Vụ Bị khống chế đưa vào bệnh viện tâm thần: Có dấu hiệu vi phạm pháp luật

07/10/2011 00:32 GMT+7

Cách làm của Bệnh viện (BV) Tâm thần TP.HCM trong vụ ông M.V.T bị khống chế đưa vào BV, theo nhiều nhà chuyên môn và luật sư (LS) là có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Khoa A, khu ông M.V.T bị giữ - ảnh: L.N

Sai phạm về chuyên môn

Như Thanh Niên thông tin, sau khi bị khống chế đưa vào BV, ông T. bị đưa ngay vào ở chung với các người bệnh tâm thần khác. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - giảng viên ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng: “Với những trường hợp chưa định bệnh rõ ràng, nếu BV có đủ điều kiện, có phòng, khu vực riêng thì mới được lưu “bệnh nhân” lại để theo dõi, nhưng trong vòng 24-36 giờ phải có chẩn đoán cho họ. Vì để một người chưa được chẩn đoán, xác định bệnh ở cùng phòng với người mắc tâm thần thật sự rất nguy hiểm! Môi trường này rất dễ khiến người không bệnh cũng hóa… điên. Ngay cả bác sĩ (BS) làm ở lĩnh vực này cũng có người “nhiễm” bệnh”.

Điều đáng nói là ông M.V.T được tiêm thuốc ngay khi vừa vào BV Tâm thần. “Điều này cực kỳ nguy hiểm và sai phạm về chuyên môn. Vì khi chưa có chẩn đoán bệnh rõ ràng thì không được cho họ sử dụng thuốc trị bệnh tâm thần. Nếu người không mắc bệnh tâm thần mà bị tiêm thuốc tâm thần sẽ khiến họ bị ngầy ngật, lơ mơ. Khi đó, BS hỏi bệnh, họ sẽ dễ nói sai, điều này càng khiến BS nghĩ họ có bệnh!”, PGS-TS Nguyễn Hoài Nam phân tích.

Việc BV cho ông T. nhập viện ngay khi người nhà đưa tới mà không có một bước thẩm định nào, theo LS Nguyễn Thanh Lương, Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bến Tre, là quá dễ dãi và có phần tùy tiện. “BV muốn cho một người nhập viện tâm thần điều trị thì cần có xác nhận của chính quyền địa phương (ngoài lời khai của người nhà), có tiền sử bệnh án...”, ông Lương nói.

Có dấu hiệu phạm pháp

LS Nguyễn Thanh Lương phân tích: “Người nhà ông T. có thể vì những ngộ nhận, nhầm lẫn đánh giá rằng ông T. bị bệnh tâm thần nên gửi vào BV điều trị. Nhưng khi đưa ông T. đến BV rồi thì trách nhiệm xác định ông có bệnh hay không, cần nhập viện hay điều trị ngoại trú là của BS. Khi xác định ông T. không có bệnh thì phải cho ra viện ngay lập tức, chứ không cần thiết phải có chữ ký của bất cứ ai nữa. Ông T. là một công dân bình thường, không cần phải có bất cứ ai bảo lãnh để “phục hồi” quyền công dân, quyền về nhân thân”.

Cũng theo LS Lương, những người có trách nhiệm ở BV “nhốt” (phòng có khóa) một người bình thường như ông T. là đã có dấu hiệu phạm tội hình sự “giữ người trái pháp luật”, còn những người bắt (người thuê và người được thuê) ông T. vào BV là có dấu hiệu của tội “bắt người trái pháp luật”.

Đồng quan điểm này, LS Nguyễn Văn Đức, Đoàn LS tỉnh Bình Phước, lập luận: Chiếu theo quy định của pháp luật dân sự không ai có thể bị xem là mất năng lực hành vi dân sự nếu chưa có kết luận của cơ quan chuyên môn và quyết định của tòa án. Ông T. là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có quyền được yêu cầu BV phải cho ông xuất viện mà không cần phải có ý kiến hay sự đồng ý của người nhà...

Làm rõ việc điều trị ở BV Tâm thần TP.HCM

BS Phạm Việt Thanh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết qua vụ việc Báo Thanh Niên phản ánh, Sở Y tế đã yêu cầu Giám đốc BV Tâm thần báo cáo, trình bày sự việc; đề xuất chấn chỉnh những quy trình, những khâu chưa hợp lý.

Sở Y tế cũng sẽ rà soát lại những gì còn sơ hở, nghiên cứu tìm biện pháp nhằm chấn chỉnh cho phù hợp và chặt chẽ hơn. Còn ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nói: “Nếu BS đánh giá thấy bệnh nhân đã đủ điều kiện sức khỏe, thể chất và tâm thần, đủ điều kiện chịu trách nhiệm về năng lực hành vi thì có thể quyết định cho người đó ra viện, chứ không nhất thiết phải chờ có người đến "ký nhận" bàn giao”. (T.Tùng - L.Châu)

Không phải cá biệt

Trước đây, từng có vụ người không điên bị bắt đưa vào BV tâm thần mà Báo Thanh Niên đã phản ánh. Đó là ông Đ.H.T (làm việc tại một cơ quan nhà nước ở TP.HCM). Buổi tối, ông Đ.H.T đang ở nhà thì con dâu ông gõ cửa. Khi vừa mở cửa, ông bị hai thanh niên to khỏe (sau này mới biết là bảo vệ BV Tâm thần TP) xông vào đè xuống, lấy dây điện trói tay chân lại, khiêng lên xe taxi đưa vào BV Tâm thần TP.

Tại đây, ông đã được BS cho nhập viện, tiêm thuốc "chống loạn thần" và cho ở chung với những người bệnh tâm thần thật sự. Sau khi ra viện, ông Đ.H.T tố cáo việc ông bị bắt vào BV Tâm thần là do tranh chấp tài sản.

Ngày 20.3.2006, TAND Q.3, TP.HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bắt ông Đ.H.T vào BV Tâm thần, tuyên phạt hai bảo vệ của BV này là Đặng Kinh Luân và Huỳnh Thanh Liêm 2 năm cải tạo không giam giữ về tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Ngoài ra, HĐXX cũng kiến nghị xử lý hành chính đối với BS điều trị vì đã thiếu trách nhiệm trong việc tiếp nhận bệnh nhân... (Lê Nga)

Thanh Tùng - Lê Nga

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.