Sai phạm nghiêm trọng trong quản lý đất đai ở Hóc Môn, TP.HCM

16/04/2007 21:52 GMT+7

Bài 2: Lãnh đạo huyện Hóc Môn có bị "bịt mắt"? Vụ giúp Công ty Thành Phát cơ hội chiếm dụng hàng ngàn lượng vàng của Nhà nước chỉ là một điển hình trong chuỗi những sai phạm về quản lý đất đai ở Hóc Môn. Theo tìm hiểu của Thanh Niên, những sai phạm trong hàng loạt dự án đang được các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ để đưa ra xử lý trước pháp luật.

Ưu ái cho "cò" rút tiền Nhà nước!

Từ năm 2003, UBND TP.HCM chấp thuận và ghi vốn xây dựng cơ bản cho Hóc Môn đầu tư xây dựng 3 trường THPT trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu học hành của con em người dân địa phương.

Không chỉ ghi vốn, thành phố còn có chủ trương cho huyện mượn hàng chục tỉ đồng để nhanh chóng tìm đất, giải tỏa đền bù phục vụ việc xây trường, tránh tình trạng giá đất bị đẩy lên cao gây thất thoát ngân sách. Thế nhưng, không hiểu sao suốt nhiều năm liền, Hóc Môn không thể tìm được địa điểm đầu tư trường học, với lý do: "Không thể thỏa thuận được với người dân giá đền bù từ 360.000 - 370.000 đồng/m2", cho dù đất trống trên địa bàn không phải ít.

Lý do trên càng không thể hiểu được khi vào tháng 8.2005, tức hơn 2 năm sau khi được thành phố ghi vốn đầu tư, tổ công tác cũng do chính UBND huyện Hóc Môn lập (gồm Phòng Tài chính - Kế hoạch, Ban Quản lý dự án xây dựng trường học, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Giáo dục...) lại tìm được một khu đất 4,1 ha thuộc xã Tân Hiệp, có vị trí thuận lợi để làm trường và quan trọng là người dân đồng ý chuyển nhượng với giá rẻ, khoảng 360.000 đồng/m2.

Ngày 26.8.2005, ông Dương Minh Trung thay mặt tổ công tác có tờ trình gửi UBND huyện diễn giải mức giá 360.000 đồng và xin được tạm ứng 80% mức giá này cho ông N.V.K, người có 13.443m2 đất trong tổng số 4,1 ha, tổng số tiền 3,87 tỉ đồng. Ngay hôm sau, 27.8.2005, tờ trình của ông Trung đã có chữ ký phê duyệt của Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Khỏe. Tương tự, ông Trung trình và ông Khỏe duyệt đã tạm ứng cho 2 hộ dân khác có đất trong khu 4,1 ha. Tổng số tiền tạm ứng cho 3 hộ đã lên đến hơn 7,7 tỉ đồng.

Sẽ không có gì đáng nói nếu thực sự UBND huyện sau nhiều năm vất vả đã tìm được giá đất rẻ, nên phải nhanh chóng tạm ứng tiền để "giữ đất" sau khi thỏa thuận được với người dân. Thực tế, theo tìm hiểu của chúng tôi, toàn bộ diện tích hơn 1,34 ha ông N.V.K có được là do vừa chuyển nhượng từ bà P.T.H ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp vào đầu tháng 7.2005, với giá mỗi m2 thấp hơn 360.000 đồng rất nhiều. Hầu hết trong số đất này là đất trồng lúa nước.

