Phó chủ tịch QH: ‘Đất nước nhiều chuyện nóng bỏng nhưng báo cáo vẫn êm ả quá’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/07/2019 12:05 GMT+7

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, các báo cáo tổng kết kỳ họp 7 Quốc hội vẫn có cái gì đó êm ả và lạc quan quá, trong khi đất nước, xã hội đang có nhiều vấn đề rất nóng.

Sáng 15.7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 35 để tổng kết kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và cho ý kiến bước đầu về kỳ họp thứ 8 dự kiến diễn ra vào cuối năm nay.
Phát biểu thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ đồng tình với các báo cáo của Tổng thư ký Quốc hội, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc về kỳ họp thứ 7. Tuy nhiên, ông Lưu băn khoăn việc tổng kết này có giúp rút ra kinh nghiệm gì cho kỳ họp sau đó hay tới cuối năm vẫn sẽ lặp lại những vấn đề đã nói.
“Tôi thấy tình hình đất nước, xã hội bao nhiêu chuyện đang diễn ra, có những vấn đề rất nóng nhưng báo cáo của chúng ta vẫn êm ả, lạc quan quá”, Phó chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và đề nghị ngoài những phần mang tính chất hành chính, nêu lại những việc đã làm thì cần phải làm rõ kỳ họp đã đóng góp như thế nào cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại của đất nước.
Theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, ngay báo cáo kinh tế - xã hội tại kỳ họp cũng cần phải đổi mới. Quốc hội và Chính phủ phải tập trung vào một số vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra; đánh giá tình hình và đưa ra những giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.
“Bây giờ đang vướng mắc thế này, các bộ đang có ý kiến thế này mà tôi thấy báo cáo nói trơn tru thì thực sự tôi thấy chưa đạt là cơ quan quyền lực quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước”, ông Lưu nói.
Nhắc tới chức năng giám sát của Quốc hội, ông Lưu nêu vấn đề: Tại sao kiểm tra Đảng nêu ra nhiều vấn đề như vậy, không chỉ 1 địa phương mà nhiều địa phương? Từ đó, ông Lưu cho rằng, chức năng chính của Quốc hội là giám sát chính sách, pháp luật để thấy những bất cập, hạn chế nhưng cũng nên có những tác động.
“Chúng ta nên rút kinh nghiệm, đánh giá thế nào đó để người ta nhìn vào các đánh giá này người ta thấy Quốc hội đang lăn lộn với người dân, nói tiếng nói của dân”, ông Lưu nói thêm.

Vấn đề đất đai nóng bỏng như thế vẫn xin lùi

Về công tác xây dựng pháp luật, ông Lưu cho rằng, hiện nay Quốc hội ban hành nhiều luật nhưng nhiều luật không phải ưu tiên các vấn đề cuộc sống đang đòi hỏi bức xúc mà làm theo chương trình, cái nào dễ thì làm trước.
“Có những luật sửa đổi nhưng không phải là vấn đề bức xúc lắm. Trong khi có những vấn đề nóng như đầu tư công tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn cứ để lại. Vấn đề đất đai nóng bỏng như thế Chính phủ vẫn xin lùi rồi Quốc hội quyết đưa vào năm 2020”, ông Lưu nói.
Theo ông Lưu, báo cáo nói hạn chế cái này cái kia nhưng địa chỉ cụ thể là ai, địa chỉ nào, chậm thế nào thì không nói.
“Nhiều hôm tôi thay mặt lãnh đạo, thường vụ Quốc hội ngồi làm việc với cơ quan để tiếp thu chỉnh lý các dự án luật nhưng mời không có đồng chí thứ trưởng nào đến dự cả. Các đồng chí cứ nói trách nhiệm phối hợp nhưng rồi đồng chí nào cũng bảo vận họp”, ông Lưu nói và cho rằng những vấn đề này cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, làm rõ trách nhiệm chứ không thể nói chung chung.
Một vấn đề khác, theo ông Lưu là việc thông tin sớm cho báo chí về những vấn đề Quốc hội, Chính phủ đang bàn chưa được làm thường xuyên ở tất cả các cơ quan, chỉ đến khi dư luận nêu ra thì mới bắt đầu làm.
“Như đường sắt cao tốc Bắc – Nam, có nhiều đồng chí nói tại sao lại như vậy. Chính phủ chỉ đạo mà 1 bộ nói 26 tỷ, một bộ nói 58,7 tỷ khiến dư luận rất băn khoăn. Công tác thông tin tuyên truyền trong nội bộ xử lý như thế nào chứ như thế này thì tạo ra sự nghi kỵ mà dư luận lại không tin vào tham mưu, quản lý của chúng ta”, ông Lưu nói thêm.
Đại biểu Quốc hội vắng họp quá nhiều
Một vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra khi đánh giá kỳ họp thứ 7 của Quốc hội là tình trạng các đại biểu Quốc hội vắng mặt quá nhiều tại các phiên họp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 7 có những đoàn Tổng thư ký Quốc hội thông báo vắng tới 13 đại biểu.
“Có thể vắng 1-2 người như đồng chí bí thư, phó bí thư phải họp thường vụ chứ vắng 13 người thì chúng tôi cho rằng không nghiêm túc”, bà Nga nói.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu, cho biết, nhiều hôm lấy ý kiến những vấn đề lớn cũng vắng mặt quá nhiều. “Chúng ta có 500 đại biểu mà biểu quyết có hôm dưới 300 đại biểu thì vắng nhiều quá. Như Công ước 98 Ủy ban Đối ngoại chúng tôi trình mà có 370 đại biểu bỏ phiếu thông qua là chúng tôi mừng lắm”, ông Giàu nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, đại biểu Quốc hội kỳ này đại biểu vắng nhiều do đi nước ngoài, không hôm nào vắng dưới 30 người. Đoàn Hà Nội, TP.HCM có hôm vắng trên 50%. "Đây là kỳ họp vắng nhất trong tất cả các kỳ họp", bà Ngân nói.
Kỳ họp thứ 8 sẽ thông qua 10 dự án luật
Theo chương trình dự kiến, kỳ họp thứ 8 diễn ra vào cuối năm 2019 sẽ kéo dài 22,25 ngày, trong đó 11,75 ngày dành cho công tác lập pháp, 9,5 ngày cho các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Kỳ họp sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật gồm bộ luật Lao động (sửa đổi); luật Chứng khoán (sửa đổi); Thư viện; Lực lượng dự bị động viên; Dân quân tự vệ (sửa đổi); Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; và các luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương; luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức; Kiểm toán nhà nước; luật Tổ chức Quốc hội.
8 dự án luật sẽ được cho ý kiến trong đó có luật Thanh niên (sửa đổi); luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng…
Tại kỳ họp 8, Quốc hội giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018; xem xét Báo cáo kết quả giám sát (hoặc báo cáo chuyên đề) về vấn đề bức xúc, nổi lên trong lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn trình Quốc hội xem xét, thảo luận tại kỳ họp (nếu có).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.