Vụ sai phạm đất đai ở Bình Dương: Lãnh đạo tỉnh đương nhiệm phải giải quyết hậu quả

26/09/2006 23:44 GMT+7

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương như ngồi trên lửa khi các vụ sai phạm đất đai trong tỉnh bị phanh phui ngày càng nhiều. Phần lớn các sai phạm đều thuộc các nhiệm kỳ trước, song các vị đương nhiệm buộc phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp để tìm cách giải quyết hậu quả. Thanh Niên đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh và bà Nguyễn Thị Kim Vân, Phó chủ tịch UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Bắt đầu bằng vụ mới nhất, đó là việc chia chác 52,9 ha cho 14 cán bộ Văn phòng Huyện ủy Bến Cát. Được biết, đó là chủ trương của tỉnh?

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Chủ trương của tỉnh lúc bấy giờ, tức cách nay khoảng 10 năm là kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư vào đất nông nghiệp vốn còn hoang hóa. Một nhóm người nhận hơn 50 ha đất song làm ăn không hiệu quả nên trả lại Văn phòng Huyện ủy Bến Cát. Lúc này, huyện thành lập Công ty cao su Bến Cát nên 52,9 ha này giao cho công ty làm luôn. Một thời gian sau, Công ty cao su Bến Cát lại sáp nhập với Xí nghiệp 3/2 rồi giao đất cho họ. Văn phòng Huyện ủy thấy vậy mới xin lại phần đất đã giao lúc trước để bán lại cho những người trong cơ quan cải thiện cuộc sống. Phần lớn những người được chia đất là người có công, cán bộ về hưu...

* Xin ông nói rõ là bán hay là chia đất cho cán bộ?

Ông Nguyễn Hoàng Sơn

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Thực tình lúc bấy giờ giá đất còn thấp do cây cao su trồng không hiệu quả, giá thấp. Tỉnh chủ trương là bán chứ không phải phân phát. Tôi còn nhớ giá bán cho cán bộ bấy giờ còn cao hơn giá thị trường bên ngoài. Bây giờ giá cao su lên cao, giá đất cũng tăng lên nên nhiều người không mua trong thời điểm đó tiếc rẻ, thậm chí khiếu nại.

* Vụ đặc biệt nghiêm trọng là việc giải thể Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu Bình Dương (Sobexco) kéo theo hàng ngàn ha đất bị chia chác tứ tung. Theo ông, có những sai phạm nào trong vụ  này?

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Cũng như vụ 52,9 ha đất ở Văn phòng Huyện ủy Bến Cát, gần 1.000 ha đất nông nghiệp do Công ty Sobexco quản lý đã bán và cấp chủ quyền cho người mua. Thanh tra tỉnh đã có kết luận về vụ việc, trong đó nêu ra 2 sai phạm chính: đối tượng được cấp chủ quyền không đúng và trình tự thủ tục không hợp lý.

* Trong danh sách các đối tượng được cấp chủ quyền nhiều người rất xa lạ với tỉnh, hộ khẩu ở các địa phương khác?

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Đúng là nhiều người không thuộc địa phương. Lúc công khai bán đấu giá lô cao su hơn 350 ha, có 3 nhà đầu tư tham gia là nhóm ông Phạm Soái ở TP.HCM, Công ty Toàn Thắng ở huyện Dĩ An (Bình Dương), và Công ty Tân Đại Lợi ở TP.HCM. Nhưng  đến giờ chót chỉ còn lại nhóm của ông Phạm Soái, 2 nhà thầu kia bỏ cuộc. Giá bán cuối cùng là 50 triệu đồng/ha. Ngay từ đầu chúng tôi đã xác định phải bán nguyên lô mà không chia nhỏ vì việc giải thể Sobexco cần phải thu hồi vốn nhanh. Ông Phạm Soái đứng ra đại diện đấu thầu sau đó chia lại cho những người trong nhóm.

* Có vẻ như việc sai phạm xuất phát từ sự nhập nhằng giữa thanh lý vườn cây cao su trên đất và bán đất cùng với vườn cây. Điều đó có nghĩa các nhà đầu tư được "biếu không" hàng trăm ha đất?

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Lúc bấy giờ cao su còn quá nhỏ, nếu bán cây thì không ai mua nên phải giao luôn đất và cây cao su cho họ.

Bà Trần Thị Kim Vân

- Bà Trần Thị Kim Vân: Đó chính là sai phạm mà thanh tra tỉnh đã nêu ra. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ giá bán vườn cây lúc bấy giờ là hợp lý.

* Việc thanh lý tài sản của công ty là chuyện bình thường, song vấn đề là người dân đã phản ứng trước việc thanh lý hàng trăm ha cao su không rõ ràng này?

- Bà Trần Thị Kim Vân: Chúng tôi là những người đương nhiệm, việc sai phạm rơi vào các nhiệm kỳ trước, song vấn đề là chúng tôi sẽ cố gắng tìm phương án giải quyết khả thi nhất để an dân và phát triển địa phương. Nếu sai phạm thì chúng tôi sẵn sàng sửa chữa. Chẳng hạn, thay vì giao đất, chúng tôi chuyển sang cho thuê.

- Ông Nguyễn Hoàng Sơn: Việc khiếu nại của người dân hiện không phải là vấn đề chính yếu mà chúng tôi hiện đang băn khoăn một giải pháp dung hòa giữa các sai phạm mang tính chất lịch sử và quyền lợi của các bên có mặt trong vụ việc này.

* Vụ 52,9 ha đất của Công ty cao su Bến Cát: Năm 1987, Văn phòng Huyện ủy Bến Cát nhận 52,9 ha đất của nông trường điều TP.HCM. Năm 1996 giao lại cho Công ty cao su Bến Cát trồng cao su. Năm 2001 tiếp tục giao lại cho UBND huyện Bến Cát để "phân bổ cho nhân dân". Có tổng cộng 14 người được phân bổ trong mảnh đất 52,9 ha gồm: 1 cán bộ hưu trí, 7 cán bộ đang công tác tại Huyện ủy Bến Cát và 6 người không rõ nghề nghiệp.

* Vụ 981,057 ha đất của Công ty Sobexco: Tháng 11/2001, Sobexco giải thể, UBND tỉnh có nhiều quyết định thu hồi 981,057 ha đất của công ty sau đó giao cho dân (dạng nhận khoán) 320,24 ha (112 hộ); đấu giá chuyên dùng 0,918 ha; bán thẳng vườn cây cao su không qua đấu giá 306,979 ha; bán vườn cây qua đấu giá 325 ha. Đến nay, UBND huyện Bến Cát đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 72 hộ với diện tích tổng cộng 659,897 ha.

Hùng Sơn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.