Ly hôn, nên tự phân chia tài sản hay nhờ tòa chia ?

07/03/2007 23:48 GMT+7

*Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng tôi tạo lập khá nhiều tài sản chung. Hiện nay chúng tôi có ý định ly hôn nhưng nghe nói nếu nhờ tòa án phân chia thì phải đóng án phí, chi phí định giá, lệ phí thi hành án..., khá tốn kém. Còn nếu tự thỏa thuận phân chia, tôi lại sợ... không an toàn (!). Xin cho tôi biết, pháp luật quy định về vấn đề này thế nào? Nên tự phân chia hay nhờ tòa chia? (Mỹ Lệ, Q.Ninh Kiều, TP Cần Thơ)

- Điều 95 - Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như sau: "Việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết".

Như vậy luật pháp khuyến khích các cặp vợ chồng tự thỏa thuận phân chia tài sản khi ly hôn. Việc tự thỏa thuận phân chia tài sản giúp cho vợ, chồng có nhiều tiện lợi, như sau:

+Không tốn án phí, chi phí định giá, lệ phí thi hành án...

+Không mất nhiều thời gian, công sức để "hầu tòa".

+Vụ việc ly hôn sẽ đơn giản, thời gian giải quyết có thể sớm hơn.

Ngoài ra, việc tự phân chia tài sản bằng hình thức thỏa thuận cho tặng tài sản là nhà đất, xe cộ..., cho nhau trước khi ly hôn sẽ giúp cho vợ, chồng không phải đóng thuế chuyển quyền sử dụng đất, lệ phí trước bạ theo quy định.

Để việc phân chia tài sản được "an toàn", các bên cần lưu ý: đối với tài sản là tiền, vàng, đồ dùng có giá trị trong gia đình thì có thể lập tờ thỏa thuận, có chữ ký của hai bên, có người làm chứng; đối với các tài sản mà theo quy định phải đăng ký quyền sở hữu, như nhà đất, xe cộ, tàu thuyền..., thì phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực, sau đó phải làm thủ tục trước bạ và đăng ký (đăng bộ) theo quy định.

Trường hợp bất đắc dĩ không thể thỏa thuận với nhau được, tức có tranh chấp các bên mới nhờ tòa án giải quyết.

Luật gia Huỳnh Minh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.