Phát hiện voi châu Á ở Quảng Nam

Thu Hằng
Thu Hằng
06/05/2021 17:09 GMT+7

Các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ghi nhận 1 quần thể voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus,1758), với 2 cá thể cái tại tỉnh Quảng Nam.

Thông tin xuất hiện quần thể voi châu Á này được Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam công bố ngày 6.5.
Theo đó, 2 cá thể voi châu Á gồm 1 cá thể cái trưởng thành khoảng 40-45 tuổi và 1 cá thể cái bán trưởng thành khoảng 20-25 tuổi, được ghi nhận tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Phước Trà và Phước Gia, H.Hiệp Đức (Quảng Nam).
Vùng hoạt động hiện nay của quần thể voi gồm những mảnh rừng bị tác động mạnh và phân tán, nằm trên ranh giới của 4 xã: Trà Đốc (H.Bắc Trà My), Phước Trà, Phước Gia và Quế Lưu (H.Hiệp Đức).
Tổng diện tích vùng hoạt động hiện nay của đàn voi khoảng 3.500 ha, trong đó có 3.000 ha (chiếm 85,7%) là rừng tự nhiên bị tác động, phần còn lại (500ha) là rừng trồng và đất canh tác của người dân địa phương.
Các khu vực này có địa hình và sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh thái của loài voi: không quá dốc, rừng thứ sinh cây gỗ và rừng hỗn giao tre nứa - gỗ, xen các trảng cỏ, có nguồn thức ăn và gần nguồn nước.
Kết quả khảo sát này là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng phương án bảo tồn tại chỗ quần thể voi tại H.Bắc Trà My và Hiệp Đức hoặc bảo tồn chuyển chỗ quần thể voi này đến Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam, góp phần bảo tồn lâu dài đàn voi, ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội tại Quảng Nam.
UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam năm 2017. Trong nghiên cứu công bố năm 2020 của Dự án Trường Sơn Xanh đã xác định quần thể voi ở Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam có 8 cá thể voi.
           Việt Nam chỉ còn khoảng 104-132 cá thể voi châu Á
Voi châu Á  phân bố ở 13 quốc gia trên khắp Nam Á và Đông Nam Á. Mặc dù quần thể voi châu Á nói chung có mức giảm nhẹ trong khoảng 20 năm, nhưng đã giảm mạnh ở Việt Nam, Indonesia và Myanma. Các mối đe dọa chính đối với sự tồn tại của loài là sự thu hẹp và chia cắt môi trường sống, xung đột giữa người và voi, săn trộm và buôn bán bất hợp pháp các bộ phận cơ thể voi.
Tại Việt Nam, các quần thể voi châu Á đang bị đe dọa nghiêm trọng khi chỉ còn khoảng 104-132 cá thể ngoài tự nhiên, phân bố rải rác ở 6 tỉnh: Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đắk Lắk và Đồng Nai.
Voi châu Á được phân hạng ở mức cực kỳ nguy cấp (CR) trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và được phân hạng ở mức nguy cấp (EN) trong danh Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (2021).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.