Những bộ hài cốt vô danh
Năm 1957, gia đình bà Rược rời quê hương Hải Dương vào Đơn Dương (Lâm Đồng) lập nghiệp. Mảnh đất mà căn nhà gia đình bà đang ở được mua lại từ năm 1970 và dựng một căn nhà gỗ để ở, làm ăn sinh sống.
Năm 1981, căn nhà được làm lại, rồi đến năm 2001 thì được xây mới hoàn toàn cho đến ngày nay. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như dưới nền nhà không có những bộ hài cốt vô danh vừa phát hiện và trở thành câu chuyện “thời sự” ở xứ cà chua của vùng đất Nam Tây nguyên này.
Mới đây - ngày 19.4, chúng tôi tìm đến với gia đình bà cũng là ngày mà gia đình bà chuẩn bị đưa 3 bộ hài cốt vừa tìm thấy trước đó vài hôm ra nghĩa địa cải táng. Có lẽ do lo lắng với công việc này trong hơn 1 tháng qua nên trông bộ dạng bà Rược rất mệt mỏi.
Anh Vũ Văn Túc - con trai bà Rược kể: “Cách đây khoảng gần 10 năm, gia đình phát hiện một bộ hài cốt đầu tiên và đã đưa ra nghĩa địa Thạnh Nghĩa chôn cất và xây mộ phần tử tế. Tưởng chỉ có vậy, ai ngờ cuộc sống trong gia đình có những xáo trộn bất thường, đến trước Tết nguyên đán vừa qua có phát hiện thêm một bộ hài cốt nữa, và rồi hơn một tháng nay thì phát hiện rất nhiều, tổng cộng có 20 bộ hài cốt, gia đình mua hòm, mua áo quan về khâm liệm đàng hoàng rồi đưa ra nghĩa địa chôn cất”.
Ban đầu tưởng ít nên đào được bộ hài cốt nào, gia đình liền trám lại nền nhà chổ đó, sau này nhiều quá nên không thể trám xuể, nền nhà đến nay đã bị đào bới toang hoang nhưng… chưa chắc đã hết. “Với quan niệm tâm linh và tình cảm con người, gia đình tự gom góp mua quan tài, áo quan, lo cho “họ” có mồ yên, mả đẹp, yên nghỉ ngàn thu mà không báo cho hàng xóm hay chính quyền địa phương biết việc này. Tất cả xương đen thì cho vào hòm, còn những đất hơi đen đen ở xung quanh mỗi hài cốt gia đình bà cũng hốt mang cả ra nghĩa địa để khỏi bị bỏ sót chút gì”- anh Túc cho biết thêm. Trong suốt thời gian qua, ban ngày cả gia đình bà Rược mở cửa làm ăn buôn bán, tối lại đóng cửa miệt mài đào bới, và trong những ngày gần đây thì hầu như không còn làm ăn gì được mà để tâm trí đào bới tìm kiếm mong sao cho không còn ai nằm lại đây nữa!
Cần xác định rõ nguồn gốc?
“Từ trước đến nay tại thị trấn Thạnh Mỹ cũng có nhiều gia đình khi làm nhà phát hiện một vài bộ hài cốt, nhưng đây là lần đầu tiên gia đình bà Rược phát hiện nhiều đến vậy”- ông Phạm Phú Đào, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạnh Mỹ cho biết.
Từ khi việc làm này của gia đình bà Rược không còn giữ được bí mật, thì nhiều tin đồn và những nghi ngờ về nguồn gốc xung quanh những bộ hài cốt này cũng xuất hiện theo. Bà Rôda Nai Chuông (SN 1942) ở gần đó kể: Trước kia vùng đất này còn hoang vu lắm, hầu hết người đồng bào dân tộc, chỉ có một vài hộ người Kinh, người Tàu ở đây thôi, còn lại là người Pháp gồm những sĩ quan, y tá, các chủ đồn điền, những tu sĩ, trí thức...
Gần nhà bà có một đồn binh của Pháp, dưới chỗ nhà bà Rược bấy giờ là một vũng sình, lầy và gần đó có một trạm y tế. Sau này bà nghe ông cậu kể lại rằng, khi bà hơn 5 tuổi, vào một buổi chiều tại mảnh vườn bây giờ là nhà bà có hơn 20 người Pháp, trong đó có cả phụ nữ liên hoan, tiệc tùng vui say ca hát; được mấy tiếng đồng hồ- đến khoảng gần 16 giờ chiều thì bổng nhiên tất cả họ đều nằm lăn cả ra và không thấy động tỉnh gì.
Sau đó có hai người đàn ông dùng võng khiên từng người một đi cho đến hết, theo sau còn có một phụ nữ rất đẹp. Bản tính của người đồng bào dân tộc không thích tò mò, rồi sau đó họ lo công việc của mình nên không theo dõi những người kia được khiên đi đâu… (?!) Điều đáng chú ý, gia đình bà Rược cũng phát hiện được một số vật dụng như gọng kính mắt, nịt ngực, váy đầm, nắp lon sữa, viên đạn garang… Chính những điều này mà nhiều tin đồn cho rằng những bộ hài cốt này là của người Pháp (?).
Ông Phạm Phú Đào cho rằng: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, chỗ nhà bà Rược trước kia là một vũng sình bên cạnh ngã 3 đường; và chỗ này cũng từng là nơi chứa rác, biết đâu những vật dụng kia là rác lâu ngày bị chôn vùi?”. Khi tiếp xúc với chúng tôi, những lãnh đạo thị trấn cũng hay, những bộ hài cốt này tìm thấy nằm trong mọi tư thế, đây là kiểu chôn lén lút, chôn vùi dập; rất khó xác định được đây là những bộ hài cốt của người nào.
Bởi nói của người Pháp cũng không chắc, vì sao họ lại chôn cất như vậy; nói là của những phu làm đường cũng chưa đúng; mà nói của những người đồng bào dân tộc cũng càng không đúng vì họ chôn theo nhà mồ (từng tầng) và có chum, chóe, xà gạt… chôn theo? Hàng loạt nghi vấn được đưa ra nhưng không thể xác định được chính xác là đâu. Chính vì vậy cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu để có một kết luận chính xác.
H.B
Bình luận (0)