Phó thủ tướng: Dư luận phản ánh thuế xăng thì phải lắng nghe

05/07/2017 12:02 GMT+7

Chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách của Bộ Tài chính sáng nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý lãnh đạo Bộ về chính sách bảo vệ môi trường xăng, dầu.

Trước đó một vài ngày, Bộ Tài chính tiếp tục công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thuế Bảo vệ môi trường, trong đó vẫn giữ nguyên đề xuất nâng khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng lên 3.000 - 8.000 đồng mỗi lít. Không chỉ xăng, nhiên liệu bay cũng được tăng mức trần lên 6.000 đồng, còn dầu diesel, dầu mazút, dầu nhờn kịch khung là 4.000 đồng mỗi lít.

Hiện khung thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng đang là 1.000 - 4.000 đồng, tuy nhiên, mức đang áp dụng là 3.000 đồng mỗi lít.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế tuyệt đối, gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế này đã được tăng gấp ba từ tháng 5.2015, góp phần giúp thu ngân sách 2015 vượt dự toán trong bối cảnh giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, đề xuất tăng khung thuế lên 3.000 - 8.000 đồng mỗi lít trước đó từng vấp phải phản ứng từ phía giới chuyên gia và người tiêu dùng.

Chỉ đạo hội nghị, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu, Bộ Tài chính phải chủ động hơn trong công tác tuyên truyền. Năm ngoái, dư luận phản ứng mạnh mẽ về giá tính thuế xăng, dầu nhập khẩu; năm nay lại tiếp tục lên tiếng về thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu.

“Năm nay có cái làm chưa tốt về tuyên truyền thuế bảo vệ môi trường. Đề xuất tăng là khung giá tối đa 8.000 đồng chứ không phải ngay 1 lúc. Song dư luận đã đặt vấn đề thì phải lắng nghe, phải có thông tin xác thực để trả lời”, Phó thủ tướng yêu cầu.

tin liên quan

Tăng thuế môi trường xăng khó khả thi
Thuế xăng dầu phải thu để bảo vệ môi trường, nhưng tận thu triệt để, trong khi chi ra thì chưa thỏa đáng nên không nhận được sự đồng tình, ủng hộ của xã hội.

Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, theo số liệu 6 tháng đầu năm có hơn 600.000 DN thành lập mới, nhưng cũng có hơn 30.000 doanh nghiệp chờ giải thể, đóng cửa.

Theo Phó thủ tướng, hiện nay các doanh nghiệp hoạt động vốn rất mỏng, chủ yếu dựa vào vốn vay, vốn chủ sở hữu thấp. “Có chuyên gia cảnh báo nền kinh tế phụ thuộc vào nợ công, còn doanh nghiệp hoạt động chủ yếu dựa vào vốn vay. Điểm này là điểm rất yếu”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.