Những nẻo đường di chúc

14/08/2009 14:37 GMT+7

Xung quanh tờ di chúc có biết bao điều suy ngẫm, từ cảm động rơi nước mắt đến những chuyện đắng chát lòng người...

Nát lòng đối phó với con

Một ông cụ có ba người con, hai con trai khá giàu nhưng không quan tâm, chăm sóc cha. Cô con gái út có hiếu, trớ trêu thay lại rất nghèo. Thấy tuổi mình khá cao nên ông lập di chúc để lại toàn bộ tài sản cho con gái.

Tình cờ hai con trai đọc được liền lồng lộn, bực tức, nói cha không công bằng đồng thời gây áp lực buộc ông viết lại di chúc. Họ quyết liệt rằng nếu việc chia tài sản không có phần của họ thì sau này đừng hòng họ lo giỗ quảy. Và họ từ luôn em gái.

Để được yên thân trong những ngày xế bóng, người cha hủy tờ di chúc cũ rồi lập hai tờ di chúc mới. Một tờ lập trước, ông ghi toàn bộ tài sản chia đều cho ba con. Vài tuần sau, ông âm thầm đến văn phòng luật sư lập thêm tờ di chúc thứ hai phủ định hoàn toàn tờ di chúc trước: truất quyền hưởng di sản thừa kế của hai con trai, chỉ định người thừa kế duy nhất là con gái út.

Ông để tờ di chúc thứ nhất cho hai con trai thấy. Còn tờ di chúc thứ hai ông giao cho một người đáng tin cậy giữ và công bố khi ông chết. Ông cụ cũng biết làm như thế thì sau này khi ông mất sẽ có nhiều phiền phức, rắc rối cho con gái út nhưng ông không có cách nào khác. Ông ảo não: “Số đất đó do tôi tạo nên, tôi muốn cho đứa nào thì cho. Chúng nó quá dư dả lại đi ăn thua đủ với em mình, mà có nhiều nhỏ gì cho cam, chỉ sáu công ruộng thôi! Chuyện hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ không thấy tụi nó nói tới, trong đầu toàn nghĩ chuyện tiền bạc mà thôi”. Quả là chua xót khi phải dùng phương cách như thế để đối phó với con ruột của mình.

Hợp lý trọn tình

Không ít người muốn thông qua di chúc gửi lại lời nhắn nhủ về sự đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người thân. Luật sư Bùi Quang Minh (Đoàn luật sư thành phố Cần Thơ) kể có lần một thân chủ của ông viết di chúc chẳng những chia đều tài sản cho các con mà còn tặng một phần tài sản cho dì, cậu, anh, chị em của mình.

Song song với chúc thư, thân chủ của ông còn viết một tờ di ngôn nói về mối nhân duyên khi may mắn được cùng chung một dòng máu ruột rà thân thuộc, khuyên người thân hãy chia sẻ, nhường nhịn, bảo vệ nhau bởi máu chảy ruột mềm, anh em như thể tay chân. Và ông yêu cầu sau khi ông mất, mỗi năm vào ngày giỗ của mình con cháu sum vầy đem di ngôn ra đọc. Luật sư Minh nói những gia đình như vậy thường là gia đình hạnh phúc bởi mỗi thành viên trong đó sống vì người thân, ngay cả khi không còn trên cõi đời vẫn ráng bện chặt những mối tình cảm với sợi dây huyết thống thiêng liêng.

Đa số người lập di chúc đều cân nhắc rất kỹ vì biết có thể gây sóng gió hay sẽ giúp con cháu thắt chặt tình cảm sau này. Lần đó, được nữ thân chủ nhờ tư vấn làm di chúc để lại tài sản là 24 cây vàng cho hai cô con dâu, luật sư Minh ngạc nhiên. Sau đó ông thấy phục thân chủ. Hai con trai bà vốn nghiện rượu lại mê cờ bạc. Bà suy nghĩ rất lung, nếu để lại cho các con trai thì có nguy cơ nếu không đốt hết vào rượu chè cũng tiêu sạch vào trò đỏ đen. Vì vậy bà để lại cho những nàng dâu rất siêng năng, hiếu thảo. Ngoài việc bù đắp sự thiệt thòi khi gặp phải những tấm chồng như thế, bà cũng muốn để con dâu có vốn nuôi các cháu nội bà sau này.

Cũng có cụ trước khi lập di chúc đã họp con cháu đến đông đủ, bàn thảo nên chia tài sản như thế nào, tại sao phải chia như vậy, ai cũng có ý kiến đến khi tất cả nhất trí với nhau. Phương pháp này vừa làm các thành viên trong gia đình thấy được sự tôn trọng vừa tránh xung đột, xào xáo về sau.

Thế nào là di chúc hợp pháp?

Di chúc được coi là hợp pháp nếu tuân thủ đủ các điều kiện quy định tại điều 652 Bộ luật dân sự 2005, cụ thể như sau:

1. Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép.

2. Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.

Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi chỉ hợp pháp khi được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

Trong trường hợp người lập di chúc là người bị hạn chế về thể chất hoặc người không biết chữ thì di chúc phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

* Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ hai điều kiện 1 và 2 nói trên.

* Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Lưu ý thêm: di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết (điều 646 Bộ luật dân sự 2005). Như vậy, chắc chắn cho dù lập di chúc dưới hình thức nào thì người lập di chúc phải xác định được rõ tài sản của mình muốn để lại là tài sản gì và để lại cho ai. Di chúc càng thể hiện rõ nguyện vọng càng dễ được thực thi.

Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU

Theo MINH TM / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.