Tổng kết thi hành án phần dân sự vụ EPCO-Minh Phụng: Còn hàng ngàn tỉ đồng chưa thi hành xong

10/09/2011 00:21 GMT+7

Hôm qua, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị “Tổng kết thi hành án phần dân sự trong vụ án EPCO-Minh Phụng”, do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính chủ trì. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư pháp tổ chức tổng kết một vụ thi hành án.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) - Bộ Tư pháp khẳng định: đây là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất cả nước, với tổng số tiền mà Liên Khui Thìn, Tăng Minh Phụng và các doanh nghiệp nhóm Epco-Minh Phụng có nghĩa vụ phải bồi thường cho 6 ngân hàng là hơn 5.585 tỉ đồng và 33.340.239,19 USD.

Theo ông Thủy, sau gần 11 năm tổ chức thi hành án, tính đến tháng 6.2011, kết quả thi hành án đã khắc phục cơ bản những thiệt hại do các bị cáo gây ra, thu hồi cho Nhà nước, cá nhân và doanh nghiệp với số tiền 3.649 tỉ đồng, 25 triệu USD và 445,5 lượng vàng SJC. Hiện tại, còn 3 ngân hàng chưa thu hồi đủ số nợ là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, trong đó TMCP Công thương Việt Nam là đơn vị có số nợ còn phải thu nhiều nhất (hơn 1.977 tỉ đồng và 376.590 USD). Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã thu hồi đủ số nợ của nhóm Minh Phụng, chỉ còn phải thu hồi số nợ của nhóm Liên Khui Thìn.

Tại buổi tổng kết, đại diện Ngân hàng Công thương VN bức xúc cho biết: “Hiện ông Liên Khui Thìn đang nợ chúng tôi 82 tỉ đồng”. Ông Hoàng Doãn Đức (Phó chánh tòa Hình sự TAND tối cao tại TP.HCM) cũng nêu thắc mắc: “Tôi thấy làm lạ ở chỗ, nếu muốn được đặc xá thì phải bồi thường thiệt hại 100%. Tôi cũng không hiểu sao chưa bồi thường hết mà ông Thìn lại được đặc xá? Trong khi đây là điều kiện tiên quyết trong xét đặc xá...”.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chính nhận định: Đây là vụ án lớn phức tạp, mất gần một năm mới có được báo cáo tổng kết cho thủ tướng. Thi hành gian nan 11 năm, nhưng tài sản thu được mới 60%. Rõ ràng đây là thiệt hại cho bài học quản lý tài chính và hoạt động ngân hàng... Là cơ sở để các bộ, ngành hữu quan kịp thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về tài chính - tín dụng, đất đai và tố tụng...

Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.