Interpol Việt Nam (VPI): Những chuyên án mang khuôn mặt đàn bà

01/11/2006 00:29 GMT+7

Nhân 15 năm thành lập lực lượng Interpol VN (4/11/ 1991 - 4/11/2006), chúng tôi giới thiệu sự liên kết giữa những "đôi mắt thiên lý" của các sĩ quan lực lượng Interpol Việt Nam với lực lượng " bàn tay sắt" - các trinh sát hình sự, trinh sát chống ma túy; sự tỉnh táo đến gai người của các điều tra viên; trong nỗ lực giải cứu các cô gái bị lừa bán ra nước ngoài và bóc gỡ những đường dây tội phạm chuyên buôn bán phụ nữ xuyên quốc gia. Bài 1: Chuyên án mang bí số ST 702

Những năm 2000, nhiều cô gái nhẹ dạ đã trở thành món mồi béo bở và là những món hàng được dùng để khai thác nhiều năm của bọn buôn người xuyên quốc gia.

Lá thư ố đẫm nước mắt

Tháng 6/2002, đại tá Trần Văn Nho, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra C16, nhận một lá đơn của bà Nguyễn Thị Minh (ở Hòa Bình) tố cáo một tổ chức tội phạm chuyên lừa các cô gái nhẹ dạ bán sang Malaysia ép làm gái mại dâm; trong đó có con gái bà, 18 tuổi, tên Lê Thị Huệ. Bà Minh gửi kèm theo đơn kêu cứu lá thư con gái bà gửi về cho mẹ bị ố đẫìm nước mắt. Trong đơn có địa chỉ và tên trùm lừa đảo. Người viết đơn chỉ để địa chỉ: Tỉnh Hòa Bình. Tỉnh Hòa Bình mà ở huyện nào, xã nào mới được chứ? Nhưng linh cảm của một sĩ quan chuyên phá các án khó và nhiều dzích dzắc báo cho anh biết, đây là một vụ án không hề nhỏ, và sẽ rất khó, nhưng anh vẫn quyết định - "mở án", bởi đằng sau bức thư kia, anh biết sẽ là những đau thương.

Cuộc truy tìm sự thật được bắt đầu từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh.

Trong danh sách do Phòng Thương vụ của VN Airlines cung cấp cho C16 thì chuyến bay từ VN đi Malaysia đầu năm 2002 có cô gái tên Lê Thị Huệ, địa chỉ và năm sinh đúng như bà Minh trình báo. Cô Huệ xuất cảnh đi Malaysia thật. Nhưng hộ chiếu không do A18 cấp? Vậy là Huệ đã dùng hộ chiếu giả! Với các nội dung nghe được, từ số điện thoại do bà Minh cung cấp, C16 xác định - đó là đường dây tổ chức đưa phụ nữ ra nước ngoài bán cho các động chứa. C16 trình báo với lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát: Đây là đường dây buôn người đi các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia và ép họ làm gái mại dâm đã hoạt động từ 1998. Đường dây này không chỉ hoạt động trong nước mà còn hoạt động ở ngoài nước, do vậy, phần việc phá án từ xa phải giao cho các sĩ quan Interpol VN.

Chuyên án ra đời

Chánh văn phòng Interpol Việt Nam, đại tá Phạm Hữu Hỗ, được tướng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Bộ Công an trực tiếp giao việc. Phòng Hợp tác truy nã tội phạm quốc tế của VPI những ngày ấy sáng đèn suốt đêm ngày. Thiếu tá Chử Văn Dũng, Trưởng phòng Hợp tác truy nã tội phạm quốc tế đã phát hiện tên trùm đường dây buôn gái này là của tên Đặng Thái Sơn, tự Sơn "đen", tự David, quê Nam Định là một trùm xã hội đen ở Tiệp Khắc bỏ trốn về VN sau khi y bắn chết người bên đó và đang bị CS Tiệp Khắc ra lệnh truy nã.


Đại tá Phạm Hữu Hỗ (trái) - Chánh văn phòng VPI

Interpol Campuchia cũng thông tin với VPI là: kẻ nhận gái bên kia biên giới Việt Nam, tên là Tuấn "Adam", Phú và Hùng...

Giữa tháng 7/2002. VPI được tin - một cô gái VN bị bọn Sơn "đen "bán sang Malaysia ép bán dâm ở vũ trường BOSS (TP Selango) đã nhảy lầu tự tử, chết. Nhiều phụ nữ VN khác đang bị buộc phải bán dâm trả nợ thuế thân đã nhân chuyện này rùng rùng làm loạn và bỏ trốn. Ba cô gái may mắn chạy thoát đến Sứ quán Việt Nam với thân thể bầm dập, xác xơ .

Sứ quán Việt Nam đã thông báo sự việc trên cho VPI.