Theo quy định của thành phố, đất chuyên trồng lúa nước chỉ được phép chuyển nhượng cho người cùng quận, huyện. Trong khi đó, ông K. ở Q.12, nhưng không hiểu sao vẫn chuyển nhượng được một diện tích đất trồng lúa lớn như vậy. Chưa hết, chuyển nhượng được 3 tuần thì ông K. có được sổ đỏ toàn bộ khu đất này, một tốc độ làm sổ đỏ cũng vào hàng "kỷ lục" (quy định là 30 ngày). Theo dư luận tại địa phương, trong phi vụ này ông N.V.K đã lãi khoảng gần 2 tỉ đồng trong vòng chưa đầy 1 tháng! Lý giải về sự làm ăn gặp thời của ông K., nhiều người dân ở Hóc Môn cho biết vì ông K. là một "cò" đất có tiếng và có mối quan hệ thâm tình với nhiều cán bộ ở Hóc Môn.

Đường vào khu dân cư  Đại Hải

Cũng với kiểu "tung-hứng" như trên là phi vụ đền bù 1 ha đất ở ấp 3, xã Đông Thạnh trả cho Hội người Hoa để làm nghĩa trang. Ngày 29.11.2004, huyện Hóc Môn mới ký quyết định thành lập Hội đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và san lấp 1 ha đất trả cho Hội người Hoa, nhưng trước đó ngày 2.11 Chủ tịch xã Đông Thạnh Trần Văn Tè cùng cán bộ địa chính xã Nguyễn Văn Dò đã vượt quyền chủ tịch huyện và qua mặt luôn hội đồng, thỏa thuận giá chuyển nhượng gần 5.000m2 đất của ông Đ.V.T, ở Đông Thạnh (cũng là một "đầu nậu" đất có tiếng tại Hóc Môn) với giá 320.000 đồng/m2, tổng số tiền lên đến hơn 1,577 tỉ đồng.

Giá này sau đó được trình lên cho Dương Minh Trung và Trung lại có tờ trình chủ tịch huyện duyệt tạm ứng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách huyện. Tờ trình ngày 3.2.2005 thì ngay trong ngày đã được chủ tịch huyện cho phép tạm ứng hơn 738 triệu đồng! Lại một kỷ lục về thủ tục hành chính được xác lập, nhưng điều đáng nói là theo nhiều người dân địa phương, giá đất tại khu 1 ha này vào thời điểm cuối năm 2004 chỉ khoảng trên 100.000 đồng/m2, bằng 1/3 giá ông T. được đền bù!

Ông chủ tịch huyện có bị "bịt mắt"?

Sau khi quyết định thu hồi, hủy bỏ các quyết định giao đất cho Công ty Thành Phát, mới đây, UBND TP cũng đã quyết định giao thanh tra thành phố tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Hóc Hôn. Trong khi đó, một nguồn tin của Thanh Niên cho biết, cơ quan công an vẫn tiếp tục tìm hiểu, củng cố bằng chứng về những sai phạm trong quản lý đất đai liên quan đến các cán bộ xã, huyện ở Hóc Môn.

Hẳn bạn đọc Báo Thanh Niên còn nhớ vụ 1.000 căn nhà xây trái phép ở xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, phá vỡ quy hoạch hàng chục ha, đến nay vẫn chưa giải quyết hết hậu quả, hàng ngàn hộ dân vẫn đang phải sống trong nỗi thấp thỏm sợ bị giải tỏa. Vào tháng 11.2005, sau khi Thanh Niên có loạt bài phanh phui vụ việc, trả lời Báo Thanh Niên về trách nhiệm của chính quyền huyện trong vụ việc này, Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Khỏe đã có câu nói "nổi tiếng": "Nó thành cái chợ trời ở dưới mà mình trên này không biết". Trong vụ việc này, ông Khỏe cho rằng mình đã quá tin vào cấp dưới và bị cấp dưới qua mặt. Rất nhiều bạn đọc sau đó gửi thông điệp đến báo tỏ thái độ không hài lòng với cách trả lời của ông Khỏe.

Nhưng đó là chuyện cũ. Chuyện mới, vụ việc Công ty Thành Phát, theo thông tin của chúng tôi ông Khỏe cũng cho rằng mình bị qua mặt và đổ vấy hết trách nhiệm cho cấp dưới cũng như Tổ công tác liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường đứng đầu. Tuy nhiên, có những bằng chứng cho thấy ông chủ tịch huyện không thể chối bỏ trách nhiệm.

