từ lâu rồi.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM: "Người dân không thể nào chịu nổi"

Mấy ngày qua, tôi đã nhận rất nhiều cuộc điện thoại của người dân, nhất là bà con ở Q.Bình Thạnh không đồng tình với cách sửa chữa của chủ đầu tư và đơn vị thi công cầu Văn Thánh 2. Theo tôi, vấn đề mấu chốt là phải tạo an toàn cho người dân và xe cộ lưu thông trên tuyến đường. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND TP.HCM và Sở GTCC giải quyết triệt để tình trạng sụt lún ở công trình đường Nguyễn Hữu Cảnh trong cuộc họp HĐND tháng trước. Đến giờ này, ai bỏ tiền sửa chữa không thành vấn đề mà chính là niềm tin và sinh mệnh của nhân dân. Người dân không thể nào chịu nổi cảnh một cây cầu cứ sửa tới sửa lui hoài chẳng xong, trong khi thành phố còn bao nhiêu công trình khác đang chờ.

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM: "Những lỗ thủng về lương tâm, về đạo đức"

Cầu Văn Thánh 2 rồi sẽ trở thành một cây cầu "lịch sử" của thành phố này. Đáng tiếc thay, "lịch sử" ở đây lại là một nỗi nhục của ngành giao thông - công chính của chúng ta. Mà nói đích danh ở đây chính là Bộ GTVT. Bộ này phải chịu trách nhiệm trực tiếp vì những hậu quả mà mình gây ra. Những hư hỏng liên tục ở cầu Văn Thánh 2 hoàn toàn là do chủ quan, không thể đổ lỗi tại lý do khách quan được. Những lỗ thủng trên cây cầu này chính là những lỗ thủng về lương tâm, về đạo đức trong bộ máy chính quyền của chúng ta. Để lấy lại lòng tin của nhân dân, tôi đề nghị ông Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình phải đứng ra xin lỗi trực tiếp trước toàn dân. Phải tổ chức thanh tra toàn diện để phơi bày tất cả những gì còn khuất tất ra trước người dân.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM: "Người dân rất bức xúc"

Lãnh đạo thành phố và Sở GTCC đã từng đề nghị làm thêm một nhịp cho cầu Văn Thánh 2, nhưng Bộ GTVT nói cách bù lún này đảm bảo. Lần này, tôi đề nghị phải khắc phục khẩn trương vì người dân rất bức xúc. Ngoài ra, chủ đầu tư không những cần phải mời các nhà chuyên môn mà cả người dân, người ngoài chuyên môn đóng góp ý kiến.  

 

Đình Mười - Trung Bảo (ghi)

Minh Thuận

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.