Đại tá Phạm Hữu Hỗ, đã giao cán bộ của anh khẩn trương làm những thủ tục để phối hợp với Sứ quán VN tại Malaysia giúp đỡ đưa các cô gái không may kia trở về Việt Nam.

Với những thông tin có được từ lời khai các cô gái bị lừa bán sang các nước khác và bị ép phải bán dâm cho bọn Sơn Thắng, Tuấn và các thông tin thu thập được từ các trinh sát, Tổng cục Cảnh sát quyết định mở chuyên án mang bí số ST 702.

Truy lùng đường dây buôn bán phụ nữ

Phần truy xét, bóc gỡ các đường dây tội phạm xuyên quốc gia Trưởng ban chuyên án giao cho Cục Nghiệp vụ C14 và C16. Phần việc của Interpol VN là "nhìn thật xa và nối tay thật dài" để tham gia phá án. Việc truy bóc đường dây buôn người ra nước ngoài được bắt đầu từ bọn Sơn"đen".

Sau khi nhận gái từ Việt Nam do bọn Sơn đưa sang, Tuấn "Adam" giao họ đến các khu nhà thổ cho bọn đầu gấu người địa phương chăn dắt. Do Tuyết "gom gái" không kịp nên Sơn "đen" về Hà Nội hẹn gặp Thắng "hồ", một tay đầu gấu chuyên bảo kê các vũ trường, nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội bàn việc lừa gạt các cô gái nhẹ dạ, ham tiền để bán cho Hùng "tranov". Sơn "đen' giao nhiệm vụ cho Thắng đi gom gái các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ và ven Hà Nội để chuyển vào Sài Gòn trước khi chuyển sang Campuchia.

Một đường dây lừa đảo và đưa phụ nữ đi nước ngoài trái phép và ép bán dâm được hình thành chặt chẽ, theo cấp bậc hẳn hoi.


Những cô gái bị lừa bán cho các động

Trùm của mạng lưới buôn bán phụ nữ để phục vụ cho các ổ bán dâm 3 nước kể trên là Hùng. Hắn hoạt động rất bí mật và chỉ tiếp xúc với Tuấn, Phú tại Campuchia. Hùng "mua" gái từ Tuấn, Phú với giá 3.500 USD/cô. Với điều kiện phải cao trên 1,58m, trắng trẻo, biết hát chút chút nhưng phải biết uống bia, rượu và "làm xiếc". Tuấn, Phú lại mua từ tên Sơn mỗi cô từ 2.500 - 3.000 USD. Và Sơn mua lại từ Thắng "hồ" 1.500 - 2.000 USD/cô. Nếu gái của Tuyết lừa từ các tỉnh miền Tây và ven TP.HCM thì Thắng 'hồ" chủ yếu lừa các cô gái nhẹ dạ ở Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tuyên Quang và ven Hà Nội.

VPI lại nhận được tin từ ASEANAPOL (Tổ chức Cảnh sát hình sự của 10 nước khu vực ASEAN): sẽ có một "chuyến hàng" là 13 cô gái sắp bị bán sang Campuchia. Từ thông tin của VPI, các trinh sát C16 "đeo cứng" Sơn “đen" và Tuyết. Ngày 6.8.2002, trinh sát "ngồi đồng" rải từ đầu phố đến cuối phố Hàng Hành. Một tổ trinh sát bám chân Sơn "đen” từ các nhà nghỉ ở Mai Động, Eden phố Thợ Nhuộm đến khi y đi đến phố Hàng Hành. Các cô gái được tuyển từ Yên Bái, Sơn La, Việt Trì, Hải Phòng nói giọng nặng líu, ăn mặc hở hang chưa quen nên đi ngã dúi vào nhau khi thấy nhiều người trong phố nhìn họ. Ngồi với nhau trong quán cà phê, các cô nói năng líu lo, rất vô tư. Lát sau, Sơn đến với Tuyết. Thắng 'hồ" đưa cho Sơn một bì thư dày cộm. Sơn mở hé ra xem: một xấp CMND và nhiều tấm hình cỡ 4x6 để làm hộ chiếu. Thắng "hồ" bảo các cô tự giới thiệu tên mình với "bác Sơn", quay sang nói nhỏ với Tuyết gì đấy, rồi y đi xuống phía sau quán cà phê.

Một tối, trên mạng thông tin của Tổ chức ASEANAPOL thông báo cho VPI - tên Đặng Thái Sơn, tự David, tự Sơn "đen" và Tuyết (bồ Sơn "đen") vừa từ Campuchia trở về Hà Nội để “cất hàng” theo hợp đồng mua người của Hùng "tranov". 

Ban chuyên án họp khẩn. (Còn tiếp - Bài 2: Cất lưới)

Phạm Thục

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.