Cụ thể, cuộc họp Tổ liên ngành ngày 25.1.2005, bà Nguyễn Thị Cẩm Vân, ủy viên thường trực Tổ công tác liên ngành đã có ý kiến: "Trong trường hợp huyện Hóc Môn nhận thấy có thể giao đất trước, sau đó huyện sẽ có trách nhiệm khẩn trương lập hoàn chỉnh 1/2.000 và trình duyệt theo quy định thì huyện sẽ có văn bản đề nghị chính thức, Sở sẽ trình UBND TP giao đất".

Kết thúc cuộc họp, các thành viên cũng thống nhất đề xuất: "Thuận trình UBND TP sau khi huyện có văn bản đề nghị thực hiện theo nội dung trên". Nội dung này cho thấy việc có trình TP giao đất trước khi có quy hoạch 1/2.000 cho Thành Phát hay không chủ yếu dựa vào UBND huyện Hóc Môn. Và ngày 1.2.2005, ông Khỏe đã có văn bản số 82/UB gửi Sở Tài Nguyên và Môi trường, với nội dung: "Ủy ban huyện Hóc Môn xét thấy dự án nêu trên của Công ty Thành Phát có thể giao đất trước, không gây ảnh hưởng gì đến quy hoạch sử dụng đất...". Ủy ban huyện đã "xét" thì không thể nói bị "qua mặt".

Không chỉ trong vụ Thành Phát, còn nhiều bằng chứng khác cho thấy ông chủ tịch huyện đã "nương tay" cho nhiều sai phạm về đất đai trên địa bàn. Và một trong những vụ việc đã trở thành "giai thoại" khi ông cho doanh nghiệp dịch chuyển cả một con đường chỉ vì "mê tín dị đoan".

Vào những năm cuối thập niên 90, DNTN Đại Hải do bà N.T.G làm giám đốc thực hiện dự án khu nhà ở tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn. Dự án sau này được thanh tra kết luận có rất nhiều những sai phạm, như không thực hiện đầy đủ các hạng mục đường giao thông, điện, nước, vỉa hè, công viên; tự ý phá vỡ quy hoạch, xây nhà lấn lên đất công viên, cho xây dựng hơn 120 căn nhà không phép... Đặc biệt, theo các chỉ tiêu quy hoạch được duyệt, trong dự án không hề có đất sản xuất, nhưng vẫn mọc lên một xưởng may.

Khôi hài hơn, vào ngày 8.8.2000, Giám đốc Đại Hải có đơn xin chỉnh đường với nội dung: "Kính thưa ủy ban hiện nay DNTN Đại Hải đang quy hoạch khu dân cư tại xã Xuân Thới Thượng huyện Hóc Môn. Con đường nằm trong khu quy hoạch mở rộng 1 ha đặt thẳng vào xưởng may pháp. Vì quan tâm và phục vụ khách hàng. Họ thắc mắc là không được đặt đường nhìn thẳng vào giữa xưởng của họ, nên tôi làm đơn này đề nghị ủy ban giúp đỡ hỗ chợ cho DN Đại Hải xin dịch con đường về phía tây bắc 3m. Để tránh sự buồn phiền của xưởng may nằm trong khu Đại Hải, giúp phần ổn định tư tưởng của xưởng yên tâm sản xuất" (trích nguyên văn). Bất chấp nội dung đơn đầy tính "mê tín dị đoan" và theo quy hoạch được duyệt trong khu dân cư không có xưởng sản xuất, ngay trong ngày 8.8.2005, ông Nguyễn Văn Khỏe lúc này là Phó chủ tịch huyện đã phê "Đồng ý cho dịch con đường dải phân cách nội bộ về phía... là 03m (ba)...".

Nhóm PV Xã Hội

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.